Vận tải

Cần thanh tra hoạt động trái luật của Grab

14/12/2020, 06:27

Một số chuyên gia cho rằng đã đến lúc cơ quan quản lý cần vào cuộc, thanh tra toàn diện và buộc Grab phải dừng mọi hoạt động trái pháp luật.

img

Hàng trăm tài xế Grab tập trung để phản đối mức khấu trừ mới, sau khi áp dụng thuế GTGT trên mỗi cuốc xe

Những ngày qua, dư luận dường như bị cuốn vào việc Grab tăng giá cước cũng như các tranh cãi của hãng này với cơ quan Thuế xung quanh việc áp mức thuế VAT 10% (thực hiện theo Nghị định 126).

Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng Grab đang hoạt động trái pháp luật suốt thời gian dài tại hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Một số chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cơ quan quản lý cần vào cuộc, thanh tra toàn diện và buộc Grab phải dừng mọi hoạt động trái pháp luật.

Mới được cấp phép hoạt động duy nhất tại TP.HCM

Theo Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải như Grab đang quyết định giá cước vận tải hoặc trực tiếp điều hành phương tiện, nên muốn hoạt động, Grab phải được cấp giấy phép kinh doanh vận tải.

Tuy nhiên, ông Trần Nhật Quang, Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, tại Hà Nội, Grab chưa được cấp giấy phép kinh doanh vận tải. Theo chỉ đạo của Sở GTVT, lực lượng Thanh tra đang xây dựng kế hoạch kiểm tra hoạt động của Grab ở Hà Nội.

Trong đó, sẽ tập trung kiểm tra các điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh vận tải, kiểm tra chức năng văn phòng Grab tại Hà Nội, được hoạt động các lĩnh vực nào. “Không thể để doanh nghiệp nào đó kinh doanh trái pháp luật trên địa bàn. Sau khi kiểm tra nếu thấy chưa đủ điều kiện hoạt động sẽ kiến nghị lãnh đạo Sở dừng hoạt động của Grab”, ông Quang nói.

Không chỉ tại Hà Nội, theo tìm hiểu của Báo Giao thông, ngoài TP HCM, chưa có Sở GTVT nào cấp phép kinh doanh vận tải Grab nhưng họ vẫn hoạt động bất chấp quy định của pháp luật.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch HĐTV taxi Thành Công cho biết, tại các tỉnh, thành có hoạt động, Grab đã và đang kinh doanh mà chưa được Sở GTVT sở tại cấp giấy phép kinh doanh vận tải.

Theo ông Quân, trước tiên Grab phải được Sở Kế hoạch và Đầu tư cho phép đăng ký ngành nghề kinh doanh vận tải.

Sau đó, Grab phải thành lập doanh nghiệp, tuyển dụng lái xe, mua sắm phương tiện, người quản lý điều hành vận tải, điểm đỗ xe, quy trình quản lý ATGT... đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Nghị định 10.

Cuối cùng mới đến bước làm hồ sơ đề nghị Sở GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận tải, khi đó, Grab mới chính thức được hoạt động.

“Tuy Grab đã được cấp phép kinh doanh vận tải ở TP HCM nhưng theo Nghị định 10, Grab muốn kinh doanh vận tải ở tỉnh, thành khác phải có văn phòng ở tỉnh, thành đó.

Văn phòng này cũng phải được Sở GTVT địa phương cấp giấy phép kinh doanh vận tải. Thêm nữa, theo quy định thuế phát sinh trên địa bàn tỉnh, thành nào thì Grab phải nộp thuế ở tỉnh, thành đó”, ông Quân nói.

Phân tích ở góc độ nghĩa vụ thuế, ông Nguyễn Tiến Long, Giám đốc taxi Thăng Long cho rằng, khi Nghị định 10 chưa ban hành, vì Grab chỉ nhận mình là đơn vị đơn thuần cung cấp phần mềm nên cơ quan thuế không có đủ cơ sở để xác định Grab là đơn vị kinh doanh vận tải.

Vì vậy, cơ quan thuế đã có Công văn 384/2017 cho phép Grab khấu trừ và nộp thay thuế VAT của lái xe với mức khấu trừ là 3%.

