Xã hội

Cần lực lượng cảnh sát biển mạnh để quản lý toàn bộ vùng biển

29/05/2018, 17:42

Luật Cảnh sát biển phải quy định để lực lượng cảnh sát biển đảm bảo số lượng, quản lý được toàn bộ vùng biển.

Bo-truong-GTVT-Nguyen-Van-The

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu trong phiên thảo luận tổ chiều 29/5

Chiều 29/5, các ĐBQH thảo luận tại tổ về 2 Dự án Luật Đặc xá và Luật Cảnh sát biển.

Tại Tổ 10 gồm các đoàn ĐBQH: Cao Bằng, Thừa Thiên Huế, Yên Bái và Sóc Trăng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã có những ý kiến góp ý vào Dự án Luật cảnh sát biển, vì đây cũng là lĩnh vực có những liên quan mật thiết đến ngành GTVT.

Theo Bộ trưởng, ngành GTVT có hệ thống cảng và các công ty vận tải sử dụng các đường biển Việt Nam và quốc tế để thực hiện công tác xuất nhập khẩu hàng hoá cho Việt Nam. Bởi vậy, ngành giao thông nói chung và vận tải biển nói riêng rất gần gũi với các lực lượng cảnh sát biển.

Ở đâu có ngư dân, có kinh tế biển, ở đó cần cảnh sát biển phủ kín

Để nâng cao tính pháp lý, Bộ trưởng GTVT đồng tình việc ban hành Luật Cảnh sát biển để cảnh sát biển thực hiện các nhiệm vụ, hoặc khi có các tranh chấp quốc tế liên quan đến cảnh sát biển thì chúng ta có Luật và các điều khoản để xử lý. “Nếu được như vậy thì rất tốt, sẽ hỗ trợ được cho nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành GTVT” – Bộ trưởng Thể nói.

Nêu đặc thù nước ta là quốc gia biển với bờ biển rất dài trên 3.200 km, diện tích biển gần gấp 3 diện tích đất liền với hơn 1 triệu kilomet vuông, kinh tế biển được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, cùng với đó, chúng ta cũng xác định tương lai hướng ra biển, Bộ trưởng Thể cho rằng, bởi đặc thù như vậy nên lực lượng cảnh sát biển vô cùng quan trọng trong việc thực hiện chấp pháp trên vùng lãnh thổ, lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam. Việc ban hành Luật cảnh sát biển là phù hợp với thực tiễn, nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên vùng biển.

Ông cũng đề cập đến một số bất cập theo nghiên cứu của cá nhân.

Trước hết là việc hiện nay, khả năng nắm bắt địa bàn của cảnh sát biển rất hạn chế so với nhiều nước trong khu vực. “Vừa qua, có một số tàu nước ngoài vi phạm lãnh hải của chúng ta rất rõ nhưng vì lực lượng của chúng ta quá mỏng nên ta không thể nào nắm bắt kịp thời để có thông tin” – Bộ trưởng GTVT nêu thực tế và cho rằng khi ban hành Luật này, cần đưa vào một số quy định để làm sao lực lượng cảnh sát biển có thể đảm bảo về số lượng, quản lý được toàn bộ vùng biển, để ở đâu có ngư dân, ở đâu có hoạt động vận tải hay kinh tế biển, kể cả khu vực đường biển quốc tế giữa Việt Nam với các nước thì cảnh sát biển phải phủ kín để quản lý được địa bàn.

hop-to

Phiên thảo luận tổ về 2 Dự án Luật Cảnh sát biển và Luật đặc xá của các ĐBQH Tổ số 10

Thứ hai, cảnh sát biển hiện nay đa số phương tiện quá nhỏ, chỉ hoạt động được trong điều kiện thời tiết tốt, nếu gió bão cấp 6-7 trở lên thì tàu rất yếu, hoạt động rất nguy hiểm. Vì vậy, Bộ trưởng GTVT đề nghị chú trọng trang bị cơ sở vật chất cho cảnh sát biển, trong đó có các loại tàu hiện đại, tàu lớn để có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. “Vì nước ta mỗi năm hơn 10 cơn bão, có những con bão với gió cấp 12-13, nếu chúng ta không hoạt động được trong những điều kiện như thế thì khó quản lý được vùng biển của chúng ta” - Bộ trưởng Thể góp ý.

Cần đầu tư những trang thiết bị hiện đại

Bên cạnh đó, khả năng nắm bắt tình hình trên biển hiện nay cũng rất hạn chế, ngoài nguyên nhân do tàu và lực lượng yếu, còn do chúng ta thiếu nhiều thiết bị tự động như vệ tinh, máy bay không người lái hoạt động trên vùng biển để giám sát.

Ông dẫn chứng việc vừa qua có một số tàu vi phạm vùng biển của chúng ta, khi các tổ chức quốc tế yêu cầu chúng ta xử lý tàu đó vì họ vi phạm, nhưng hoàn toàn chúng ta không biết, vì các phương tiện này đi vào vùng biển của ta và họ tắt hết mọi thiết bị nên ta không giám sát được. Chỉ khi nào có máy bay không người lái hoặc có vệ tinh chụp ảnh thì chúng ta mới nắm bắt được các phương tiện đó. Theo Bộ trưởng GTVT, việc này chứng tỏ dù chúng ta có hệ thống ra-đa và các thiết bị, nhưng nếu thiếu các thiết bị giám sát trên bầu trời một cách tốt nhất để chụp ảnh, gửi ảnh về trung tâm thì cảnh sát biển khó phát hiện các sự việc như vậy.

Cuối cùng, Bộ trưởng GTVT góp ý cảnh sát biển của phải làm việc tốt trong môi trường quốc tế, không chỉ giỏi về ngoại ngữ, mà phải nắm được các thông lệ, luật pháp quốc tế để khi có những tàu nước ngoài vi phạm, chúng ta ứng xử đảm bảo đúng luật quốc tế.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh lực lượng cảnh sát biển cần có chuyên môn, chuyên ngành sâu, vì hiện nay những tàu đến với Việt Nam có dụng ý xấu thường trang bị rất hiện đại, nếu không có trình độ, không am hiểu thì nhìn thấy thiết bị đó cũng không biết là gì, trong khi có khi họ dùng thiết bị đó do thám, điều tra tài sản trên vùng biển của ta, hay có những hành động vi phạm chủ quyền của chúng ta.

Do đó, Bộ trưởng GTVT đề nghị cảnh sát biển phải được đào tạo chính quy về chuyên ngành, kể cả những kiến thức hiện đại về công nghệ mới mà hiện nay nước ngoài đang áp dụng, để lực lượng cảnh sát biển đông nhưng có năng lực, đủ thiết bị và điều kiện, có như thế mới đáp ứng đủ yêu cầu bảo vệ vùng biển.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.