Thời sự

Cần làm rõ trách nhiệm người ra quyết định đầu tư

12/04/2014, 07:58

Cần bổ sung các quy định nhằm nâng cao hiệu quả dự án, thêm trách nhiệm của người ra quyết định, tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng đối với các dự án đầu tư công...

Cần bổ sung các quy định nhằm nâng cao hiệu quả dự án, thêm trách nhiệm của người ra quyết định, tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng đối với các dự án đầu tư công...

Đó là một số những yêu cầu mà các đại biểu tham dự Hội nghị đại biểu Quốc hội (QH) hoạt động chuyên trách góp ý vào Dự án Luật Đầu tư công, tổ chức sang 11/4.

Trước khi có phiên thảo luận này, Dự án Luật Đầu tư công được kỳ vọng khi thông qua sẽ phát huy hiệu quả, tránh việc đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí trong đầu tư công. Chính vì lẽ đó, nhiều đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến theo hướng cần bổ sung các quy định, điều khoản nhằm nâng cao hiệu quả dự án đầu tư, trách nhiệm của người quyết định dự án đầu tư, cũng như tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng đối với các dự án đầu tư công.

Các đại biểu thảo luận về Dự án Luật Đầu tư công ngày 11/4
Các đại biểu thảo luận về Dự án Luật Đầu tư công ngày 11/4

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH cho biết, Dự thảo Luật quy định tất cả chương trình, dự án đầu tư công đều phải thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư thay vì theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ những chương trình, dự án quan trọng quốc gia mới cần được QH phê duyệt chủ trương đầu tư. 

Theo Phó chủ nhiệm Văn phòng QH Thân Đức Nam, Dự án Luật cần làm rõ khái niệm đầu tư công vì đây là các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước và đặc biệt cần làm rõ trách nhiệm của cá nhân khi quyết định đầu tư sai, gây thất thoát.

“Các Khu công nghiệp xây xong rồi bỏ hoang hiện nay thì ai chịu trách nhiệm?”, ông Nam lấy ví dụ và đề nghị cần có chế tài đối với các cá nhân, tổ chức đưa ra quyết định đầu tư sai, gây lãng phí.

“Ví dụ một địa phương đưa ra quyết định đầu tư sai mục đích thì có thể bị cắt nguồn vốn đầu tư trong một số năm tiếp theo”, ông Nam đề xuất.

Theo ông Đỗ Văn Đương, Luật Đầu tư công phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với Luật Phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm
Theo ông Đỗ Văn Đương, Luật Đầu tư công phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với Luật Phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm

Cho rằng Luật ra đời để đảm bảo hoạt động đầu tư công hiệu quả, tiết kiệm ngân sách nhà nước, song đại biểu Đỗ Văn Đương (Tp. Hồ Chí Minh) cũng nêu quan điểm: Luật này phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với luật phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm.

“Phải phân định rõ trách nhiệm của người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư (QH, HĐND) và người quyết định đầu tư các dự án cụ thể. Khi xảy ra sai thì trách nhiệm thế nào và vì sao chủ trương đầu tư sai”, ông Đương đề nghị.

Liên quan đến vai trò giám sát bên ngoài của các đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc, đại biểu Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, nếu đề cập như dự thảo thì vai trò của những tổ chức này cũng mới chỉ là “đứng xem thôi”. Mà đã đứng xem bên ngoài thì không biết được gì.

Cần quy định rõ hơn, các cơ quan, đoàn thể này cũng cần có quyền yêu cầu chủ đầu tư phải cung cấp tài liệu các dự án. Khi phát hiện sai phạm, các cơ quan này có quyền kiến nghị, yêu cầu khắc phục sai phạm”, ông Đương nêu ý kiến.

Đề cập đến trách nhiệm cá nhân chưa được xác định rõ, đại biểu Bùi Quang Phương (Ninh Bình) cho rằng, suốt thời gian dài, chúng ta có câu chuyện chạy dự án, nghiện dự án, thích dự án, còn hiệu quả thế nào thì hạ hồi phân giải. Nguyên nhân do không xác định được trách nhiệm cá nhân.

“Để khắc phục tình trạng này, Luật cần phải xác định được trách nhiệm cá nhân. Khi đó, chúng ta sẽ xử lý được các dự án đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Thậm chí, trong Luật cần cân nhắc sử dụng từ ngữ để  những người liên đới đến việc đầu tư công kém hiệu quả, thất thoát người ta phải biết chùn tay và không dám làm nữa. Luật này ra đời phải có tác dụng ngăn chặn”, đại biểu tỉnh Ninh Bình nói.

Trong khi đó, nêu quan điểm cần bổ sung quy định, cơ chế giám sát của cộng đồng đối với các dự án đầu tư để vừa nâng cao hiệu quả dự án, vừa củng cố lòng tin của nhân dân, ông Ngô Văn Minh (đại biểu tỉnh Quảng Nam) đề nghị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội khác như Hội cựu chiến binh đã và đang làm tốt cơ chế giám sát. “Để thực hiện chủ trương đầu tư và quyết định dự án đầu tư, tôi đề nghị xây dựng cơ chế lấy ý kiến của nhân dân”, ông Minh nói.

Kết thúc phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các đại biểu để Dự án Luật được thông qua phù hợp với quy định của Hiến pháp, đạt chất lượng, hiệu quả. “Ban soạn thảo cần làm rõ khái niệm về quyết định đầu tư dự án và quyết định chủ trương đầu tư. Theo đó, Dự thảo Luật bổ sung từng điều khoản cụ thể liên quan tới các khái niệm này, nhất là cơ chế, điều khoản liên quan tới việc xử lý trách nhiệm của cá nhân quyết định đầu tư”, Chủ tịch QH cho ý kiến.

Minh Tiến

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.