Hạ tầng

Cận ngày về đích, 3 dự án cao tốc vẫn chưa hết khó

22/02/2023, 10:12

Thời gian cán đích chỉ còn chưa đầy 3 tháng, song 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam vẫn gặp nhiều thách thức về thời tiết và vật liệu...

Miệt mài chạy nước rút

Trung tuần tháng 2/2023, ngay sau khi đợt mưa kéo dài hơn 10 ngày (2/2 - 13/2) kết thúc, Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh lại dồn quân, kéo máy ra công trường gói thầu XL13 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 để bứt tốc các hạng mục cuối cùng.

Dự kiến, toàn bộ phần việc do Trường Thịnh thi công sẽ được hoàn thành trong khoảng thời gian từ ngày 15 - 20/3/2023.

img

Gói thầu XL13 dự án đoạn Mai Sơn - QL45 thi công những lớp bê tông nhựa cuối cùng

Theo ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án Mai Sơn - QL45, hiện tại, trên toàn dự án đang triển khai 90 mũi thi công. Giá trị sản lượng thực hiện đến nay đạt gần 84% giá trị xây lắp theo hợp đồng.

Trong đó, phần đường đã hoàn thành gần 85% khối lượng cấp phối đá dăm; phần cầu cũng đang thi công kết cấu phần trên, tổng sản lượng cầu đạt 90,5% hợp đồng.

Với hai công trình hầm trên tuyến, hầm Tam Điệp đã hoàn thành, hầm Thung Thi tổng sản lượng đạt 95,9% hợp đồng.

Tại dự án Phan Thiết - Dầu Giây, tranh thủ thời tiết thuận lợi, khối lượng thi công tại gói thầu XL3 đang ghi nhận sự cải thiện tích cực.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc điều hành gói thầu cho biết, trên công địa 35km chiều dài tuyến, sản lượng thi công đạt hơn 80% giá trị hợp đồng.

Riêng tuyến chính, giá trị sản lượng thực hiện đạt gần 90%. Trên công trường đang duy trì hơn 600 nhân lực cùng hơn 300 đầu máy, thiết bị thi công 3 ca từ sáng sớm đến 22h hàng ngày.

Theo đại diện Ban QLDA Thăng Long, tính đến ngày 16/2, giá trị sản lượng thực hiện toàn dự án đạt gần 82% giá trị hợp đồng.

Kế cận Phan Thiết - Dầu Giây, dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết cũng đang cấp tập hoàn thành những lớp thảm cuối cùng trên tuyến chính.

Theo ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc điều hành dự án, sản lượng thực hiện đạt hơn 72% giá trị hợp đồng xây lắp. Đối với các công trình mục cầu, 13 cầu trên tuyến chính đã được hoàn thiện.

Hơn 30 cầu còn lại đang được nhà thầu rốt ráo hoàn thiện lan can, mặt cầu... Mục tiêu đề ra là hoàn thành toàn bộ dự án trước ngày 30/4/2023 theo đúng yêu cầu.

Thách thức vật liệu, nền đất yếu

Ông Phạm Quốc Huy cho hay, nỗi lo lớn nhất hiện nay chính là nguồn vật liệu đất đắp phục vụ thi công hệ thống đường gom để dự án có thể đưa vào khai thác đồng bộ.

Tính toán cho thấy, khối lượng đất đắp cần huy động thi công đường gom và các hạng mục còn lại trên tuyến chính khoảng 1.000.000m3. Tuy nhiên, hiện 6 mỏ vật liệu được cấp phép đã hết hạn và đang trong thời gian chờ gia hạn.

“Trước mắt, các nhà thầu đang lên kế hoạch huy động khoảng 200.000 - 250.000m3 đất đắp từ các mỏ thương mại, ưu tiên thi công trước các đường cầu vượt ngang để thông tuyến chính. Trong tháng 2, nếu thủ tục gia hạn các mỏ không được giải quyết, việc hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ dự án sẽ rất khó”, ông Huy lo lắng.

