Xã hội

Cần mạnh tay cắt bỏ các sản phẩm "bẩn"

02/04/2014, 16:22

TS. Hà Huy Phượng - Phó Khoa Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền trao đổi với PV Báo Giao thông xung quanh vấn nạn báo chí cũng tung ảnh "nóng" hiện nay.

TS. Hà Huy Phượng - Phó Trưởng Khoa Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền trao đổi với PV Báo Giao thông xung quanh vấn nạn báo chí cũng tung ảnh "nóng" hiện nay.

Gần đây, việc đăng tải hình ảnh “nóng” khá tràn lan trên các báo, trang tin tổng hợp. Ông đánh giá như thế nào về xu hướng này?

Đúng là gần đây, trên các tờ báo mạng, trang tin điện tử, mạng xã hội ở nước ta, đề tài chuyện phòng the, “lộ hàng” có vẻ tăng mạnh. Có tờ báo mạng xây dựng cả một trang phụ cho chủ đề này và trong đó thì chứa đựng đầy rẫy những chuyện chăn gối, hở hang.

Nhà báo Hà Huy Phượng
Tiến sỹ Hà Huy Phượng

Các tờ báo mạng, trang tin điện tử đưa hình ảnh “nóng” lên các sản phẩm báo chí truyền thông nhằm mục đích gì? Tôi nghĩ, có mấy lý do.

Thứ nhất, là nhằm mục đích “câu view” (lượt xem) để có lợi nhuận về kinh tế. Nếu số lượng người truy cập vào những nội dung này càng lớn thì sẽ có nhiều người biết hơn tới tờ báo đó và tất nhiên đi kèm nó là những lợi ích về dịch vụ mạng, quảng cáo, tài trợ…

Thứ hai, một sản phẩm báo chí thường phải có đủ món để đáp ứng nhu cầu đa dạng của độc giả. Và những hình ảnh “nóng”, những chuyện gợi sự tò mò... dường như là "món" không thể thiếu trên “mâm ăn” hàng ngày của một bộ phận độc giả.

Thứ ba, có thể các tòa soạn cũng chưa thực sự ý thức về chuyện này và đăng tải tin, ảnh theo trào lưu.

Tuy nhiên, xu hướng này là rất đáng báo động. Những hình ảnh “nóng” đã và đang làm “ô nhiễm”, đầu độc môi trường văn hóa và làm băng hoại đạo đức xã hội.

Con em của chúng ta bây giờ rất dễ dàng có thể xem được những chuyện phòng the trên internet, thậm chí là những ảnh gợi dục trên ngay chính các trang báo mạng và dễ có những hành động mù quáng. Tội phạm hãm hiếp phụ nữ có vẻ ngày một nhiều hơn. Tỷ lệ các em gái vị thành niên nạo phá thai cũng nhiều thêm…

Theo ông để điều chỉnh vấn đề này cần phải có động thái gì?

Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất vẫn là ý thức xã hội, ý thức công dân của công chúng xã hội, trong đó hệ thống pháp luật phải chặt chẽ hơn.

Trên các chuyên trang của các tờ báo lớn, dễ thấy ngập tràn các hình ảnh
Trên các chuyên trang của các tờ báo lớn, dễ thấy ngập tràn các hình ảnh "nóng"

Trước mắt, cần mạnh tay dẹp bỏ những sản phẩm báo chí truyền thông “bẩn”, tăng thêm những sản phẩm “sạch” để công chúng tiếp nhận những thông tin báo chí có giá trị nhân văn cao.

Bên cạnh đó, cần giáo dục ý thức xã hội, ý thức công dân để họ có điều kiện thay đổi hành vi. Khi khách hàng không còn nữa thì các sản phẩm báo chí truyền thông “bẩn” cũng không còn “đất” sống.

Với tư cách là một nhà báo, một giảng viên chuyên ngành báo chí, ông có cho rằng việc thiếu bản lĩnh của người làm báo khiến việc sử dụng ảnh nóng trên báo chí trở thành trào lưu?

Tôi vẫn hay nói với sinh viên về một bài học rất ngắn gọn của một người thầy nền báo chí cách mạng Việt Nam, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác đưa ra 3 câu hỏi và cũng là bài học đối với người làm báo, đại ý là: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?".

Tôi nêu vấn đề bằng những câu hỏi đó khi giảng bài. Ngẫm ra, nếu các nhà báo sáng tạo một tác phẩm, tổ chức sản xuất một sản phẩm báo chí truyền thông mà không biết rõ là làm ra cho ai tiếp nhận, nhằm mục đích gì và làm nó như thế nào thì rất dễ sẽ tạo ra những sản phẩm báo chí có hại cho xã hội.

Một hình ảnh dễ dãi được đăng tải làm hình minh họa trên báo. (Hình ảnh đã được chúng tôi làm mờ so với ảnh gốc)
Một hình ảnh dễ dãi được đăng tải làm hình minh họa trên báo. (Hình ảnh đã được chúng tôi làm mờ so với ảnh gốc)

Ở khía cạnh đạo đức nghề nghiệp, việc tạo ra những sản phẩm báo chí truyền thông “bẩn” còn được coi đó là một tội ác.

Trong trường, chúng tôi dạy cho sinh viên báo chí là không chỉ cần giỏi nghề mà còn phải là một nhà báo có văn hóa.

Cảm ơn Tiến sĩ!

Báo mạng có lợi thế rất lớn về khả năng tương tác. Người đọc có thể khen chê ngay dưới bài viết. Tuy nhiên, nhiều tòa soạn báo mạng, trang tin điện tử hiện nay vẫn phải sử dụng chiêu bài “đóng cửa”, không để lộ các bình luận của người đọc khi họ biết các thông tin đưa ra không phù hợp với giá trị đạo đức của xã hội Tiến sỹ Hà Huy Phượng.

 


Phương Vy (Thực hiện)
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.