Cơ quan tôi nhận được yêu cầu xây dựng các phương án cấp độ chống dịch từ nhiều tháng trước.
Bộ phận làm kế hoạch rất cẩn thận, thậm chí đang cấp độ bình thường, chúng tôi thử phương án có F1, F0 và chuyển đổi làm việc toàn bộ tại nhà.
Xem vướng mắc chỗ nào, tháo gỡ trước, để khi có ca mắc Covid-19, cơ quan không vỡ trận. Ai cũng nghĩ ở đâu cũng làm như thế.
Người dân Hà Nội đến UBND phường xin xác nhận giấy đi đường trong chiều 9/8. Ảnh: Tạ Hải
Nhưng qua vụ "giấy đi đường" của Hà Nội đã dấy nên nhiều lo ngại.
Việc lặp lại nhiều quy định đã từng bị phản ứng ở nơi khác, thiếu đánh giá tác động trước khi ban hành chính sách, mỗi nơi thực hiện một kiểu do hướng dẫn từ trên chưa thấu đáo và thống nhất... là chuyện đã diễn ra không chỉ ở một vài địa phương.
Có vẻ, các địa phương chưa rút kinh nghiệm từ việc chống dịch của nơi khác để hoàn thiện kế hoạch cho mình.
Giờ đây, không chỉ các tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 phải chuẩn bị các kịch bản cho tình huống khẩn cấp hơn, kéo dài hơn mà hàng chục tỉnh khác cũng phải lên kế hoạch sẵn. Khi cần là kích hoạt.
Từ tổ chức điểm bán lẻ lưu động ra sao, quản lý chợ, siêu thị thế nào, cấm hay không cấm shipper, cách nào kiểm soát người ra đường mà không tạo ra các điểm tụ tập đông người?
Tạo kênh tuyên truyền tới người dân thông qua các tổ dân phố ra sao khi không còn hệ thống loa phát thanh? Có nên quy định bắt buộc các tổ dân phố có nhóm zalo hoặc facebook cộng đồng?
Từ đó nắm bắt thông tin, tình hình người lao động khó khăn để trợ giúp. Rồi khi F0 buộc phải điều trị tại nhà thì hệ thống bác sỹ online hỗ trợ ra sao?
Thậm chí cần có kế hoạch phát thuốc miễn phí cho F0 điều trị tại nhà khi họ không đủ sức hoặc không thể ra ngoài mua thuốc.
Chỉ khi các phương án chống Covid-19 được chuẩn bị kỹ càng, có thể linh hoạt bật tắt, hoặc chuyển các mức độ chống dịch tùy theo tình hình thực tế, mới không xảy ra khủng hoảng.
Với mỗi mức độ được kích hoạt, cơ quan chức năng, người dân biết rõ việc gì được phép, việc gì không.
Lúc này trí tuệ và nguồn lực tập trung vào vận hành và nghĩ giải pháp sáng tạo để giải quyết các vấn đề phát sinh chứ không phải là đề ra các quy định không hợp lý cho các tình huống đáng ra phải được dự liệu trước.
Hơn một năm nay, bộ máy chính quyền đã gồng gánh nhiều nhiệm vụ chống dịch đột xuất, sức người có hạn. Chắc chắn cũng còn có những việc cần điều chỉnh cho hợp lý nhưng hy vọng việc chuẩn bị các kịch bản chu đáo sẽ làm giảm các tình huống có thể làm lây lan dịch bệnh, chăm lo đời sống bà con tốt hơn.
Trong mọi trường hợp, rất cần người dân thấu hiểu, chia sẻ với chính quyền vì tất cả cùng có một mục tiêu chiến thắng dịch bệnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận