Thể thao

Cần sự thay đổi sau thất bại của Ánh Viên?

31/07/2019, 17:24

Thể thao Việt Nam cần xem lại cách đầu tư VĐV trọng điểm sau khi thành tích của cô gái vàng Nguyễn Thị Ánh Viên có dấu hiệu tụt lùi.

img
Thành tích của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên tụt lùi tại Giải Vô địch bơi lội thế giới 2019 vừa diễn ra tại Gwangju, Hàn Quốc

Thể thao Việt Nam vốn không quá dư giả, chỉ tập trung đầu tư cho những cái tên trọng điểm. Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên được xác định là VĐV trọng điểm của trọng điểm nhưng sau thời gian dài ngốn tiền tỷ, thành tích của cô gái vàng này lại có dấu hiệu tụt lùi.

Thành tích đi giật lùi?

Cuối tuần trước, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, ngôi sao sáng giá bậc nhất của thể thao Việt Nam đã khép lại Giải Vô địch bơi lội thế giới 2019 (diễn ra tại Gwangju, Hàn Quốc) bằng thất bại ở cự ly sở trường 400m bơi hỗn hợp. Việc Ánh Viên không thể lọt top dự phần thi chung kết nội dung này không quá bất ngờ. Nhưng chỉ số của cô gái Cần Thơ thực sự khiến người hâm mộ phải giật mình. Cụ thể, Ánh Viên về đích với thành tích 4 phút 47,96 giây, kém 12,56 giây so với người đứng đầu Katinka Hosszu, xếp dưới vị trí vào chung kết 7,41 giây và kém chuẩn B Olympic 2020 ở Tokyo 1,07 giây.

Đáng nói hơn, đây là thành tích tệ nhất trong sự nghiệp của Ánh Viên. Trước đó, thông số tệ nhất của kình ngư 23 tuổi ở nội dung này là tại Giải Vô địch bơi lội thế giới 2013, khi cô cán đích sau 4 phút 47,6 giây. Cũng tại Giải Vô địch bơi lội thế giới 2019, ngoài nội dung 400m hỗn hợp, Ánh Viên cũng thi đấu không tốt và bị loại ở hai nội dung 200m hỗn hợp và 400m tự do, thông số đều kém xa thành tích tốt nhất cô từng đạt được. Việc thi đấu không tốt tại Hàn Quốc khiến kình ngư Cần Thơ buộc phải dồn sức cho SEA Games để mong đạt chuẩn giành vé dự Olympic vào năm sau.

Cần nhấn mạnh rằng, Ánh Viên vẫn đang được ngành thể thao đầu tư tập huấn dài hạn tại Mỹ. Kể từ năm 2012, mỗi năm cô ngốn khoảng 2-3 tỷ đồng cho việc ăn tập tại xứ cờ hoa. Riêng năm 2019, kinh phí dành cho cô rơi vào khoảng 180 nghìn USD, tương đương 4 tỷ đồng. Số tiền này cao hơn kinh phí cả bộ môn điền kinh với vài chục VĐV được cấp. Đương nhiên, sự so sánh này có phần khập khiễng bởi lãnh đạo ngành thể thao từng nhiều lần khẳng định, Viên được đầu tư nhắm tới đấu trường ASIAD và Olympic. Ngặt nỗi, thành tích của cô gái vàng này vẫn chỉ dừng lại ở “ao làng” SEA Games, chưa thể vươn ra biển lớn.

Ánh Viên không phải trường hợp duy nhất được đầu tư lớn mà thành tích chưa tương xứng. VĐV điền kinh Quách Thị Lan cũng có thời gian tập huấn dài hạn tại Mỹ nhưng không có đột phá chuyên môn. Đàn em của Lan ở tuyển điền kinh là Lê Tú Chinh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Vậy phải chăng việc đầu tư cho các VĐV trọng điểm, mũi nhọn của ngành thể thao có vấn đề?

“Vấn đề lớn nhất, dễ nhận thấy nhất của thể thao Việt Nam là đầu tư dàn trải, thiếu tập trung dẫn tới nửa vời. Đơn cử như trường hợp Ánh Viên, trước Olympic 2016, không ai biết cô sẽ dồn sức cho Olympic, ASIAD 2018 hay SEA Games 2017. Kết quả, thành tích ở cả ba đấu trường của cô đều đáng quên. Ngoài ra, ngành thể thao dường như buông lỏng và phụ thuộc nhiều vào các HLV. HLV Đặng Anh Tuấn của Ánh Viên, HLV Thanh Hương của Lê Tú Chinh đều được cho là không còn phù hợp nhưng lại không có sự thay thế xứng tầm”, nhà báo Đặng Việt Cường (kênh Thể thao VTC3) nhận định.

