Hạ tầng

Cần sớm có phương án đầu tư cao tốc thứ hai vùng ĐBSCL

26/11/2018, 10:00

Tuyến đường N2 được quy hoạch là đường cao tốc phía Tây vùng ĐBSCL nhưng đang bị xuống cấp nghiêm trọng...

3

Tuyến N2 đoạn qua tỉnh Long An đang bị hư hỏng mặt đường, xuống cấp nghiêm trọng

Cao tốc tương lai xuống cấp nghiêm trọng

Thời gian gần đây, lưu thông trên tuyến N2, nhiều tài xế bức xúc trước tình trạng tuyến đường ngày càng xuống cấp, quá tải. Anh Nguyễn Văn Bảy, một tài xế xe tải đường dài cho biết, tuyến N2 rộng chỉ 7m nhưng nhiều đoạn bị ổ gà, mặt đường bong bật khiến việc lưu thông rất khó khăn. “Cánh tài xế sợ nhất là lưu thông vào ban đêm vì đường xấu, nhiều đoạn ổ gà chi chít, có thể gây tai nạn bất cứ lúc nào”, anh Bảy nói.

Tuyến N2 từ Đức Hòa đến Mỹ An với chiều dài 81km, bao gồm 2 đoạn. Đoạn từ Đức Hòa - Thạnh Hóa được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 2008. Đoạn từ Thạnh Hóa - Mỹ An được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 2013 với quy mô đường cấp IV đồng bằng, bề rộng 7m, 2 làn xe, kết cấu mặt đường láng nhựa.

"Cần sớm đầu tư đoạn Mỹ An - Vàm Cống để tuyến này không bị đứt mạch, đồng thời phát huy hiệu quả đầu tư Dự án kết nối trung tâm Đồng bằng sông Mê Kông. Tuyến đường sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên”.

Ông Nguyễn Văn Dương
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

Thống kê cho thấy mỗi ngày đêm có trên 6.100 lượt phương tiện lưu thông trên tuyến N2. Ông Trần Văn Cẩn, Chủ tịch UBND tỉnh Long An kiến nghị cần sớm có dự án đầu tư nâng cấp tuyến N2 đoạn Đức Hòa - Mỹ An. “Đây là một đoạn trong tổng thể dự án đường Hồ Chí Minh. Riêng đoạn trùng với QL62 dài 13km, từ thị trấn Thạnh Hóa đến thị trấn Tân Thạnh hiện rất đông xe từ các hướng đi vào tuyến N2 nên cần sớm có dự án nâng cấp, mở rộng thành 4 làn xe để tăng hiệu quả khai thác lâu dài”, ông Cẩn nói.

Ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long cho biết, do được đầu tư khá lâu nên hiện nay mặt đường tuyến N2 đã xuống cấp, hư hỏng với nhiều vị trí ổ gà, bong bật, không đảm bảo khả năng khai thác, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Trước tình hình đó, Tổng công ty Cửu Long đã có báo cáo đề xuất phương án nâng cấp tuyến N2 từ Đức Hòa - Mỹ An. Tổng nguồn vốn đầu tư tăng cường thảm bê tông nhựa mặt đường tuyến N2 đoạn Đức Hòa - Mỹ An khoảng hơn 724 tỷ đồng. Nguồn vốn được đề xuất là sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ trong dự phòng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và các năm tiếp theo. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý IV/2018 - IV/2022.

Sớm đầu tư để tránh đứt mạch đoạn Mỹ An - Cao Lãnh

Theo quy hoạch tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn qua khu vực ĐBSCL được hình thành trên cơ sở tuyến N2 và đường Hồ Chí Minh.

Đường Hồ Chí Minh từ Tây Nguyên đi xuống Chơn Thành tỉnh Bình Phước (QL14) sẽ đi đến Củ Chi (TP HCM), sau đó nối vào tuyến đường N2 tại Đức Hòa (Long An). Tuyến N2 băng qua vùng Đồng Tháp Mười, xuyên qua trung tâm ĐBSCL từ Đức Hòa (Long An) - Mỹ An - Cao Lãnh - Vàm Cống (Đồng Tháp) - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (Kiên Giang).

Hiện tại, các đoạn tuyến từ Chơn Thành - Đức Hòa - Thạnh Hóa - Mỹ An đã được đầu tư và gọi là QLN2 với quy mô đường cấp IV đồng bằng, chiều rộng 7m, mặt đường láng nhựa. Đoạn từ cầu Cao Lãnh và đường nối đến cầu Vàm Cống rộng 4 làn cũng đã được đưa vào sử dụng. Cầu Vàm Cống đang được thi công và sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2019. Đoạn từ cầu Vàm Cống đến Rạch Sỏi (Kiên Giang) đang được đầu tư tuyến mới song song QL80 gọi là tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi với bề rộng 4 làn xe cũng sẽ được đưa vào khai thác trước năm 2020. Tổng chiều dài toàn tuyến từ Chơn Thành về Rạch Sỏi khoảng 293,5km đã được đầu tư khoảng 42.432 tỷ đồng. Hiện, chỉ còn đoạn Mỹ An - Cao Lãnh với chiều dài 26km đang bị đứt mạch, chưa được đầu tư.

Đến năm 2020, các phương tiện từ phía Bắc TP HCM có thể theo đường N2 về đến Rạch Sỏi (Kiên Giang). Nhưng khi đến Mỹ An (Đồng Tháp) phải đi vòng qua các đường tỉnh vòng vèo mới đến được cầu Cao Lãnh và đi tiếp về Rạch Sỏi. Nguyên nhân là đoạn từ Mỹ An - Cao Lãnh chưa được đầu tư, các phương tiện phải đi vào các đường tỉnh để đến cầu Cao Lãnh.

Thực tế dự án đầu tư xây dựng đoạn Mỹ An - Cao Lãnh đã được lập dự án đầu tư, nhưng bị đình hoãn từ năm 2011 và đến nay vẫn chưa thu xếp được nguồn vốn. Theo nghiên cứu, dự án đoạn Mỹ An - Cao Lãnh bắt đầu từ đoạn kết nối với tuyến N2 tại Km 96+875 thuộc thị trấn Mỹ An. Tuyến tránh đi về phía Bắc của thị trấn và vượt ĐT845 tại Km 1+500 và kênh Tư Mới. Sau đó, tuyến đi gần song song với kênh Nguyễn Văn Tiếp A, đến cuối phạm vi quy hoạch của thị trấn Tháp Mười rẽ trái để vượt kênh Nguyễn Văn Tiếp A, vượt TL846 và TL847 tại khu vực cầu Đường Thét, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh. Tiếp đó rẽ trái vượt sông Cần Lố và kết nối vào điểm đầu cầu Cao Lãnh. Quy mô được thiết kế 4 làn xe để đồng bộ với đoạn tuyến từ Cao Lãnh về Rạch Sỏi. Tổng kinh phí dự kiến khoảng 4.660 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện cầu Cao Lãnh và tuyến nối từ cầu Vàm Cống đến cầu Cao Lãnh đã đưa vào khai thác. Trong năm 2019 sẽ hoàn thành cầu Vàm Cống và tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Lúc đó, các phương tiện từ Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp sẽ sử dụng tuyến đường này để theo N2 về TP HCM vì rút ngắn được hơn 30km so với đi QL1.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.