Quản lý

Cần kiểm soát chặt phương tiện nạo vét luồng, hút cát

29/03/2018, 16:39

Những phương tiện nào không thực hiện các dự án nạo vét sẽ không được đăng kiểm khi gắn các thiết bị hút cát.

IMG_8178

Phương tiện nạo vét đường thủy phải có giấy phép khai thác cát, các dự án nạo vét

Vì sao phải kiểm soát chặt phương tiện hút cát

Vừa qua một số ý kiến cho rằng quy định về siết chặt đăng kiểm đối với các phương tiện thủy có gắn thiết bị nạo vét cát, sỏi gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên với những doanh nghiệp hoạt động khai thác cát có giấy phép, những đơn vị thực hiện các dự án nạo vét luồng có giấy phép hoàn toàn ủng hộ quy định này, bởi đây là cách hiệu quả để chống nạn “cát tặc”.

Thực tế trong năm 2017 nạn “cát tặc” hoành hành trên nhiều địa phương. Thậm chí “cát tặc” còn ngang nhiên hút cát ngay tại các dự án đã được cấp phép cho những đơn vị khác một cách công khai gây hệ lụy sạt lở. Cơ quan chức năng truy bắt “cát tặc”, tịch thu phương tiện xong cũng thả ra chứ không xử lý được tận gốc.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương giám sát chặt việc cấp phép khai thác cát, các dự án nạo vét luồng hàng hải, đường thủy nội địa. Ngày 2/11/2017, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 11710/VPCP-CN báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch về tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi trên sông và cửa biển.

Cụ thể khi triển khai dự án phải khảo sát, lập, phê duyệt và thông báo công khai các điểm cần phải nạo vét, khai thông luồng lạch, điều chỉnh dòng, tuyến. Đối với các dự án nào vét luồng đường thủy trên các lưu vực sông cần phải thông báo công khai và kiến nghị HĐND, UBND, chính quyền và đoàn thể xã, phường theo dõi, giám sát.

Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan lập kế hoạch tổng kiểm tra các phương tiện thủy, yêu cầu bắt buộc tháo dỡ các máy móc, thiết bị dùng để khai thác cát, sỏi. Tịch thu thiết bị, đình chỉ hoạt động theo quy định đối với các phương tiện cố tình vi phạm. Chỉ cấp đăng ký, đăng kiểm đối với các phương tiện có gắn máy móc, thiết bị hút cát, sỏi cho các đơn vị có giấy phép khai thác cát, các dự án nạo vét và các đơn vị chuyên môn của Bộ GTVT quản lý. Bố trí nơi neo đậu bắt buộc đối với các phương tiện; có phương án đầu tư xây dựng bến bãi, âu thuyền, khu vực tạm giữ, neo đậu phương tiện vi phạm, bảo đảm cho việc xử lý vi phạm đúng quy định pháp luật, góp phần vào việc đảm bảo trật tự ATGT thủy.

Kiểm soát chặt phương tiện, hạn chế "cát tặc"

Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, ngày 29/12/2017, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đã ký văn bản số 14764/BGTVT-KCHT về tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi trên sông và cửa biển. Tại văn bản này, Bộ GTVT giao Cục Hàng hải, Cục đường thủy nội địa, phối hợp với Cục Đăng kiểm, các cơ quan có liên quan lập kế hoạch tổng kiểm tra phương tiện thủy nội địa, tàu biển có lắp các máy móc, thiết bị dùng để khai thác cát, sỏi. Đối với các phương tiện của các đơn vị không có giấy phép khai thác cát, sỏi, không phải là các đơn vị chuyên ngành thực hiện nạo vét, duy tu, thi công các công trình hàng hải, đường thủy nội địa thì bắt buộc tự tháo dỡ các máy móc, thiết bị hút cát, sỏi. Trường hợp không chấp hành thì đình chỉ hoạt động của các phương tiện, Cục Đăng kiểm Việt Nam thu hồi đăng kiểm của các phương tiện.

064126-14

Nhiều phương tiện không có giấy phép khai thác cát, nạo vét luồng nhưng được triển khai nạo vét tự do dẫn đến tình trạng "cát tặc" lộng hành

Giao Cục Đăng kiểm Việt Nam phối hợp với Cục Hàng hải, Cục Đường thủy nội địa, các cơ quan, ban ngành và địa phương xem xét chỉ cấp đăng kiểm đối với các phương tiện có gắn máy móc, thiết bị hút cát, sỏi thuộc các đơn vị có giấy phép khai thác cát, các dự án nạo vét, các đơn vị chuyên ngành thi công nạo vét công trình hàng hải, đường thủy nội địa.

Ông Phạm Ninh, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm 6, cho biết thực hiện quy định của Chính phủ và Bộ GTVT, công tác kiểm soát phương tiện thủy có gắn các thiết bị hút cát, sỏi được thực hiện một cách chặt chẽ. Trước đây, phương tiện nào cũng được đăng kiểm nhưng không kiểm soát được khu vực hoạt động, dẫn đến tình trạng một số chủ tàu đưa phương tiện đi hút chui ở sông, rạch. Sau khi thực hiện kiểm soát, các phương chủ phương tiện phải cung cấp các giấy chứng nhận có dự án khai thác cát, nạo vét luồng thì mới được đăng kiểm. Phương tiện khi đăng kiểm được khoanh vùng hoạt động trong giới hạn dự án đang triển khai, nếu chuyển sang khu vực khác mà không có giấy phép sẽ bị cơ quan chức năng xử lý.

Ông Lưu Quang Lãm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư khai thác cảng, đơn vị có thực hiện dự án nạo vét luồng hàng hải theo hình thức xã hội hóa, cho biết rất ủng hộ chủ trương này, vì đã hạn chế được nạn “cát tặc”. “Những chủ phương tiện phải chứng minh được các dự án mà mình đang thực hiện hay hợp đồng thực hiện mới được cấp phép cho tàu hút hoạt động. Tránh tình trạng nhà nào cũng được cấp phép làm tàu hút, nhưng hút cát ở đâu thì không ai kiểm soát được”, ông Lãm nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.