Thời sự

Cần quy định thời gian thi hành án tử hình

20/11/2018, 06:55

Có đại biểu cho rằng thời gian giam giữ người bị kết án tử hình kéo dài gây áp lực cho trại tạm giam...

5

ĐB Mai Thị Phương Hoa phát biểu thảo luận tại Quốc hội ngày 19/11

Ngày 19/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thi hành án Hình sự (sửa đổi). Một số ý kiến cho rằng, do một số bất cập nên đã dẫn đến việc thi hành án tử kéo dài, có tử tù muốn thi hành án ngay nhưng lại không được xem xét, giải quyết.

Cán bộ trại giam áp lực

ĐB Bế Minh Đức, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng đề cập những quy định liên quan đến thi hành án tử hình và cho biết đã nhận được các ý kiến của cử tri là cán bộ quản giáo, cán bộ trại tạm giam bày tỏ những khó khăn trong công tác quản lý người bị kết án tử hình. Ông Đức phân tích, thời gian giam giữ người bị kết án tử hình kéo dài gây áp lực cho đơn vị quản lý, trại tạm giam. Đặc biệt, số cán bộ quản giáo hàng ngày vào buồng giam tiếp xúc bị án, không ít bị án có hành động chống đối, bất hợp tác. Có bị án đã viết đơn xin tha tội chết gửi Chủ tịch nước, xin ân xá, tuy nhiên thời gian kéo dài từ một đến vài năm vẫn không được trả lời. Có bị án viết đơn xin thi hành án ngay nhưng không được xem xét, giải quyết, gây tư tưởng hoang mang, bi quan, chán nản, chống phá.

Một bất cập khác được ông Đức chỉ ra là Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chưa quy định thời hạn ra quyết định ân giảm cũng như thời hạn Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao phải gửi ý kiến của mình về việc xin ân giảm án tử hình của người bị kết án lên Chủ tịch nước, khiến các bản án tử hình chậm được thi hành, có nhiều trường hợp kéo dài. Vì vậy, ông Đức đề nghị phải quy định cụ thể thời gian từ khi nhận đơn và trả lời đơn xin ân giảm là bao nhiêu ngày.

Nữ ĐBQH tỉnh Nghệ An Hoàng Thị Thu Trang cũng nêu lên bất cập này và cho biết thực tế, nhiều người bị kết án tử hình có đơn xin ân giảm nhưng chưa nhận được quyết định bác hay không bác của người có thẩm quyền nên cơ quan thi hành án hình sự không dám thi hành, mà người bị kết án cũng trong tình trạng “chờ chết”. Vì vậy, theo bà Trang, cần có giải pháp để tháo gỡ vướng mắc nêu trên theo hướng quy định trong vòng khoảng thời gian nhất định, ví dụ từ 3-5 tháng, nếu không nhận được quyết định ân giảm thì sẽ tổ chức thi hành án tử hình.

ĐB Sùng A Hồng (Điện Biên) chia sẻ thực tế, công tác giam giữ các bị án tử hình rất khó khăn, quá tải vì giam các bị án này phải trong điều kiện, môi trường khác so với các bị can, bị cáo bị án khác. Nhiều bị án xin được chết mà không được chết... dẫn đến giam kéo dài nhiều năm, thậm chí có trường hợp cả chục năm mà không có lý do. Vì thế, ông cũng đề nghị nên quy định thời gian vào luật để không có những vấn đề bất cập như trên. Đồng thời cũng đảm bảo tính pháp lý chứ không tùy nghi như hiện nay về thi hành án tử hình.

Đưa phạm nhân ra ngoài lao động, nên không?

Liên quan đến quy định về tổ chức khu sản xuất, điểm lao động và tổ chức dạy nghề ngoài trại giam, ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, việc này là cần thiết bởi khi phạm nhân có điều kiện làm quen công việc lao động sản xuất gần môi trường ngoài xã hội thì sau khi họ ra tù, họ sẽ tiếp cận tốt hơn với việc làm, sớm tái hòa nhập cộng đồng, giảm bớt sự mặc cảm và tự ti. Đồng thời, việc này còn giúp cải thiện cho chính cuộc sống của phạm nhân.

