Làm báo cùng Giao thông

Cần Thơ đã nổi tiếng với cái cổng chào

29/12/2017, 09:49

Nếu anh Chương không bị mời lên làm việc, chắc ít ai biết cổng chào tỉnh này được ví giống quần phụ nữ.

11

Cổng chào đường đèn nghệ thuật Cần Thơ Xuân Mậu Tuất 2018 - Ảnh: Duy Khôi

Dư luận vừa hết xôn xao khi một người dân nhận xét Chủ tịch TP An Giang “nhìn cái mặt kênh kiệu” bị quy kết thành tội nói xấu lãnh đạo hay bác sỹ Hoàng Công Truyện phải viết kiểm điểm vì góp ý cho bộ trưởng thì mới đây một người dân Cần Thơ - anh Chung Hoàng Chương, chủ tài khoản Chương May Mắn cũng bị mời lên làm việc, do có bài viết so sánh cái cổng chào đón xuân Mậu Tuất giống quần chip phụ nữ.

Rõ là tên tài khoản là may mắn mà cuối năm anh Chương dính phải chuyện chẳng may mắn chút nào. Phản ứng đầu tiên của phần lớn người đọc tin này chắc hẳn là buồn cười. Vì nhìn cái cổng chào, của đáng tội, khá giống với sự liên tưởng ví von của anh Chương May Mắn kia. Nhưng chưa kịp cười lâu thì đã giật mình vì “trát” đòi anh nêu khá rõ là “liên quan đến việc đăng thông tin sai lệch trên mạng xã hội”.

Việc liên tưởng hình ảnh của mỗi người về một vật là rất tự nhiên, cá nhân và trí tưởng tượng của mỗi người thường rất phong phú. Đó cũng chính là lý do mà đứng trước một bức tranh thuộc trường phái ấn tượng hay nghệ thuật sắp đặt, mỗi người sẽ có suy nghĩ, cái nhìn và sự liên tưởng khác nhau, không ai giống ai.

Chả thế mà lâu nay người ta vẫn đố nhau nhìn vào một bức tranh đa chiều xem thấy gì, người thì thấy một người đàn ông râu tóc mũi khoằm, người thì nhìn ra một phụ nữ khỏa thân đang nằm vắt vẻo.

Nếu như một ngày mà ngay cả trí tưởng tượng cũng bị quản lý và định hướng thì chắc cũng là ngày cáo chung của trường phái nghệ thuật sắp đặt và ấn tượng. Vì không ai dám xem! Nhỡ xem mà tưởng ra cái gì, lỡ miệng nói ra sẽ bị mời lên làm việc.

Mà cái sự nói, theo hiến pháp và pháp luật Việt Nam là quyền bất khả xâm phạm của công dân, trừ nói sai - có bằng chứng có thể bị khởi kiện.

Có vẻ như Thanh tra thông tin truyền thông TP Cần Thơ chưa mấy rút kinh nghiệm sau những sự việc tương tự, như vụ “cái mặt kênh kiệu” của Chủ tịch An Giang với “vé” phạt 5 triệu đồng hay vụ bác sỹ Hoàng Công Truyện phải viết bản kiểm điểm vì phê bình Bộ trưởng Bộ Y tế trên mạng. Những cơ quan nhanh nhẩu ra quyết định kiểm điểm, xử phạt dân “nói xấu lãnh đạo” ngay sau đó đã phải vội vàng ra quyết định thu hồi.

Ai cũng thấy sự sốt sắng “bảo vệ lãnh đạo”, “bảo vệ chính quyền” tối dạ như thế mới làm xấu đi hình ảnh lãnh đạo và chính quyền. Chưa kể tạo điều kiện để dư luận và báo chí tìm hiểu và biết thêm một số thông tin về các lãnh đạo “bị nói xấu”.

Trong khi chúng ta đang kêu gọi chính quyền gần dân, lắng nghe ý dân, nhưng nhiều việc làm của các cấp quản lý lại đi ngược lại chủ trương này, hơi tý là mời dân lên làm việc.

So sánh, liên tưởng cổng chào đèn đón xuân của Cần Thơ giống quần phụ nữ không phải là phát ngôn bôi nhọ hay xuyên tạc. Sở Thông tin - Truyền thông Cần Thơ không thể làm phiền người dân khi anh này không nhìn ra hình bó hoa của cổng chào theo ý chí của người thiết kế và của thành phố.

Thay vì lắng nghe ý dân và có khiếu hài hước hơn thì Thanh tra Sở Thông tin - truyền thông Cần Thơ đã làm cái cổng đèn chào thành phố mình trở nên nổi tiếng khắp cả nước bằng một yêu cầu hành chính không những thể hiện tư duy ấu trĩ, quy chụp mà còn trái luật. 

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.