Quản lý

Cần một “nhạc trưởng” kết nối giao thông vùng

21/08/2016, 08:14

Lãnh đạo 8 địa phương đã tổ chức hội nghị chuyên đề “Kết nối giao thông các tỉnh trong vùng KTTĐ phía Nam”.

1

Cầu Cần Thơ khánh thành năm 2010 “mở cửa” vựa lúa 7 tỉnh Nam sông Hậu - Ảnh: Lã Anh

Mới đây tại TP.HCM, lãnh đạo 8 địa phương gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang, Long An và TP.HCM đã tổ chức hội nghị chuyên đề “Kết nối giao thông các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam”. Tham gia hội nghị còn có lãnh đạo đại diện các Bộ, ngành T.Ư.

60km mất hơn 3 giờ lưu thông

Phát biểu mở đầu hội nghị, ông Trần Lưu Quang, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh nêu lên những bất cập trong việc kết nối giao thông vùng KTTĐ phía Nam hiện nay. Điển hình là QL22 đoạn qua địa phận TP HCM hiện đã rất quá tải. Trong khi dự án nâng cấp mở rộng QL22 đã có, quy hoạch cao tốc TP HCM - Mộc Bài cũng đã lập từ lâu nhưng vẫn chưa được triển khai. “Tôi đi từ Tây Ninh về TP HCM theo QL22 với khoảng cách hơn 60km nhưng phải mất hơn 3 giờ mới đến được. Giao thông thế này thì khó mà phát triển kinh tế”, ông Quang nói.

Ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, hệ thống cảng biển ở khu vực Cái Mép - Thị Vải đã được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh, đã đón nhiều chuyến tàu lớn đi thẳng châu Âu, châu Mỹ. Tuy nhiên, hệ thống giao thông đường bộ kết nối với hệ thống cảng chưa được đầu tư tương xứng. “Đây là điều hạn chế hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải chưa trở thành cảng trung chuyển của khu vực”, ông Trình nói.

Tương tự, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cảnh cũng cho biết, QL1 đoạn qua tỉnh Long An giáp ranh với TP.HCM hiện đã quá tải. Cùng với đó tuyến QL50 cũng đang quá tải, nhiều năm chưa được mở rộng. Tình trạng ùn tắc, kẹt xe ở cửa ngõ phía Tây của TP.HCM thường xuyên diễn ra vào các dịp lễ, Tết. Việc này đã làm cản trở sự phát triển chung…

Trong khi đó, ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho rằng, giao thông kết nối giữa Bình Dương với TP.HCM cũng như các tỉnh trong vùng chưa được thuận lợi. QL13 đoạn qua Bình Dương đã được đầu tư mở rộng nhưng đoạn qua TP HCM vẫn rất hẹp, thường xuyên ùn tắc. Hệ thống đường thủy vẫn đang bị “tắc” do tĩnh không một số cầu thấp.

2

Tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang được kiến nghị kéo dài đến Biên Hòa, Bình Dương để tạo sự kết nối vùng

Cần có một “nhạc trưởng” và cơ chế đặc thù

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông phát biểu ý kiến tại hội nghị cho biết, vùng KTTĐ phía Nam chiếm 20% hoạt động vận tải hành khách, 30% hoạt động vận tải hàng hóa. Lượng hàng hóa thông qua các cảng thuộc nhóm cảng biển số 5 chiếm hơn 60%. Điều này cho thấy hoạt động giao thông ở khu vực này rất nhộn nhịp. Thế nhưng toàn vùng chỉ có 90km đường cao tốc, so với tổng số 740km đường cao tốc cả nước là quá thấp.

Còn ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định: Vùng KTTĐ phía Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH của cả nước. Nhưng sự phát triển này chỉ thực sự hiệu quả khi có sự kết nối tốt ở tất cả các lĩnh vực.

Dẫn lại câu chuyện của Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh đi về TP.HCM mất hơn 3 tiếng đồng hồ, ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, với hạ tầng như thế thì Tây Ninh không thể phát triển được. Bí thư Thăng cho biết, sẽ huy động nguồn vốn mở rộng QL22 đồng thời xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài trong thời gian tới. Để tiếp tục phát huy vai trò động lực của vùng KTTĐ phía Nam, với vai trò điều phối vùng, TP.HCM sẽ báo cáo Bộ Chính trị tiến hành tổ chức tổng kết Nghị quyết 53 của Bộ Chính trị (23/8/2005), những cái được, chưa được để có sự điều chỉnh.

“Vấn đề quan trọng là phải xây dựng cho được cơ chế điều phối vùng dưới sự điều hành trực tiếp của Chính phủ chứ không thể áp dụng cơ chế luân phiên như hiện nay. Luân phiên thì chỉ gặp nhau vui vẻ thôi do TP.HCM không thể điều phối Bình Dương, Đồng Nai… được. Thủ tướng hoặc là Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp là Chủ tịch điều phối vùng thì mới hiệu quả”, ông Thăng nói và cho rằng, từ cơ chế đặc thù trên sẽ có chính sách đặc biệt để tạo vốn, hỗ trợ vốn để thu hút đầu tư trong nước, ngoài nước vào lĩnh vực hạ tầng giao thông chung cho cả vùng.

Bí thư Thăng cũng kiến nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính giao cho các địa phương quyết định việc đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu; HĐND các tỉnh quyết định mức thu phí trong khung mà Bộ Tài chính ban hành.

Thành lập tổ điều phối kết nối giao thông vùng. Các Sở cùng ngồi lại rà soát, lên kế hoạch triển khai cụ thể từng dự án kết nối… Tập trung triển khai mạnh vào các dự án hạ tầng giao thông có thể triển khai ngay, không chần chừ, ưu tiên các dự án có tính liên kết cao. 

3

 

"Tôi hy vọng sau hội nghị này, chúng ta sẽ có kế hoạch triển khai cụ thể. Để làm sao từng năm một phải thấy hạ tầng giao thông trong vùng được kết nối hiệu quả, bằng các sản phẩm cụ thể chứ không phải chỉ là lời nói, nghị quyết”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng

5

 

"Thời gian qua, Bộ GTVT đã triển khai nhiều dự án cấp bách có tính kết nối vùng. Vấn đề khó khăn nhất là việc huy động nguồn vốn cho các dự án giao thông. Mặc dù nhiều Bộ, ngành vẫn nói việc tập trung huy động nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng giao thông nhưng cơ chế nào để huy động thì chưa rõ ràng. Các tỉnh, TP và Bộ, ngành T.Ư cùng góp tiếng nói với Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ xây dựng cơ chế đặc thù huy động nguồn vốn phát triển hạ tầng giao thông cho vùng KTTĐ phía Nam”.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông



Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.