Chuyện dọc đường

Cần thêm giải pháp tổng thể

09/02/2017, 09:22

Trước Tết Đinh Dậu 2017, nhiều người rất lo lắng việc có thể bị kẹt xe khi ra sân bay dịp Tết.

2

Ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM cùng các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ xây dựng cầu vượt thép tại nút giao Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn và cầu vượt thép trên đường Trường Sơn - Ảnh: Phan Tư

Trước Tết Đinh Dậu 2017, nhiều người rất lo lắng việc có thể bị kẹt xe khi ra sân bay dịp Tết. Thực tế, ngày 9/1 đã xảy ra ùn tắc kinh hoàng trên đường Trường Sơn, nhiều hành khách xuống ô tô đi bộ mấy km để vào sân bay.

Các hãng hàng không phải khuyến cáo hành khách đến trước ba tiếng so với giờ cất cánh để tránh ùn tắc. Sau đó, TP.HCM đã rất nỗ lực và triển khai nhiều giải pháp, không để xảy ra ùn tắc trước sân bay dịp Tết, để hành khách đi đến sân bay về quê ăn Tết thuận lợi. Nhưng những nỗ lực này cũng có giới hạn vì hạ tầng quanh khu vực sân bay đã quá tải.

Đầu năm mới, Sở GTVT khởi công hai cầu vượt thép trên đường Trường Sơn và nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm, đồng thời tiến hành cải tạo, mở rộng một số đoạn tuyến, tổ chức lại lưu thông trên các tuyến đường quanh khu vực sân bay để hạn chế ùn tắc. Ngành Hàng không cũng đặt vấn đề đưa việc làm thủ tục máy bay ra ngoài khu vực nhà ga để giảm áp lực giao thông đến sân bay.

Sân bay Tân Sơn Nhất năm 2016 đón hơn 32 triệu lượt khách, dự báo năm 2017 đạt 35 triệu hành khách và với tốc độ tăng trưởng như hiện nay sẽ cán mốc 49 triệu khách vào năm 2020. Bộ GTVT đang phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các giải pháp nâng công suất khai thác sân bay Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng ngành Hàng không. Lượng khách đến Tân Sơn Nhất tăng cao là tín hiệu vui nhưng lại tạo áp lực lên hạ tầng kết nối.

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, việc Sở GTVT TP.HCM thực hiện các dự án cầu vượt thép, cải tạo mặt đường một số đoạn tuyến là vừa cấp bách, kịp thời để tổ chức lại giao thông quanh sân bay tốt hơn. Tuy nhiên, việc xây cầu vượt thép cũng chỉ mang tính chất cấp thiết trong ngắn hạn chứ chưa phải là bài toán căn cơ. Bởi, thực tế cho thấy, khi xây dựng hai cầu vượt thép trên đường Cộng Hòa đoạn giao đường Hoàng Hoa Thám và vòng xoay Lăng Cha Cả, giao thông tại đây được giảm tải nhưng lại tạo áp lực giao thông lên khu vực khác. Thậm chí, tại vòng xoay Lăng Cha Cả hiện nay dù đã có cầu vượt nhưng vẫn đang quá tải.

Trong khi chờ sân bay Long Thành, Tân Sơn Nhất vẫn phải thực hiện sứ mệnh của mình ít nhất 10 năm tới. Thậm chí, sau khi sân bay Long Thành hoàn thành, Tân Sơn Nhất vẫn được khai thác song song phục vụ các chuyến bay nội địa. Vì vậy, thực hiện các giải pháp đầu tư hạ tầng kết nối sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ là giải pháp cấp thiết trước mắt mà cần tính cả lâu dài. Theo các chuyên gia, ngành Giao thông TP HCM cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp dài hơi hơn. Trong đó, những dự án đường trên cao, tuyến metro kết nối sân bay đi các hướng sẽ là bài toán giảm ùn tắc quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất một cách lâu dài.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.