Đến nay, đối chiếu với các quy định và bản chất hoạt động của Grab, ngành Thuế thấy rằng Grab là doanh nghiệp vận tải nên không có lý do gì áp theo Văn bản 384 nữa. Và khi Nghị định 126 ra đời, ngành Thuế đã áp thuế suất VAT 10% trên toàn bộ doanh thu vận tải của Grab.

“Grab nói cơ quan thuế bất nhất là đang cố tình không chấp hành pháp luật Việt Nam”, ông Long nói.

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng khẳng định, hiện Grab chưa thực hiện những quy định theo Nghị định 10, chưa được cấp giấy phép kinh doanh vận tải nên họ đang kinh doanh trái pháp luật.

Không đủ điều kiện phải dừng hoạt động

img

Hàng trăm tài xế Grab tập trung gần văn phòng Grab tại phố Duy Tân (Hà Nội) để phản đối mức khấu trừ mới. Ảnh: Tạ Hải

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, không thể để tình trạng coi thường pháp luật Việt Nam của một doanh nghiệp nước ngoài như của Grab hiện nay. Cơ quan quản lý cần thực hiện quyền hạn và trách nhiệm của mình trong quản lý Nhà nước về hoạt động vận tải.

“Cần thanh, kiểm tra, xử phạt, cho thời hạn Grab khắc phục. Sau thời hạn đó nếu Grab không chấp hành phải đình chỉ hoạt động của Grab ngay”, ông Quyền nói và cho rằng, phải yêu cầu Grab đặt máy chủ ở Việt Nam thay vì nước ngoài như hiện nay để quản lý về số lượng phương tiện, doanh thu, khách hàng

Đồng quan điểm, Luật sư Hoàng Văn Hướng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, sau khi Nghị định 10 ban hành, các ứng dụng gọi xe như Grab phải tuân thủ và phải đăng ký để được cấp phép kinh doanh vận tải.

Theo Luật sư Hướng, qua sự việc tài xế đình công vì Grab tăng chiết khấu cho thấy đó là hiện tượng xã hội buộc Nhà nước phải quan tâm.

Theo Luật sư Hướng, Grab là chủ thể pháp luật kinh doanh và phải đăng ký kinh doanh vận tải, phải được cấp phép, tuân thủ theo pháp luật doanh nghiệp và pháp luật về vận tải.

Dùng tổng đài hay phần mềm kết nối chỉ là công cụ kết nối giữa đơn vị vận tải và hành khách nên Nhà nước phải quản lý được chủ thể kinh doanh vận tải là Grab.

Grab phải đăng ký là doanh nghiệp vận tải, chứng minh các điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định, ký hợp đồng với người lao động. Những nội dung này Grab không thực hiện mà vẫn hoạt động nên đang vi phạm pháp luật về kinh doanh vận tải.

“Thời gian qua, mới chỉ tăng chút ít thuế theo Nghị định 126 đã xảy ra việc tài xế đình công. Điều này bộc lộ một điều là 4 năm nay, với cơ chế riêng về thuế được hưởng, Grab được cho không hàng trăm nghìn tỷ tiền thuế để chuyển tiền ra nước ngoài.

Thanh tra giao thông, thanh tra thuế, thậm chí công an kinh tế cần vào cuộc thanh tra, làm rõ, buộc Grab phải tuân thủ theo Nghị định 10. Qua kiểm tra không đủ điều kiện hoạt động theo pháp luật có thể dừng hoạt động của Grab”, Luật sư Hướng phân tích.

Trao đổi với Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, Phó chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết, sau khi Báo Giao thông phản ánh, Thanh tra Bộ GTVT đã chỉ đạo Thanh tra các Sở GTVT trong cả nước mở đợt cao điểm kiểm tra điều kiện kinh doanh đối với xe hợp đồng có ứng dụng công nghệ, trong đó có Grab.

“Hiện nay, Thanh tra các sở đang báo cáo về Thanh tra Bộ. Sau khi tổng hợp, qua báo cáo sơ bộ cho thấy, Grab đang xin giấy phép kinh doanh vận tải nhưng số lượng phương tiện đăng ký rất ít. Trên cơ sở kết quả kiểm tra của Thanh tra GTVT các sở, nếu thấy tồn tại, vi phạm gì cần phải tiếp tục thanh, kiểm tra, xử lý, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai”, bà Hiền cho biết.

