Quản lý

Cần sớm loại bỏ mũ bảo hiểm “rởm”

06/11/2020, 10:00

Trong khi quy định bắt buộc đội MBH được lực lượng công an thực hiện khá nghiêm túc, việc quản lý sản xuất và kinh doanh MBH lại bị thả nổi...

img
Theo nhiều chủ cửa hàng, MBH đạt chuẩn rất khó bán, vì giá chênh lệch lớn với các loại mũ chỉ có tác dụng đối phó. Ảnh: Tạ Hải

Trong khi quy định bắt buộc đội MBH được thực hiện nghiêm túc thì việc kiểm soát chất lượng, sản xuất và kinh doanh MBH lại bị thả nổi khiến việc đội mũ không có tác dụng. Theo các chuyên gia, điều cần làm nhất hiện nay là phải loại bỏ được tận gốc MBH rởm, kém chất lượng.

Nhiều văn bản, chỉ đạo bị lãng quên

Nhìn lại 13 năm thực hiện quy định bắt buộc đội MBH đối với người điều khiển mô tô, xe máy đã có khá nhiều văn bản nhằm thắt chặt sản xuất, nhập khẩu, phân phối và lưu hành MBH.

Mới nhất, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 04 về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội MBH đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện. Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an tiếp tục rà soát, đánh giá và hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh MBH; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm; xử lý nghiêm hành vi vi phạm...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngoài quy định bắt buộc đội MBH được lực lượng công an thực hiện khá nghiêm túc, các quy định khác dường như đang bị quên lãng.

Tìm hiểu của PV, hiện nay, loại mũ đạt chuẩn có giá niêm yết trong các siêu thị phổ biến từ 120.000 - 250.000 đồng/chiếc, không quá đắt so với mặt bằng thu nhập chung. Nhưng theo một số chủ cửa hàng, MBH đạt chuẩn rất khó bán, vì giá chênh lệch lớn với các loại mũ chỉ có tác dụng đối phó.

Ông Nguyễn Phương Nam, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, WHO đã tiến hành nghiên cứu thực trạng chất lượng MBH ở Việt Nam. Theo đó, có 200 mũ được chọn mua mới ngẫu nhiên từ danh sách 313 MBH đạt chuẩn theo thông báo của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tất cả số mũ này đều có dán tem hợp chuẩn (CR). Qua kiểm tra, 100% số MBH này đạt yêu cầu về trọng lượng và các bộ phận cần thiết. Tuy nhiên, chỉ có gần 39% MBH kiểu nhiệt đới và trên 37% MBH kiểu nửa đầu đạt yêu cầu kiểm định về hấp thụ xung động. Đây là thông tin rất đáng quan tâm vì trên thực tế, trên 90% số MBH được sử dụng tại Việt Nam là loại che nửa đầu và nhiệt đới.

Theo ông Nam, năm 2008, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2:2008 về mặt hàng này. Theo đó, MBH đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn là mũ có cấu tạo đủ 3 bộ phận là vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ và quai đeo. Ngoài ra, MBH phải được chứng nhận hợp quy, gắn tem CR và có nhãn hàng hóa kèm theo.

Dù có quy định như vậy, nhưng trên thực tế một lượng không nhỏ MBH được lưu hành cơ bản không đáp ứng đúng quy chuẩn. Tình trạng này tồn tại có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do buông lỏng trách nhiệm của các nhà quản lý đối với MBH đang trôi nổi trên thị trường.

“Nghịch lý là mục đích của quy định bắt buộc đội MBH chính là bảo vệ cho tính mạng, đảm bảo lợi ích chính đáng của người tham gia giao thông. Nhưng chính họ lại không quan tâm nên tìm mọi cách đối phó”, ông Nam nói thêm.

QLTT, công an phải vào cuộc

img
Mũ bảo hiểm “rởm” bày bán tràn lan trên vỉa hè

Để loại bỏ MBH kém chất lượng, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, tình trạng người tham giao thông đội MBH không đảm bảo chất lượng có trách nhiệm của nhiều bộ, ngành liên quan.

Theo ông Quyền, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về sự cần thiết phải đội MBH đạt chuẩn, niêm yết danh sách các thương hiệu MBH đạt chuẩn để người dân được biết.

“Quan trọng hơn, muốn loại bỏ tận gốc, cần làm nghiêm, xử phạt triệt để các cơ sở sản xuất và kinh doanh MBH không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Muốn vậy, các lực lượng quản lý thị trường, công an kinh tế phải vào cuộc”, ông Quyền nói và cho rằng, thậm chí có thể quy trách nhiệm cụ thể cho chính quyền quận, huyện, phường, xã nếu để tiếp diễn tình trạng bày bán MBH trên lòng đường, vỉa hè.

