Vận tải

Cân nhắc khung giá tra nạp xăng dầu tại sân bay

27/09/2016, 09:29

Mâu thuẫn xảy ra khi doanh nghiệp cung cấp hệ thống tra nạp xăng dầu muốn giá cao để thu hồi vốn đầu tư...

12

Việc sử dụng hệ thống tra nạp nhiên liệu ngầmthay thế cho việc tra nạp bằng xe sẽ góp phần tăng cườngđảm bảo an ninh, an toàn tại CHK, sân bay

Tra nạp ngầm là cần thiết

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật tại buổi làm việc về khung giá dịch vụ tra nạp xăng dầu tại cảng hàng không (CHK), sân bay sáng 26/9. “Hệ thống tra nạp ngầm được xây dựng tại các sân bay mới để đảm bảo an toàn trong quá trình nạp xăng dầu, giảm tối thiểu số lượng xe chạy trong sân bay bằng công nghệ mới, hệ thống quản lý mới, cơ sở hạ tầng đầu tư hiện đại”, Thứ trưởng nói và nhấn mạnh thêm, vừa rồi đã xảy ra tình trạng xe chở xăng dầu va chạm với tàu bay đậu trong sân bay mà một trong những nguyên nhân là do mật độ xe chạy trong sân bay quá lớn.

"Việc nhanh chóng thống nhất một khung giá sao cho đảm bảo hài hòa lợi ích các bên là cần thiết để sớm đưa hệ thống tra nạp ngầm xăng dầu vào hoạt động, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn tại CHK, sân bay, nhất là tại các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất và Nội Bài vốn đã và đang đối mặt với tình trạng quá tải”.

Thứ trưởng Bộ GTVT
Nguyễn Nhật

Báo cáo về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Trần Bảo Ngọc cho biết: Năm 2015, TCT Cảng hàng không VN (ACV) đã đưa vào khai thác hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại Nhà ga quốc tế T2 Nội Bài trị giá gần 100 triệu USD. Năm 2016, CTCP Thương mại xăng dầu Tân Sơn Nhất (Tapetco) cũng đang chuẩn bị đưa vào khai thác một hệ thống tương tự tại Tân Sơn Nhất trị giá hơn 45 triệu USD. Theo đó, các máy bay sử dụng cầu ống sẽ thực hiện việc tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu.

“Đây là dịch vụ hàng không mới tại CHK, sân bay cần có sự quản lý của Nhà nước. Do đó, ACV và Tapetco xây dựng khung giá trình Bộ GTVT xem xét ban hành là phù hợp với nhu cầu thực tế”, ông Ngọc nói và cho biết thêm: Trước đây, Bộ Tài chính quyết định khung giá này. Tuy nhiên, theo Luật Hàng không dân dụng VN sửa đổi, Bộ GTVT sẽ là cơ quan phê duyệt khung giá dịch vụ hàng không tại CHK, sân bay, trong đó có dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại CHK, sân bay.

“Giằng co” khung giá

Sẽ không có gì đáng nói nếu không có chuyện doanh nghiệp cung cấp dịch vụ muốn mức giá cao để nhanh chóng thu hồi vốn, trong khi đó, hãng hàng không là bên mua lại muốn duy trì mức thấp để bớt chi phí càng nhiều càng tốt.

Được biết, phía ACV đã đề xuất khung giá tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại Nội Bài tối thiểu là 37USD/tấn, tối đa là 50 USD/tấn, Tapetco đề xuất mức giá tương ứng là 30 và 55 USD/tấn, áp dụng với các chuyến bay quốc tế.

Phía Vietnam Airlines, Phó tổng giám đốc Đặng Ngọc Hòa cho biết, hiện Vietnam Airlines đang chi trả cho dịch vụ tra nạp ngầm nhiên liệu tại các CHK trong khu vực như: Singapore là 3,01 USD/tấn, Malaysia là 7,79 USD/tấn, Đài Loan là 11,04 USD/tấn và Thái Lan là 19,06 USD/tấn. Từ đây, ông Hòa đề nghị áp dụng khung giá 15 - 37 USD/tấn. Dải giá này cũng nhận được sự nhất trí của đại diện Hãng hàng không Vietjet và Jetstar.

“Nếu áp mức 30 USD/tấn, mỗi năm Vietnam Airlines tiêu tốn thêm khoảng 150 tỷ đồng”, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Trần Văn Hảo so sánh mức chi phí tra nạp ngầm với tra nạp bằng xe như hiện nay. Tương tự, Phó tổng giám đốc Vietjet Đinh Việt Phương cho biết, với mức này, Vietjet sẽ phải chi thêm ít nhất 50 tỷ đồng trong năm 2017.

Ông Hảo cũng cho biết, cơ quan này đã thực hiện thẩm định phương án giá của DN theo phương án chi phí và thống nhất với khung giá từ 25 - 45 như đề xuất của ACV và Tapetco. “Khung giá này đưa ra trên quan điểm hài hoà lợi ích các bên”, ông Hảo nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.