Cũng theo ông Cường, yếu tố định hướng, dự báo của thể thao Việt Nam còn rất hạn chế. Lâu nay, ngành thể thao gần như chỉ quan tâm đầu tư với những VĐV có thành tích, không thể hiện vai trò ở khâu đào tạo VĐV trẻ. Với VĐV đã bước lên đỉnh cao, ngành thể thao không thể dự đoán, phân tích chuyên môn để đưa ra phương pháp huấn luyện phù hợp, giúp họ duy trì đỉnh cao. Cách làm này khiến thể thao Việt Nam luôn rơi vào tình cảnh may nhờ rủi chịu.

Hướng đi nào cho thể thao Việt Nam?

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Trọng Hổ, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II cho rằng, không công bằng nếu nói việc đầu tư cho Ánh Viên kém hiệu quả. “Mỗi năm đầu tư cho Viên hơn 100 nghìn USD nhưng 3 kỳ SEA Games gần nhất em giành tới 19 HCV. Lịch sử thể thao Việt Nam chưa từng có VĐV nào có thành tích như vậy. Còn ở các đấu trường châu Á hay thế giới, để hi vọng Ánh Viên có thành tích đột phá là vô cùng khó bởi VĐV của ta thua kém quá nhiều thứ so với một VĐV hàng đầu. Thêm nữa, số tiền đầu tư cho Ánh Viên so với mặt bằng thể thao Việt Nam là cao nhưng trên bình diện thế giới chưa thấm vào đâu”, ông Hổ nói. Dẫu vậy, nếu chiếu theo quan điểm của ông Hổ, việc đầu tư cho Ánh Viên sang Mỹ chưa hẳn đã cần thiết.

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh có cái nhìn tương tự khi cho rằng Ánh Viên là niềm tự hào của thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, ông Minh phân tích thêm, việc “tiểu tiên cá” hay nhiều VĐV khác không thể vươn tới đỉnh cao châu lục hoặc thế giới xuất phát từ việc thiếu nền tảng: “Với những nền thể thao phát triển trên thế giới, họ tuyển và đào tạo từ khi VĐV 4-5 tuổi, đến chừng 10 tuổi đã có một nền tảng vững và sau đó ai có tố chất đặc biệt sẽ vươn lên đỉnh cao.

VĐV Schooling của Singapore sang Mỹ tập luyện từ nhỏ, theo chuẩn Mỹ tới tận bây giờ nên thi đấu ngang ngửa được với những VĐV hàng đầu thế giới. Còn tại Việt Nam, đa phần các VĐV sau 10 tuổi mới bước vào tập luyện. Như vậy có thể đạt thành tích cao, tiến bộ vượt bậc nhưng để vươn lên tầm châu Á, thế giới thì không thể. Ánh Viên là một ví dụ, tôi được biết năm 12 tuổi em mới bắt đầu tập bài bản nên đạt được những thành công như hiện nay đã là rất cố gắng”.

Từ thực tế trên, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cho rằng, ngành thể thao nên tính toán lại việc đầu tư cho các VĐV tập luyện ở nước ngoài: “Không có quốc gia nào để VĐV tập huấn nước ngoài đằng đẵng năm này qua năm khác như vậy, nhất là khi thấy thành tích không được cải thiện. Tập huấn nước ngoài đâu phải ai cũng thích nghi được, từ chỗ không thích nghi được dẫn tới sức ì cả trong chuyên môn lẫn tâm lý, như vậy khó đảm bảo thành tích. Nên chăng, với những trường hợp đặc biệt, thay vì tập huấn quanh năm ở nước ngoài, chúng ta để VĐV đi từng đợt theo yêu cầu chuyên môn, còn lại phải cải thiện điều kiện cơ sở vật chất trong nước đáp ứng được yêu cầu tập luyện”.

Một giải pháp nữa theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh là thể thao Việt Nam phải mở rộng đầu tư cho công tác tìm kiếm, đào tạo VĐV trẻ: “Không có các VĐV trẻ tài năng thì chúng ta mãi chỉ chạy theo phần ngọn mà bỏ phần gốc. Nhiều đội trẻ ở các môn vừa rồi bị giải tán do thiếu kinh phí, điều này rất đáng tiếc và đi ngược quy luật phát triển thể thao thế giới. Theo tôi kể cả chấp nhận đánh đổi thành tích để ươm mầm một thế hệ tài năng cũng nên làm. Còn nếu cứ đi theo hướng hiện tại, chẳng biết bao giờ thể thao Việt Nam mới thực sự vươn tầm”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.