Xã hội

Cần thảo luận dân chủ, thẳng thắn mới chọn được người tài, đức

14/12/2015, 06:48

Nghị quyết có hay, đúng đắn đến mấy mà không có đội ngũ cán bộ tốt thực hiện thì cũng rất khó thành công.

4
Ông Phạm Thế Duyệt - Ảnh: Phạm Hải

Báo Giao thông có cuộc phỏng vấn nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt xung quanh chủ đề làm thế nào để lựa chọn được cán bộ cao cấp của Đảng vừa có tâm, vừa thực tài. Ông Phạm Thế Duyệt nói:

Đất nước ta đang có những triển vọng phát triển tốt, song cũng đứng trước những thử thách gay gắt trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, cho nên vấn đề nhân sự tại Đại hội Đảng XII là cực kỳ quan trọng. Chúng ta buộc phải đổi mới, nếu bảo thủ, cầm chừng, đất nước sẽ rất khó phát triển. Trong tiến trình đổi mới, chất lượng đội ngũ cán bộ có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện đường lối của Đảng. Bởi nghị quyết có hay đến mấy, đúng đắn đến mấy mà không có đội ngũ cán bộ tốt thực hiện thì cũng rất khó thành công.

Đại hội Đảng bộ các cấp đã kết thúc và hầu hết đều được đánh giá thành công tốt đẹp. Theo dõi kết quả, cá nhân ông đánh giá thế nào?

Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc, chúng ta phải xem lại Đại hội Đảng bộ các cấp, chớ nên nghĩ Đại hội xong như thế là thành công, là nhất định đã có đội ngũ nhân sự tuyệt vời để phụng sự nhân dân. Bởi vậy, các cơ quan giám sát của Đảng, Nhà nước và nhân dân vẫn phải giám sát chặt chẽ, nếu phát hiện thấy cán bộ vừa trúng cử yếu kém, tiêu cực thì cần đưa ra khỏi cấp ủy, tuyệt đối không để họ nghĩ rằng vào được cấp ủy rồi thì yên tâm, ung dung ngồi ở đó 5 năm.

Vừa qua, Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội là nơi tôi cho là có cách làm khá tốt và cũng có tiếng nói khá thẳng thắn, tiêu biểu như ý kiến của đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy: “Trong hội nghị cái gì cũng nhất trí, bỏ phiếu tín nhiệm cái gì cũng được, nhưng ra ngoài hội nghị lại nghĩ khác, nói khác, nguy cơ là ở chỗ này”. Tôi cho rằng không chỉ có ở Hà Nội mà đây là tình trạng chung nhiều địa phương cần phải chú ý.

“Tre già phải để cho măng mọc”

Đại hội Đảng toàn quốc sắp diễn ra, theo ông để lựa chọn được những người vừa có tâm, vừa thực tài, điều gì là quan trọng nhất?

Cá nhân tôi cho rằng, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tới đây phải hết sức quan tâm đến vấn đề tạo sự đồng thuận và nhất trí. Bởi những người trực tiếp bỏ phiếu bầu không “tâm phục, khẩu phục” mà chỉ xuất phát từ sự chấp nhận cá nhân để có chân trong bộ máy, không dám nói lên chính kiến vì sợ bị trù úm thì rất khó lựa chọn được nhân sự tốt. Đó là lý do vì sao phải dân chủ, công khai, minh bạch mọi vấn đề trong công tác cán bộ. Đồng chí nào có vấn đề nổi cộm lên thì phải làm rõ, muốn làm rõ phải dân chủ, thẳng thắn với nhau, phê bình và tự phê bình, nêu ưu, khuyết điểm của từng cán bộ. Phải tạo sự dân chủ để cho mọi người dám nêu ý kiến của mình, dám cởi mở, chứ không phải cái gì cũng nhất trí rồi ra ngoài lại có ý kiến khác.

Vấn đề nhân sự trước Đại hội khi ông còn công tác có gì khác bây giờ không và điều gì khiến ông lưu tâm nhất?

Trước thềm Đại hội, kinh nghiệm của chúng tôi là khi đã có vấn đề, nhất là vấn đề đặt ra với những đồng chí định bố trí vào vị trí chủ chốt thì cố gắng phải làm cho thật rõ mọi chuyện, nếu không sẽ xảy ra hai trường hợp: Một là, các đồng chí đó làm đúng nhưng bị hiểu lầm, nếu không làm rõ thì khiến họ lỡ thời cơ.

"Con người thì không thể toàn vẹn, nhưng lựa chọn nhân sự bao giờ cũng phải biết lựa chọn những người toàn tâm, toàn ý với Đảng, với dân, có kinh nghiệm, quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, không mưu lợi cá nhân, dám đương đầu với những khó khăn, thách thức”.