Một số dấu hiệu vi phạm quy định hiện nay của Grab:

- Ngoài TP HCM, Grab chưa được Sở GTVT các tỉnh, thành khác cấp giấy phép kinh doanh vận tải nhưng Grab vẫn đang hoạt động.
- Là doanh nghiệp vận tải nhưng không quản lý thời gian làm việc của lái xe (theo quy định tài xế không được lái xe liên tục quá 4 giờ và 10 giờ trong ngày).
- Được xếp vào loại hình xe hợp đồng, Grab phải có danh sách hành khách cho chuyến xe có từ 2 hành khách trở lên. Tuy nhiên, hiện Grab chưa đáp ứng quy định này.
- Là doanh nghiệp vận tải nhưng không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ phúc lợi xã hội đối với tài xế.
- Là doanh nghiệp vận tải nhưng không quản lý điều kiện an toàn của phương tiện, phó mặc cho tài xế.
- Không có người quản lý điều hành vận tải, không khám sức khỏe định kỳ cho lái xe.

Ông Nguyễn Văn Quyền (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN):
Là taxi nên Grab phải kê khai giá cước

Kinh doanh taxi là phục vụ hành khách đi cả chuyến xe, hành trình đi theo yêu cầu của hành khách, tiền cước tính theo km, phí chờ theo giờ. Tất cả các yếu tố này của Grab thỏa mãn điều kiện kinh doanh taxi.

Hiện, Grab đang chiếm 70% thị phần vận tải và cùng chung phân khúc với thị trường kinh doanh taxi nên để đảm bảo ổn định giá cước trên thị trường, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, cơ quan quản lý Nhà nước cần thiết phải yêu cầu Grab đăng ký kê khai giá cước.

Nếu không thị trường vận tải sẽ không lành mạnh. Đặc biệt, vừa qua sau khi tăng thuế, Grab ngay lập tức tăng giá cước và chiết khấu khiến cả tài xế và khách hàng thiệt thòi.

Tài xế không lương, không bảo hiểm, không tiền tăng ca

Ngày 11/12, thực tế trên một chuyến xe GrabPlus, tài xế Nguyễn Tam Điệp, điều khiển xe BKS 30E-955.xx cho biết, riêng Hà Nội có khoảng 40.000 lái xe Grab, hàng ngày mang lại doanh thu cho Grab hàng tỷ đồng.

Tuy nhiên, những lái xe này không được đóng bảo hiểm và các chế độ phúc lợi xã hội. Ngoài ra, nếu khách hàng phản ánh, không biết có phải lỗi thuộc về tài xế hay không, Grab khóa tài khoản ngay”, anh Điệp cho biết.

Tương tự, tài xế GrabPlus Nguyễn Văn Hùng, điều khiển xe BKS 88A-213.xx cho biết, Grab cung cấp phần mềm và điều tài xế đến các điểm đón khách. Bên cạnh đó, Grab cũng quyết định cho tài xế được nhận cuốc khách hay không.

Muốn được chạy cho Grab, tài xế phải đáp ứng về điều kiện chất lượng phương tiện và Grab xây dựng hệ thống chấm điểm hành vi người lái xe.

Tài xế sau khi nhận cuốc chỉ làm nhiệm vụ vận chuyển, còn giá cước do Grab quyết định. Grab thu tiền cước, quản lý tài xế, quyết định mức ăn chia, thưởng phạt với tài xế.

“Grab gán cho chúng tôi thành đối tác để chối bỏ trách nhiệm đối với người lao động, không phải đóng nhiều loại thuế, chi trả bảo hiểm xã hội và y tế, tiền tăng ca hoặc lương tối thiểu cho hàng triệu tài xế.

Tôi và nhiều anh em khác chạy xe ngoài đường trên 10 tiếng một ngày, đối mặt với bao rủi ro về sức khỏe và tính mạng, nhưng không có lương cứng, không tiền tăng ca và không bảo hiểm xã hội”, anh Hùng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.