Xã hội

Cân nhắc công khai danh tính người mua dâm

03/06/2015, 08:46

Bỏ hàng chục nghìn USD để mua dâm, tuy nhiên, những người mua dâm lại chỉ bị xử phạt vài triệu đồng.

Liệu có nên công khai danh tính người mua dâm để tăng tính răn đe? Sau nhiều vụ đường dây mua bán dâm với giá hàng chục nghìn USD bị cảnh sát bóc gỡ, mới đây nhất là vụ Á khôi của một cuộc thi sắc đẹp bán dâm 20 nghìn USD, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần công khai danh tính người mua dâm.

Mặt khác, nếu người mua dâm là quan chức thì cần phải làm rõ số tiền mua dâm đó có nguồn gốc từ đâu. Xung quanh vấn đề này, Báo Giao thông ghi nhận ý kiến của một số ĐBQH đang công tác trong lực lượng công an, bên lề kỳ họp thứ 9.

Công khai nhưng phải quy định chặt chẽ

201411141557313875_ĐBQH Tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Th
ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng).

"Về đề xuất công khai danh tính của người mua dâm, có lẽ cũng cần phải nghiên cứu một cách nghiêm túc, kỹ càng. Tôi đồng tình việc công khai, nhưng vì đây là những vấn đề hết sức tế nhị, nên đi kèm phải có quy định chặt chẽ. Tôi nghĩ việc hợp thức hóa mại dâm, coi mại dâm là một nghề cũng nên tiếp tục được nghiên cứu một cách nghiêm túc, vì chúng ta đã cấm trong nhiều năm nhưng thực tế lại không thể cấm được.

Ngoài ra, cần nghiên cứu thêm về việc tăng hình phạt, nếu chúng ta không có hình phạt tương xứng với hành vi của họ thì mức độ giáo dục, răn đe, phòng ngừa cũng chỉ có giới hạn”.

Chỉ nên công khai những vụ nghiêm trọng

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu (Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an).

Đúng là chế tài xử phạt của chúng ta đối với hành vi mua bán dâm còn quá nhẹ nên chưa đủ sức răn đe tội phạm, chưa hiệu quả trong việc ngăn chặn tệ nạn này. Đây cũng là vấn đề chúng tôi đang phải nghiên cứu, sau đó đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền nâng chế tài xử phạt nặng hơn nữa để có tác dụng hơn.Với đề xuất công khai danh tính của người mua dâm, tôi nghĩ không đến mức trường hợp nào cũng phải công khai, mà chỉ là những vụ lớn, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, còn bình thường thì không cần thiết.

Thực tế cái khó khăn nhất vẫn là chế tài xử lý làm sao cho vừa có sức thuyết phục, vừa có tính răn đe đối với các hoạt động tội phạm. Trước hết và quan trọng hơn cả vẫn là giáo dục, nhắc nhở, phòng ngừa các vi phạm trong hoạt động mại dâm, còn nếu đã vi phạm thì nhất định phải xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

Cân nhắc từng trường hợp

Thiếu tướng Trịnh Xuyên
Thiếu tướng Trịnh Xuyên (Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa).

Thực ra hoạt động mại dâm là vấn đề xã hội, muốn giảm tệ nạn này phải triển khai đồng bộ các biện pháp. Một trong những biện pháp có thể ngăn chặn hiệu quả là phải nhấn mạnh đến việc xử lý. Xử lý có nhiều hình thức như phạt tiền, phạt tù nhằm răn đe. Nếu đưa ra hình thức phạt “đủ đô” thì tác dụng giáo dục, ngăn chặn sẽ tốt hơn. Phạt tiền chỉ là một hình thức thôi, chưa phải hình thức nghiêm khắc mà còn hình thức phạt tù, luật đã quy định đến mức vi phạm nào thì phạt tiền, đến mức nào thì phạt hình sự, căn cứ vào hành vi vi phạm của từng đối tượng.Về đề xuất công khai danh tính của người mua dâm lại liên quan đến phạm trù đạo đức xã hội nên phải thận trọng cân nhắc trong từng trường hợp.

Loại tội phạm nào cũng đều có những hoạt động hết sức tinh vi, tìm mọi cách che giấu, đối phó với hoạt động của cơ quan điều tra, nên trong quá trình chỉ đạo điều tra các loại tội phạm này phải hết sức quyết liệt và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để nhanh chóng điều tra làm rõ các đối tượng, các đường dây để xử lý nghiêm.

Chế tài chưa đủ mạnh

Đại tá Phạm Trường Dân
Đại tá Phạm Trường Dân (Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam).

Vừa qua, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an vừa triệt phá đường dây bán dâm giá nghìn đô với sự tham gia của một số chân dài - đại gia, đây không phải là vụ đầu tiên, mà trước đó cũng có rất nhiều vụ mua bán dâm trong giới ca sĩ - người mẫu bị triệt phá. Tôi cho rằng chế tài chưa được nghiêm minh cho nên việc mua bán dâm vẫn diễn ra với nhiều tình tiết phức tạp.

Nhiều người đề xuất công khai danh tính của người mua dâm, nhưng theo tôi, chưa chắc đã giảm được mà phải làm sao để quản lý, kiểm soát, đừng để xảy ra tình trạng này. Việc công khai danh tính của cả người mua và người bán dâm đều không giải quyết được vấn đề. Trong việc xử lý các trường hợp mua bán dâm, khó khăn của lực lượng công an là không dễ để bắt, vì họ hoạt động lén lút dưới nhiều hình thức rất tinh vi, điển hình mới đây nổi lên hình thức tổ chức các “sex tour” từ Hà Nội đi TP HCM cùng các tỉnh, thành khác và ngược lại. Họ tìm mọi cách che giấu hành vi phạm tội của họ, gây khó khăn cho cơ quan điều tra.

Nhằm ngăn chặn tình trạng này, cái chính vẫn phải tập trung giáo dục, phòng ngừa. Không phải họ nghèo khó mà tìm đến việc bán dâm đâu. Những cô ca sĩ, người mẫu đâu có nghèo khó gì, nhưng họ bất chấp làm vì đồng tiền, vì thế cần phải có sự giáo dục, răn đe, ngăn chặn, nếu không sẽ gây nguy hại cho xã hội. Ngoài ra, việc mua dâm với giá từ 20 triệu đến 400 triệu mà mức xử phạt cao nhất mới có 5 triệu thì không ăn thua, không giáo dục, răn đe được ai, họ không sợ, vì vậy cần tăng mức xử phạt, xử phạt nghiêm minh để tạo sức răn đe.

Riêng đối với các cán bộ thuộc cơ quan Nhà nước mua dâm với số tiền lớn, phải làm rõ nguồn tiền đó từ đâu, nếu tiền đó là tiền của Nhà nước hay tiền làm ăn phi pháp thì phải xử lý thật nặng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.