Quản lý

Cần Thơ bàn giải pháp phát triển giao thông thông minh

05/08/2022, 17:22

Các lĩnh vực sẽ được quan tâm đầu tư xây dựng, trong đó, giao thông thông minh đóng vài trò huyết mạch, mở đường cho phát triển…

Hướng tới thành phố của tương lai

Ngày 5/8, UBND TP Cần Thơ phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức Hội thảo Xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

img

Một góc đô thị sông nước Cần Thơ.

Ðề án Xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh được UBND TP phê duyệt với kinh phí thực hiện hơn 1.011 tỷ đồng.

Có 3 giai đoạn chính. Trong đó, giai đoạn 1 (2021-2022) xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP Cần Thơ (IOC) và triển khai một số lĩnh vực ưu tiên như: giao thông thông minh, giám sát môi trường, an ninh trật tự, du lịch thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh...

Đề án Xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh tập trung triển khai trên 10 lĩnh vực trọng điểm như: hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông và nền tảng dữ liệu trong đô thị thông minh; chính quyền số trong đô thị thông minh.

Kèm theo là lĩnh vực an ninh an toàn trong đô thị thông minh; quy hoạch đô thị thông minh; du lịch thông minh; y tế thông minh; giáo dục thông minh; nông nghiệp thông minh; quản lý môi trường thông minh và giao thông thông minh.

Giai đoạn 2 (2023-2025) mở rộng triển khai đô thị thông minh trên các lĩnh vực ưu tiên, thu hút xã hội hóa đầu tư phát triển đô thị thông minh.

Giai đoạn 3 với tầm nhìn đến năm 2030, TP Cần Thơ trở thành thành phố thông minh trên các lĩnh vực ưu tiên, tham gia vào chuỗi liên kết thành phố thông minh, là hạt nhân đầu tàu của vùng ÐBSCL trong chuỗi liên kết đô thị thông minh cấp quốc qua, khu vực và quốc tế.

Đến nay, Cần Thơ đã đưa vào hoạt động Trung tâm Điều hành đô thị thông minh, thí điểm giám sát 8 lĩnh vực gồm: điều hành chỉ tiêu báo cáo, thống kê kinh tế - xã hội; hiệu quả hoạt động của chính quyền; an ninh trật tự và an toàn giao thông; điều hành du lịch.

Các lĩnh vực còn lại là tương tác phục vụ phản hồi của người dân; thông tin trên môi trường mạng; cảnh báo chất lượng môi trường; an toàn thông tin mạng.

Trung tâm này sử dụng các nền tảng hiện đại cho việc tích hợp, kết nối, phân tích và xử lý dữ liệu như: trí tuệ nhân tạo (AI); phân tích dữ liệu lớn (Big Data); internet kết nối vạn vật (IoT); dữ liệu không gian địa lý (GIS); điện toán đám mây (Cloud Computing).

Thông tin cho hệ thống sẽ được các Sở ngành cập nhật dữ liệu tại chỗ, sau đó thông qua phần mềm nền tảng dùng chung.

img

Quang cảnh hội thảo.

Qua đó, tạo phương tiện để người dân được cung cấp và phục vụ các dịch vụ đô thị thông minh tiện ích nhất và người dân được tham gia giám sát hoạt động chính quyền khi truy cập.

Ðặc biệt, hệ thống sẽ tăng cường phục vụ người dân với các phương tiện, các kênh tương tác như “Tổng đài dịch vụ công 1022”, ứng dụng thiết bị di động và mạng xã hội nhằm huy động mọi nguồn lực đóng góp cho kinh tế - xã hội của TP phát triển.

Tập trung phát triển giao thông thông minh

Tổng Giám đốc Công ty HANEL, Bùi Thị Hải Yến nhấn mạnh về tầm quan trọng của giao thông thông minh, và cho biết, Việt Nam với tiềm năng to lớn trở thành một trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch của khu vực, trong đó, giao thông vận tải đóng vai trò huyết mạch.

Chính vì vậy, doanh nghiệp đã tại ra hệ thống giao thông thông minh trên nền bản đồ số. Và đã cung cấp cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa vào khai thác trên toàn quốc từ ngày 1/1/2017.

img

Cần Thơ sẽ tập trung phát triển giao thông thông minh.

Hệ thống hiện kết nối với hơn 1 triệu phương tiện. Trên nền tảng hệ thống, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp vận tải đều tìm thấy thông tin mình cần theo thời gian thực.

Theo đánh giá, Cần Thơ hiện đã đạt được một số kết quả ban đầu trong lộ trình trở thành đô thị thông minh như xây dựng thành công trung tâm quản lý giao thông đô thị; đầu tư hệ thống trang thiết bị quản lý, giám sát dữ liệu quan trắc môi trường tự động.

Cần Thơ cũng giám sát được chất lượng môi trường về nước thải, không khí và các khu vực ngập úng trong đô thị.

Đây là một hệ thống quản lý giao thông với kiến trúc mở, cho phép phát triển mở rộng theo cả chiều dọc nghiệp vụ của ngành giao thông lẫn chiều ngang về quy mô hạ tầng.

Theo đó, có thể theo dõi chính xác về việc xe nào đang đi lệch hành trình đã đăng ký, xe nào vi phạm tốc độ tuyến vận tải, xe nào đang quá tải cần hiệu chỉnh…

Tất cả những thông tin dữ liệu đều được phân tích nhiều chiều từ chi tiết tới tổng hợp. Từ đó, giúp các cấp sử dụng khác nhau nắm bắt được đầy đủ và tức thời mọi vấn đề đang diễn ra.

Với người dân, hệ thống, họ được tham gia môi trường giao thông an toàn, luôn được kiểm soát. Người dân sẽ được chỉ dẫn giao thông, tránh các điểm đen tai nạn, điểm ùn tắc…Từ đó, giảm thiếu tai nạn giao thông…

“Công ty sẵn sàng cung cấp cho Cần Thơ dịch vụ quản lý giao thông thông minh được cập nhật chi tiết theo đặc thù riêng của địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã...), bao gồm cả các mạng lưới đường thủy.

Đặc biệt là dịch vụ phân tích dữ liệu giao thông vận tải phục vụ nhu cầu quản lý và phát triển kinh tế vùng”, bà Yến nói.

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết, toàn thành phố hiện có hơn 1 triệu phương tiện tham gia giao thông. Thời gian tới, Sở sẽ tập trung ứng dụng CNTT vào quản lý điều hành, điều tiết giao thông.

Đặc biệt, trong năm nay, Sở sẽ cho khởi công xây dựng trung tâm quản lý giao thông đô thị, gói thầu quản lý giao thông thông minh tại 15 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.