Hạ tầng

Cần Thơ: Cơ quan chức năng nói gì về tuyến đường chỉ thi công một bên?

12/05/2022, 12:08

Ngay cả khi người dân đồng ý hiến đất thì Cần Thơ cũng không có tiền để bồi hoàn vật, kiến trúc. Và dự án, đến nay vẫn đang ì ạch...

Ngày 12/5, ông Lê Hoàng Đức, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ cho biết, gói thầu CT3-PW-1.13: “Cải tạo hạ tầng đường Hoàng Quốc Việt" hiện chỉ còn vướng mặt bằng 12 hộ dân.

img

Hình ảnh xuống cấp nghiêm trọng trên tuyến đường Hoàng Quốc Việt.

Đến thời điểm này quận đã triển khai 3 đợt bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công với hơn 80% diện tích. Không có chuyện chưa có đất sạch đã tổ chức đấu thầu thi công dự án.

Theo ông Đức, đường Hoàng Quốc Việt được hình thành từ hơn 15 năm trước, sau đó bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng.

Trước phản ánh và kiến nghị của người dân, TP đã quyết định triển khai nâng cấp, cải tạo tuyến đường. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí, không có vốn đầu tư, nên TP đã xin phía Ngân hàng Thế giới (WB) cho đưa vào Dự án 3 (Dự án Phát triển TP Cần Thơ và Tăng cường khả năng thích ứng của đô thị). Theo đó, phía WB sẽ tài trợ kinh phí làm đường, còn TP sẽ đối ứng kinh phí GPMB.

“Thời điểm này, do nguồn lực khó khăn, nên TP đã thống nhất tận dụng nguồn kết dư từ những dự án khác thuộc Dự án 3 để dùng cho việc GPMB dự án đường Hoàng Quốc Việt.

Tuy nhiên, đến giai đoạn từ cuối 2017 qua năm 2018, giá đất liên tục biến động tăng cao, đã làm đội vốn GPMB, nên nguồn kết dư từ những dự án khác cũng không có”, ông Đức nói.

img

Dự án nâng cấp đường Hoàng Quốc Việt đang chậm tiến độ.

Ông Đức cho hay, trước tình hình trên, TP đã quyết định chuyển dự án sang hướng: Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trong đó, người dân sẽ hiến đất, còn Nhà nước sẽ bồi thường tài sản trên đất như: kiến trúc, hoa màu…

Qua các cuộc họp, có 2/3 trên tổng có 440 hộ bị ảnh hưởng toàn tuyến đã đồng ý với phương án này.

“Thế nhưng sau đó, TP cũng không có tiền để bồi thường, nên một lần nữa đã phải vận động nhân dân hiến luôn những tài sản bị ảnh hưởng trên đất. Lúc này, người dân phản ứng và không đồng ý”, ông Đức nói.

Sau đó, TP đã quyết định dùng ngân sách để thực hiện bồi hoàn GPMB. Trong trường hợp chưa có vốn thì TP sẽ cho tạm ứng từ nguồn khác. Đến khi dự án được phê duyệt thì sẽ bố trí vốn để hoàn trả.

Do nguồn lực hạn chế, nên TP đã chọn đoạn đường ít có hộ dân bị ảnh hưởng để triển khai gói thầu CT3-PW-1.13 “cải tạo hạ tầng đường Hoàng Quốc Việt", đoạn từ Km 1+952,5 đến Km 3+461, dài khoảng 1,5km.

Gói thầu có diện tích xây dựng 25.300m2, với 165 hộ dân bị ảnh hưởng. Sau khi nâng cấp, tuyến đường sẽ có bề rộng 23m, trong đó 2 vỉa hè mỗi bên 4m, còn lại là mặt đường 15m.

img

Các phương tiện khổ sở lưu thông qua đường Hoàng Quốc Việt.

“Từ tháng 3/2020 đến nay, quận đã triển khai 3 đợt bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Trong đó, đợt 1 đã bàn giao tới 80% mặt bằng của gói thầu (chủ yếu là đất công, đất mương lộ). Không có chuyện chưa có mặt bằng đã đấu thầu thi công dự án.

Đến nay, toàn gói thầu chỉ còn 12 hộ dân chưa chịu giao đất, đòi tăng giá bồi thường. Quận đang tiếp tục vận động, nếu vẫn không được sẽ tiến hành cưỡng chế”, ông Đức nhấn mạnh.

Như Báo Giao thông đã thông tin, từ nhiều năm qua, đường Hoàng Quốc Việt (phường An Bình, và An Khánh, quận Ninh Kiều) được mệnh danh là... “Tuyến đường khổ sở”, khi bị hư hỏng nặng, xuất hiện nhiều “ổ voi”, “ổ gà”, đe dọa đến sự an toàn của người đi đường.

Trước tình hình trên, tháng 3/2020, Cần Thơ đã cho khởi công công trình nâng cấp mở rộng đường Hoàng Quốc Việt thuộc gói thầu CT3-PW-1.13: “Cải tạo hạ tầng đường Hoàng Quốc Việt, đoạn từ Km 1+952,5 đến Km 3+461 do Ban Quản lý dự án ODA làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, đến nay đã hơn 2 năm trôi qua, tuyến đường này vẫn chỉ là một mớ hỗn độn, nhếch nhác. Đặc biệt, tuyến đường hiện chỉ được thi công một bên, và chừa lại một bên khiến người dân rất khó hiểu và bức xúc.

Ông Phạm Công Túy, Chỉ huy trưởng công trình thi công gói thầu CT3-PW-1.13, cho biết: Công trình khởi công từ tháng 3/2020, thời hạn là 18 tháng, nhưng đã chậm tiến độ do vướng GPMB.

Theo ông Túy, gói thầu có chiều dài 1,5km, khi triển khai thi công, đơn vị chỉ được giao mặt bằng với chiều 1,1km nằm bên tuyến trái, phần còn lại gần như không có đất sạch, tức chưa bàn giao mặt bằng, nên không thể thi công.

Từ đây dẫn đến chuyện vì sao tuyến đường chỉ được thi công một nửa và chừa lại một nửa.

“Hiện nay, phần 1,1km được giao mặt bằng, đơn vị đã thi công đạt hơn 80% khối lượng, dự kiến sẽ thảm nhựa hoàn thiện trước ngày 15/5 tới.

Còn đối với tiến độ chung của cả gói thầu hiện chỉ mới đạt hơn 30% khối lượng. Với nguyên nhân chính là do vướng mặt bằng”, ông Túy nói.

Vừa qua, gói thầu CT3-PW-1.13 đã được gia hạn tới tháng 6/2022, nhưng với tình hình này thì dự án khó lòng kịp tiến độ.

Người dân đang lo lắng, không biết sẽ còn phải đi trên tuyến đường khổ sở này đến bao giờ?!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.