Thị trường

Cần Thơ: Thiếu lao động, doanh nghiệp chuyển đổi để “sống chung với dịch”

07/11/2021, 09:54

Các doanh nghiệp tái sản xuất đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, do một lượng lớn công nhân đã tự phát về quê…

Thiếu hàng chục ngàn lao động

Ghi nhận tại Cần Thơ, toàn thành phố này có tổng số 11.128 doanh nghiệp với 149.316 lao động. Vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động.

Tính đến cuối tháng 10, đã có hơn 4.146 doanh nghiệp trở lại hoạt động với tổng số lao động đang làm việc hơn 39.676 người. Còn lại, các doanh nghiệp chưa thể trở lại hoạt động do chưa đảm bảo việc tiêm đủ vaccine cho người lao động và chưa kịp thời xây dựng phương án sản xuất an toàn theo quy định của thành phố. Và phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trở lại đều đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động.

img

Hoạt động tại một doanh nghiệp xuất khẩu may mặc ở Cần Thơ.

Tại Cần Thơ, thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, thành phố có khoảng 300.000 lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất và lao động tự do phải nghỉ việc, ngừng việc. Trong đó có khoảng 30.000 lao động tạm trú, đến từ các tỉnh lân cận đã tự phát di chuyển về quê, gây không ít khó khăn cho cả nơi đến và nơi đi, phát sinh nguy cơ làm mất cân đối cung - cầu lao động khi nền kinh tế từng bước được phục hồi.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Giám đốc Công ty CP May Việt Thành (Cần Thơ) cho biết, công ty chuyên may xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ, với gần 700 công nhân làm việc. Công ty may mắn là trong đợt dịch vừa rồi vẫn duy trì được “3 tại chỗ”, nên giữ chân được người lao động. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp phải dừng hoạt động trong nhiều tháng, thì người lao động đã bỏ về quê hoặc tìm việc làm mới. Nên khi tái sản xuất, họ gặp khó khăn do thiếu nguồn nhân lực.

Bà Lê Thị Sương Mai, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Cần Thơ cho biết, qua thống kê, số lượng nhân công cần tuyển dụng từ nay đến hết tháng 6/2022 tại Cần Thơ là hơn 22.000 lao động, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu (may, giày da...), thương mại, dịch vụ. Như Công ty TNHH Tae Kwang Cần Thơ cần 6.000 lao động, Nhà máy Vinatex Vĩnh Thạnh cần 3.000 lao động, Biti’s Cần Thơ cần 600 lao động, Công ty TNHH Kwong Lung cần 200 lao động, Công ty TNHH May Tây Đô cần 200 lao động…

Chuyển đổi để thích ứng

Những ngày gần đây, dịch Covid-19 liên tục bùng phát tại các nhà máy, doanh nghiệp vùng ĐBSCL. Hiện TP Cần Thơ có các ổ dịch tại Công ty Thủy sản Cá Việt Nam (30 F0); đặc biệt, mới đây, cơ quan chức năng đã phong tỏa các điểm nguy cơ và tập trung truy vết các trường hợp liên quan ổ dịch tại 1 Công ty Thủy sản ở Khu Công nghiệp Trà Nóc 2. Doanh nghiệp này có hơn 1.000 nhân viên, và đã phát hiện hơn 150 F0. Lũy kế số công nhân F0 tại Cần Thơ là 508 người; F1 là 1.284 người, ngoài ra một số rất lượng lớn công nhân thuộc diện phong tỏa, hoãn việc.

Trước tình trạng trên, các doanh nghiệp ở Cần Thơ đang cố gắng chuyển đổi để “sống chung với dịch bệnh”. Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Giám đốc Công ty CP May Việt Thành (Cần Thơ) cho biết, trước tác động của dịch bệnh, công ty cũng đã thay đổi phương thức hoạt động. Công ty hiện có 15-18 bộ phận, dây chuyền sản xuất. Lấy ví dụ, nếu trước đây mỗi bộ phận, dây chuyền có 40 người làm việc, khi xuất hiện 1 ca F0, thì 39 người còn lại sẽ là F1.

“Bây giờ, chúng tôi lại chia các bộ phận, dây chuyền thành nhiều cụm nhỏ, mỗi cụm có khoảng 4 người làm việc. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất, vừa hạn chế tối đa số người tiếp xúc nhau, ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch khi xuất hiện ca nhiễm. Dịch bệnh chắc chắn sẽ không mất đi, nên doanh nghiệp buộc phải thay đổi để thích ứng”, ông nói.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, hiện tại, thành phố đã bước vào giai đoạn tái sản xuất, thích ứng an toàn trong điều kiện mới. Khi có ca nhiễm Covid-19 xuất hiện ở dây chuyền hoặc bộ phận nào thì chỉ khoanh vùng, phong tỏa chỗ đó chứ không đóng cửa cả doanh nghiệp.

Việc này nhằm giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất, kịp giao các đơn hàng cho đối tác, vừa giúp cho công nhân có việc làm trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

"Thành phố xác định mỗi thành phần kinh tế đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế của thành phố. Vì vậy, ở từng loại hình doanh nghiệp, các sở, ngành chức năng cùng các quận, huyện được giao nhiệm vụ hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp kịp thời khôi phục hoạt động sản xuất trên cơ sở đảm bảo an toàn, thích ứng linh hoạt với diễn biến tình hình dịch bệnh…", ông nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.