Chuyện dọc đường

Cần một cuộc "chiến tranh nhân dân" chống dịch COVID-19

18/03/2020, 08:08

Ai có tiền góp tiền, ai có công góp công. Với nhiều doanh nghiệp, dịch bệnh hoành hành, "nuôi" được người lao động cũng là một cách góp sức.

img
Thủ tướng đóng góp những ngày lương của mình cho công cuộc phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Lại Hoa

"Chống dịch như chống giặc", câu nói của Thủ tướng đặt cuộc phòng chống dịch COVID-19 như là cuộc chiến, và chúng ta đang sống trong thời chiến.

Có nghĩa là trong tư thế sẵn sàng, trong tâm thế chủ động, không một chút lơ là sơ sẩy, sẽ bị mất phòng tuyến, sẽ thất thủ.

Cuộc chiến chống giặc không của riêng ai mà của toàn dân. Lịch sử chống giặc của Việt Nam luôn gắn với bốn chữ "chiến tranh nhân dân". Có một giá trị được đúc kết từ lịch sử vệ quốc, đó là mỗi khi có giặc, thì tinh thần đoàn kết được phát huy, sự cống hiến và hy sinh được thể hiện cao nhất.

Với cuộc chiến chống lại giặc COVID-19, có thể thấy rõ những tấm gương hy sinh thầm lặng, đó là các y bác sĩ trên tuyến đầu, đó là những chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam giăng màn dọc biên giới, những quân y chăm sóc người nghi nhiễm trong các khu cách ly.

Sự ân cần, chu đáo của thầy thuốc Việt Nam, sự chăm sóc tận tình của các lực lượng khác nhau của quân đội, chính quyền Việt Nam không chỉ an dân, tạo niềm tin cho người dân mà cả công dân nước ngoài.

Đất nước còn nghèo, gặp lúc khó khăn nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn dành tất cả nguồn lực lo sức khỏe cho người dân.

Hơn lúc nào hết mỗi người Việt Nam cần ý thức trách nhiệm với cộng đồng.

Đã có nhiều doanh nghiệp đóng góp tiền của để giúp Chính phủ chống dịch, trong đó có những khoản dành cho nghiên cứu khoa học, đầu tư chiều sâu, chống dịch tận gốc.

Nhiều doanh nghiệp góp tiền để trang bị dụng cụ y tế, hỗ trợ cho y bác sĩ, bệnh nhân. Có những doanh nhân sử dụng resort, khách sạn của mình giúp chính quyền cách ly người nghi nhiễm, ăn uống miễn phí.

Vào thời điểm dịch bệnh hoành hành, hàng không, du lịch đóng băng, nhiều doanh nghiệp sống sót đã là khó, cho nên đóng góp của họ chính là cố gắng vượt qua, bảo đảm được việc làm cho người lao động, đó cũng là đóng góp gián tiếp cho cuộc chiến chống dịch.

Không chỉ doanh nghiệp, những người nổi tiếng, nghệ sĩ, giới showbiz cũng thể hiện tấm lòng của mình bằng cách kêu gọi bạn bè, người thân giúp chính quyền chống dịch với số tiền không nhỏ.

Họ không cần làm việc này để nổi tiếng vì họ đã nổi tiếng rồi. Ở đây có thể thấy rõ được tấm lòng, các ca sĩ, diễn viên mong muốn được chia sẻ, được thể hiện trách nhiệm công dân.

Thế thì còn hàng chục triệu người khác thì sao, tất cả đều có trách nhiệm với đất nước. Chiến tranh nhân dân thì "ai có súng dùng súng, ai có gương dùng gươm. Không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc".

Việt Nam đã từng có nhiều lần thiên tai, các tổ chức xã hội kêu gọi nhắn tin ủng hộ đồng bào bị bão lũ, nhắn tin ủng hộ chương trình Hoàng Sa - Trường Sa...

Vậy thì trước dịch COVID -19 rất nguy hiểm này, có thể vận động một cuộc nhắn tin để huy động tiền chống dịch. Mỗi tin nhắn vài chục nghìn đồng, nhưng hàng triệu người tham gia thì giảm bớt gánh nặng ngân sách ghê gớm.

Và điều quan trọng là đánh thức lòng yêu nước thương dân, nghĩa đồng bào, những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc.

Còn nữa, công chức, viên chức vẫn may mắn ổn định việc làm. Tất cả hãy sẵn lòng ủng hộ một hai ngày lương để chung tay phòng chống dịch.

Mỗi người một tay, ai có của góp của, ai có công góp công, chúng ta sẽ phòng chống dịch COVID -19 hiệu quả, sẽ thực hiện thêm một cuộc chiến tranh nhân dân thắng lợi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.