Nhưng bà Hoa cũng lưu ý không nên áp dụng đại trà mà chỉ nên áp dụng với phạm nhân sắp mãn hạn tù và có ý thức cải tạo tốt, còn trong độ tuổi lao động và có sức khỏe. Bên cạnh đó, không áp dụng với phạm nhân phạm tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và thuộc tội như buôn bán ma túy, giết người, cướp tài sản và phạm nhân cải tạo kém. Cùng với đó, phạm nhân phải được trả thù lao, được ký hợp đồng lao động và bảo đảm an toàn, có sự quản lý giám sát chặt của cán bộ quản giáo.

ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) lại băn khoăn vì cho rằng, mục đích của hình phạt là nhằm trừng trị để răn đe, đảm bảo công bằng xã hội. Hành vi và những diễn biến tâm lý phức tạp của phạm nhân sẽ tạo tâm lý lo âu, bất ổn, phải đề phòng của người dân sinh sống và lao động ở khu vực gần trại giam. Hơn nữa, điều này cũng chưa có tiền lệ, chưa được đánh giá tác động xã hội một cách chi tiết.

ĐB Bùi Quốc Phòng (Thái Bình), ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) thì đánh giá việc này không phù hợp với mục đích, quy trình tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ phạm nhân trốn trại rất cao, không bảo đảm an ninh, an toàn trong việc quản lý phạm nhân, có thể phát sinh ra nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự trong khu vực. Do đó, đề nghị cần đánh giá đầy đủ về tác động và làm rõ những tiêu chí, điều kiện cụ thể, tính khả thi của việc này.

Xin ý kiến ĐBQH về thời gian thông qua Luật

Tại phiên thảo luận, nhiều ĐBQH đề nghị thông qua dự án Luật này trong 3 kỳ họp.

Giải trình làm rõ ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, dự án Luật này nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Thi hành án hình sự năm 2010 và đặc biệt đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các đạo luật tư pháp đã được ban hành. Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị Quốc hội sớm thông qua luật này trong 2 kỳ họp.

Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đa số ý kiến ĐBQH phát biểu trong phiên thảo luận muốn Quốc hội thông qua tại ba kỳ họp để tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng của dự án luật này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tô Lâm cũng đã báo cáo, giải trình rất rõ về những căn cứ, lý do để đề nghị Quốc hội thông qua tại hai kỳ họp. Vì còn ý kiến khác nhau nên theo Phó chủ tịch Uông Chu Lưu, Quốc hội sẽ gửi phiếu thăm dò ý kiến của các ĐBQH theo hai phương án.

Quốc hội thông qua 5 dự án Luật

Chiều cùng ngày, với 92,99% tổng số ĐBQH biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Luật gồm 6 chương, 39 điều và có hiệu lực từ 1/7/2019.

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, có ý kiến nêu thời gian qua có phạm nhân chấp hành án nghiêm túc, có ý thức chấp hành tốt nội quy của trại giam nhưng do vẫn viết đơn kêu oan nên không được xác nhận là có ý thức cải tạo tốt để được xét đặc xá. Dù luật không quy định nội dung này, nhưng Thông tư 06 của Bộ Công an hướng dẫn một trong những tiêu chuẩn để được xếp loại cải tạo khá hoặc tốt là “phải nhận rõ tội lỗi, ăn năn hối cải…”. Theo bà Nga, để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án phạt tù, thực hiện đúng chính sách của Nhà nước về đặc xá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Công an sớm rà soát, xem xét lại quy định này.

Cũng trong chiều 19/11, với đại đa số ĐBQH biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua các Luật gồm: Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Cảnh sát biển và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

Với việc thông qua Luật Cảnh sát biển, Quốc hội chính thức công nhận Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.