Tài chính

Cận Tết, vô số tin nhắn giả mạo ngân hàng lừa đảo, chiếm đoạt tiền

07/02/2021, 14:46

Kẻ gian gửi tin nhắn để khách truy cập theo đường link rồi đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử và chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

img

Tin nhắn giả mạo ngân hàng ACB mà anh T.Đ nhận được

Tối 3/2, anh T.Đ, một khách hàng của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) nhận được tin nhắn với nội dung: "Chung toi phat hien tai khoan cua ban dang tieu dung o nuoc ngoai. Neu khong phai ban dang tieu dung vui long nhap vao https://v-acb.com de huy thanh toan" cùng một đường link truy cập.

Khi phản ánh tới ngân hàng, anh T.Đ nhận được thông báo đây là tin nhắn SMS mạo danh ACB gửi đến khách hàng nhằm mục đích lừa đảo. Các yêu cầu cung cấp thông tin hoặc số OTP đều là giả mạo.

Cũng trong tối 3/2, hàng loạt khách hàng của ACB cũng cho biết đã nhận được tin nhắn giả mạo với nội dung tương tự để lừa đảo, nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng. Với một số trường hợp ACB đã báo cáo Ngân hàng Nhà nước, Cục An ninh mạng, các cơ quan thẩm quyền và đang trong quá trình điều tra. ACB sẽ thông tin ngay khi có kết luận điều tra.

“ACB đã nỗ lực tối đa (trong phạm vi được phép) để hạn chế và ngăn ngừa sự việc tái diễn. ACB cũng đã liên tục thực hiện cảnh báo đến khách hàng thông qua tất cả các kênh truyền thông của ACB”, ngân hàng này cho biết.

img

Nhiều khách hàng phản ánh nhận được những tin nhắn giả mạo ACB

Trước ACB, nhiều khách hàng của Sacombank cho biết cũng nhận được tin nhắn với nội dung: “Phát hiện tài khoản của bạn đăng nhập vùng bất thường, vui lòng đăng nhập https://vn-sacombank.com để xác nhận thông tin và thay đổi mật khẩu”.

Chưa nhận được phản ánh nào nhưng Vietcombank và TPBank cũng ngay lập tức phát đi thông báo cho biết đang xuất hiện những hành vi lừa đảo bằng cách giả mạo tin nhắn SMS Brandname của ngân hàng để gửi tin nhắn trúng thưởng, cảnh báo đổi mật khẩu, cảnh báo cập nhật dịch vụ…

Nội dung tin nhắn sẽ đính kèm đường link giả mạo trang web với tên gần giống website chính thức của ngân hàng khiến khách hàng dễ nhầm lẫn, mất cảnh giác, từ đó đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Theo cảnh báo của các ngân hàng, khách hàng không truy cập vào đường link/liên kết trong tin nhắn/email lạ hoặc không rõ nguồn gốc hoặc tải phần mềm/ứng dụng lạ, chỉ sử dụng ứng dụng eBank trên các thiết bị an toàn được thường xuyên nâng cấp hệ điều hành; Không dùng các thủ thuật để tác động vào hệ điều hành trên các thiết bị di động.

Hạn chế dùng máy tính công cộng, mạng không dây công cộng khi truy cập vào hệ thống ngân hàng điện tử.

Không cung cấp tên, mật khẩu đăng nhập ngân hàng trực tuyến, mã xác thực OTP, số thẻ ngân hàng qua điện thoại, email, mạng xã hội và các trang web.

Đặt mật khẩu khó đoán, thực hiện thay đổi mật khẩu thường xuyên hoặc khi nghi ngờ bị lộ. Không sử dụng các tính năng lưu mật khẩu để đăng nhập tự động, không sử dụng chung một mật khẩu để đăng nhập ngân hàng trực tuyến và mật khẩu thư điện tử hoặc mật khẩu đăng nhập vào các mạng xã hội.

Khách hàng cũng được khuyến cáo nên đăng ký nhận thông báo thay đổi số dư giao dịch và đăng ký sử dụng phương thức xác thực Smart OTP khi giao dịch trực tuyến.

Ngoài ra, khách hàng nên thường xuyên theo dõi, cập nhật các cảnh báo về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến từ các đơn vị cung cấp dịch vụ, các phương tiện truyền thông đại chúng.

Các ngân hàng cũng nhấn mạnh không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật như tên đăng nhập, mã OTP, mật khẩu tài khoản, mã mở khóa eToken+ qua các đường dẫn (link) trong bất kỳ trường hợp nào.

Trong trường hợp phát hiện giả mạo, lừa đảo, khách hàng cần liên hệ ngay lập tức tới cơ quan chức năng và gọi tới số hotline của các ngân hàng hoặc liên hệ chi nhánh gần nhất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.