TS. Nguyễn Phương Nam, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho rằng, việc đảm bảo chất lượng của MBH phải bắt đầu từ cơ sở sản xuất. Vì thế, quản lý chất lượng MBH đòi hỏi sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan.

Còn theo ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, cần tịch thu tất cả MBH giả ở tất cả mọi nơi, từ các cửa hàng cho đến các hàng bán mũ bày trên vỉa hè.

Phải kiểm tra thường xuyên và đột xuất mọi cơ sở sản xuất MBH, lấy mẫu ngẫu nhiên ở nhà máy để kiểm tra. Đồng thời có mức phạt thật nặng đối với các cơ sở sản xuất MBH không đạt chuẩn. “Phải có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan điều tiết thị trường, bao gồm Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương và Bộ Công an với một quy trình rõ ràng mới có thể loại bỏ được MBH kém chất lượng”, ông Greig Craft nói.

Luật sư Đoàn Văn Hướng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:
Phạt người không đội mũ đạt chuẩn

Việc ban hành Thông tư liên tịch quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh MHB lúc này là rất cần thiết. Ngoài quy định về sản xuất, chất lượng MBH, Thông tư cần quy định lực lượng CSGT có thể xử phạt đối với người tham gia giao thông không đội MBH đạt chuẩn, coi đội MBH không đạt chuẩn như hành vi không đội MBH.

Lâu nay, chúng ta làm không nghiêm nên các cơ sở sản xuất MBH kém chất lượng đã đặt lợi nhuận lên trên sức khỏe và tính mạng người dân. Vì thế, nên chăng mỗi khi xảy ra TNGT gây chấn thương nặng, mất 60% sức khỏe hay chết người, lực lượng chức năng cần thu MBH làm vật chứng. Sau đó, giám định lại chất lượng, truy ngược xem loại mũ này do cơ sở nào sản xuất, có đạt chuẩn hay không. Nếu mũ không đạt chuẩn, có thể khởi tố hình sự tội làm hàng giả, kém chất lượng gây hậu quả nghiêm trọng. Việc này phải quyết liệt thì mới có thể kiểm soát được.

Bà Kiều Thị Diễm, Phó vụ trưởng Vụ ATGT, Bộ GTVT:
Đủ kiểu “lách luật”

Để đạt được mục tiêu tuồn những chiếc MBH kém chất lượng ra thị trường, các nhà sản xuất đã sử dụng mọi kiểu “lách luật”. Trong đó, điển hình là việc in nhãn mác là nón thể thao chỉ dành cho người đi xe đạp địa hình, trượt patin… nhưng vẫn bán tràn lan cho người đi xe máy.

Thực tế, công tác quản lý MBH đạt chuẩn vẫn còn nhiều bất cập như: Quy định hiện hành mới chỉ yêu cầu phải đội MBH, chưa bắt buộc đội MBH đạt chuẩn.

Hiện, những bộ phim truyền hình vẫn còn xuất hiện nhiều những chiếc MBH kém chất lượng được sử dụng. Điều này khiến người dân tự nhiên cảm thấy việc đội MBH thời trang, kém chất lượng là điều bình thường trong cuộc sống, tác động tiêu cực đến hiệu quả tuyên truyền do các cơ quan chức năng thực hiện trong nhiều năm qua.

Bà Hoàng Na Hương, Tổng giám đốc Công ty Mũ bảo hiểm Protec:
Doanh nghiệp chân chính bị ảnh hưởng

Quy định của Bộ Khoa học Công nghệ về sản xuất MBH đã rất rõ ràng với tiêu chuẩn, quy định về hợp chuẩn, hợp quy (6 tháng một lần tổ chức chứng nhận hợp quy lại đối với những MBH đang tiêu thụ, sử dụng. Khi phát triển mẫu mới phải đăng ký thực hiện quy trình hợp quy trước khi sản xuất đại trà).

Những doanh nghiệp sản xuất MBH chân chính bên cạnh đáp ứng quy định về sản phẩm còn phải tuân thủ quy định pháp luật liên quan đến chất lượng môi trường, an toàn cháy nổ, quyền lợi cho người lao động... rất nhiều chi phí. Những chi phí này cấu thành trong giá. Vì vậy, việc có những doanh nghiệp né tránh quy trình tiêu chuẩn sản xuất MBH sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.