Vận tải

Cân nhắc cấm xe máy vào các quận trung tâm TP HCM từ năm 2025

01/03/2019, 17:55

Một số ý kiến cho rằng nên cân nhắc giai đoạn 2025 - 2030 cấm xe máy vào một số quận trung tâm khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng.

img
Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng

Ngày 1/3, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM tổ chức Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP HCM.

Đề án do Sở GTVT TP HCM phối hợp Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) xây dựng, nhằm giải quyết bài toán khó khăn về giao thông đô thị tại TP HCM.

Cấm xe máy vào các quận trung tâm

Theo đề án, lộ trình thực hiện qua ba giai đoạn: Từ nay đến năm 2020; giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Một trong những mục tiêu quan trọng mà đề án đưa ra là tiến tới cấm môtô, xe máy hai, ba bánh tại một số khu vực trung tâm ở các quận 1, 3, 5, 10... vào giai đoạn 2025 - 2030, khi hệ thống VTHKCC (xe buýt, đường sắt đô thị, xe buýt nhanh - BRT) cũng như các dịch vụ đi kèm bảo đảm với cự ly tiếp cận trung bình của hành khách đến hệ thống VTHKCC đạt dưới 500m.

Đề án cũng đặt ra yêu cầu đến năm 2030, thị phần VTHKCC toàn thành phố phải đạt từ 29,3 - 36,8% để đáp ứng nhu cầu đi lại bằng phương tiện công cộng của người dân. Đề án đã nêu ra nhiều nhóm giải pháp mang tính kinh tế để kiểm soát phương tiện cá nhân theo nguyên tắc "kéo - đẩy", tức là kéo giảm lượng người sử dụng phương tiện cá nhân và đẩy mạnh việc thu hút hành khách tham gia phương tiện công cộng.

Theo tính toán của đơn vị xây dựng đề án, dự kiến nguồn lực từ ngân sách thành phố dành ưu tiên cho phát triển VTHKCC bằng xe buýt là 9.783 tỷ đồng (giai đoạn 2019-2020), 18.896 tỷ đồng (giai đoạn 2021-2025) và 23.810 tỷ đồng (giai đoạn 2026-2030).

Giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu

Tại buổi phản biện, một số ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, giải pháp phát triển VTHKCC phải xem là giải pháp tiên quyết trước khi thành phố thực hiện cấm phương tiện cá nhân ở một số khu vực trung tâm thành phố. Ngoài ra, thành phố cần cân nhắc giai đoạn 2025 - 2030 cấm xe máy vào một số quận trung tâm liệu có khả thi hay không khi hiện trạng cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông công cộng vẫn chưa đảm đương nhu cầu đặt ra.

img
TP HCM có khoảng 8 triệu xe máy (chiếm hơn 90% tổng số phương tiện giao thông trên địa bàn)

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Ủy viên Hội đồng quy hoạch - kiến trúc TP HCM, bên cạnh những giải pháp mang tính kinh tế mà thành phố đề nghị, việc quy hoạch không gian đô thị và phân bổ lại dân cư, kéo dãn dân ra bên ngoài trung tâm cũng hết sức quan trọng. “Thành phố cần ra tạo ra ít nhất một đến hai Khu đô thị vệ tinh, vì hiện nay thành phố chỉ có một khu trung tâm 930 ha nên người dân tập trung vào trung tâm đi làm, đi học gây ùn tắc giao thông”, ông Hòa nói.

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Xuân Mai - chuyên gia giao thông cho rằng, phải tập trung các HTX xe buýt lại thành doanh nghiệp lớn. Quản lý xe buýt được mới tăng chất lượng dịch vụ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.