Tại dự án Phan Thiết - Dầu Giây, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết, khối lượng đất đắp phục vụ thi công đường gom khoảng 430.000m3.

Nhà thầu đã báo cáo địa phương cho cải tạo hạ nền tại 2 khu vực gần dự án. Nếu trong tháng 2, nút thắt vật liệu không được khơi thông, nguy cơ cao hạng mục đường gom phải về đích sau.

Trong khi đó, tại dự án đoạn Mai Sơn - QL45, lo lắng nhất là tiến độ gói thầu XL14. Một cán bộ Ban điều hành phụ trách gói thầu cho biết, trong tổng số 19,4km chiều dài, dự kiến có 10km đầu sẽ hoàn thành khai thác trước ngày 30/4/2023.

Hiện đoạn tuyến này đã cơ bản hoàn thành hạng mục bê tông nhựa C25. Dự kiến, công tác bê tông nhựa sẽ hoàn thành trong tháng 3/2023. Hơn 9km còn lại phải xử lý nền đất yếu có thể phải về đích sau một khoảng thời gian.

“Để tăng tốc tiến độ triển khai, toàn bộ công việc của Công ty CP Tập đoàn Miền Trung (7,4km nền đường và hạng mục phụ trợ) được chuyển cho Vinaconex thi công. Yêu cầu đặt ra trong tháng 2 là mỗi ngày, nhà thầu phải thi công 2.000m3 đất/ngày để hoàn thành khối lượng còn lại”, vị cán bộ thông tin.

Thay nhà thầu “đuối sức”

Một thách thức lớn cũng được lãnh đạo Ban điều hành dự án đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đề cập là tình trạng một số nhà thầu có dấu hiệu “đuối sức”, việc huy động tài chính không đáp ứng kịp tiến độ thi công. Điển hình nhất là nhà thầu Vinaconex ở gói thầu XL4, Cienco 8 ở gói thầu XL3.

Từ Tết Nguyên đán đến nay, sản lượng của các nhà thầu này khá thấp, đạt dưới 50% so với yêu cầu. Thậm chí, có ngày công trường không hoạt động.

Trước thực trạng trên, Ban QLDA đã có văn bản phê bình các nhà thầu. Thời gian tới, nếu khối lượng thi công của các nhà thầu này không chuyển biến, việc cắt chuyển khối lượng và xử lý trách nhiệm sẽ được thực hiện theo đúng hợp đồng ký kết.

Đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, tại văn bản chỉ đạo mới đây, Bộ GTVT đã yêu cầu Ban QLDA Thăng Long khẩn trương quyết định, hoàn thiện thủ tục điều chuyển khối lượng còn lại của Tập đoàn Miền Trung cho Vinaconex trực tiếp thi công.

Ban QLDA Thăng Long cũng được giao nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá năng lực tài chính, khả năng hoàn thành khối lượng công việc còn lại của nhà thầu tại từng gói thầu. Trên cơ sở đó, xem xét, đề xuất thay thế, điều chuyển khối lượng, có chế tài xử lý theo quy định hợp đồng và pháp luật.

Dự án đoạn Mai Sơn - QL45 có tổng chiều dài 63,37km. Giai đoạn phân kỳ, dự án được quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m. Tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng.

Dự án đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết có tổng chiều dài 100,8km. Giai đoạn phân kỳ được đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m; các đoạn nền đường đào sâu, đắp cao có bề rộng nền đường 32,25m. Tổng mức đầu tư gần 10.854 tỷ đồng.

Dự án đoạn Phan Thiết - Dầu Giây có tổng chiều dài 99km. Giai đoạn phân kỳ được đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 25m, bề rộng mặt đường 23,5m. Tổng mức đầu tư hơn 12.577 tỷ đồng.

Cả ba dự án được khởi công từ tháng 9/2020, thông xe kỹ thuật vào tháng 12/2022 và dự kiến đưa vào khai thác trước ngày 30/4/2023.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.