Thứ hai là, nếu có người dám đứng tên chịu trách nhiệm nêu ra vấn đề đối với cán bộ thì hết sức phải lắng nghe, làm rành mạch trước khi giới thiệu vào vị trí chủ chốt. Bởi thế, tôi rất muốn Đại hội lần này phải làm cho rành mạch, điều gì cần làm, không kịp làm mà để lại sau này làm tiếp thì cũng phải báo cáo T.Ư, Đại hội biết chứ không nên giấu thông tin.

Ngoài ra, tôi cho rằng các đồng chí lớn tuổi khi thấy anh em ít tuổi hơn có khả năng, được tín nhiệm, được dân yêu mến, tin cậy thì nên để họ có cơ hội, đừng nên vì vị trí của mình mà không để anh em vượt lên, "tre già phải để cho măng mọc" là cần thiết.

Ông vừa đề cập đến việc tạo cơ hội cho cán bộ trẻ, nhưng thực tế vừa qua một số cán bộ trẻ được bổ nhiệm đã có không ít ý kiến trái chiều. Theo ông, vì sao lại có chuyện đó?

Với điều kiện hiện nay, nhiều người trẻ có khả năng nhưng không được giao “cờ” nên người ta không thể “phất”, không giao việc nên người ta không có cơ hội để làm, chứ nếu làm nhất định họ sẽ làm tốt, thậm chí có thể tốt hơn cả những người đương nhiệm. Làm lãnh đạo điều quan trọng phải tạo ra được gì, có dấu ấn gì, đưa ra được quyết sách gì, mang lại lợi ích gì cho Đảng, cho dân mới là điều cốt yếu. Hiện nay, tôi biết có nhiều đồng chí Ủy viên T.Ư trẻ đã qua vài khoá rồi, vì thế cần xem xét đưa họ vào Bộ Chính trị.

Tôi cho rằng, nếu cán bộ còn trẻ mà có năng lực thì không nên đặt nặng vấn đề tuổi tác, mà phải xem năng lực cán bộ có thực chất không. Không phải người trẻ nào cũng xuất sắc, đa phần đều phải trải qua rèn luyện, thử thách. Tuy nhiên, những người trẻ mà thực tài, có tâm thì phải ưu tiên, tạo điều kiện cho họ.

Có cơ chế để dân chọn nhân sự giúp Đảng

Ông cũng đã từng góp ý, Đảng nên có kênh nào đó để cho nhân dân góp ý, bày tỏ chính kiến, thẩm định về những người sẽ được bầu chọn vào đội ngũ lãnh đạo trước khi T.Ư bầu. Mục đích việc này là gì, thưa ông?

Nhân dân ở đây không phải nghĩa rộng, không phải tất cả mọi người mà có thể là hàng trăm đồng chí Ủy viên T.Ư về hưu, đội ngũ chuyên gia, trí thức giàu lòng nhiệt huyết đang sinh hoạt ở MTTQ Việt Nam, nhiều cán bộ vững vàng đã từng lãnh đạo ở các tổ chức chính trị, xã hội… Cứ lấy được ý kiến của mấy nghìn người đó thì sẽ ra ngay kết quả. Nếu có kênh này thì sẽ giúp Đảng phát huy quyền lãnh đạo cũng như lựa chọn cán bộ của mình, như thế sẽ tốt hơn rất nhiều.

Lâu nay, trong các văn kiện của Đảng vẫn thừa nhận hiện có một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên, công chức yếu kém về năng lực, suy thoái về đạo đức. Đánh giá này rất đúng, nhưng có điều chỉ rõ những ai đã sai phạm thì chúng ta chưa làm được.

Việc chọn người đủ đức, đủ tài, xứng đáng vào bộ máy lãnh đạo luôn được đặt ra, song ông có cho rằng trên thực tế để làm được việc đó là không hề đơn giản?

Tôi nghĩ việc gì cũng có cái khó cả, nhưng chẳng có cái khó nào không làm được nếu biết cách làm, biết cách phát huy trí tuệ của Đảng, của dân thì cái gì cũng vượt qua được. Vấn đề nhân sự là một vấn đề khó, nhưng tôi cho rằng chỉ khó ở cách làm, cách lựa chọn, chứ đội ngũ cán bộ có rất nhiều người có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, có kiến thức và dám chịu trách nhiệm. Họ đều là những người vì công việc, lăn lộn với công việc, thẳng thắn trước tập thể. Vì thế, phải làm sao chọn người nghĩ được, làm được, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.