Chuyện dọc đường

Cần nhất là sự đồng thuận

Việc “thu hồi, đấu giá đất hai bên đường mới” sẽ tạo sự công bằng đối với người bị ảnh hưởng bởi dự án mở rộng đường.

img

Người dân TP.HCM bàn giao mặt bằng trên đường Trường Chinh để làm tuyến metro số 2

Thu hồi đất hai bên đường để bán đấu giá là chủ trương hay và trước đây chính TP.HCM đã từng làm. Đà Nẵng và một số tỉnh khác cũng đã thực hiện, chỉ có điều chưa được thành công như mong đợi.

Về mặt luật pháp thì cũng cần phải cân nhắc khi triển khai chủ trương “thu hồi, đấu giá đất hai bên đường mới”. Vì mục đích thu hồi cần phải được xác định để không vi phạm các quy định pháp luật hiện hành.

Nếu xét chủ trương này theo hướng chỉnh trang đô thị thì hành lang pháp luật hiện hành vẫn cho phép. Luật Đất đai 2013 cũng quy định đối với dự án hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang khu đô thị và khu dân cư nông thôn, phải đồng thời xác định vị trí, diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để bán đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở, thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, Nghị quyết 19 năm 2012 của Trung ương cũng quy định chủ trương quy hoạch cả phần đất bên cạnh công trình hạ tầng hoặc vùng phụ cận để thu hồi đất tạo nguồn lực từ đất đai đầu tư cho các công trình này, hỗ trợ người có đất bị thu hồi, tăng thu ngân sách Nhà nước.

Hiện nay, thực tế cho thấy nhiều tuyến đường khi Nhà nước mở rộng thì “bỗng nhiên” nhà ở phía sau người bị thu hồi để mở rộng đường lại được hưởng lợi rất lớn vì giá đất tăng cao gấp nhiều lần. Trong khi đó, người bị thu hồi đất có thể bị chịu thiệt thòi khi phải tái định cư ở chỗ khác không bằng nơi ở hiện tại.

Chính vì vậy, việc “thu hồi, đấu giá đất hai bên đường mới” sẽ tạo sự công bằng đối với người bị ảnh hưởng bởi dự án mở rộng đường.

Bên cạnh đó, Nhà nước bỏ ngân sách ra để mở rộng đường nhưng lợi ích trực tiếp lại thuộc về những người có đất giáp mặt đường mới. Chính vì vậy, nếu thực hiện chủ trương thu hồi đất hai bên đường mới để bán đấu giá thì sẽ giải được bài toán lợi ích của người dân và Nhà nước. Rõ ràng, Nhà nước khi bỏ ra số tiền rất lớn thì cũng cần phải có nguồn thu để bù vào số tiền bỏ ra làm đường.

Theo tôi, vấn đề lớn nhất là sự đồng thuận của người dân trong việc thực hiện chủ trương này. Bởi, nếu không có sự đồng thuận thì rất dễ xảy ra hiện tượng khiếu kiện, khiếu nại. Trước đây ở Đà Nẵng, do công tác tuyên truyền tốt, người dân đã đồng tình ủng hộ nên đã thực hiện khá tốt. Viện dẫn điều này để cho thấy, muốn làm được việc này thì cần phải có sự đồng thuận cao của nhân dân.

Muốn làm được như vậy, Nhà nước cần phải xây dựng phương án cụ thể, rõ ràng ngay từ đầu. Khi mở rộng một tuyến đường, phải tính toán thật kỹ về chính sách, hiệu quả đầu tư, dân được hưởng lợi gì hơn hiện tại, Nhà nước được lợi gì. Khi người dân thấy được cái lợi hơn so với hiện tại chắc chắn họ sẽ sẵn sàng cùng Nhà nước thực hiện nhanh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.