Thị trường

Cần Thơ: Người thu nhập thấp gian nan tiếp cận nhà ở xã hội

31/07/2022, 12:58

Giá bán lên tới vài chục triệu đồng/m2, nên người thu nhập thấp ở Cần Thơ gần như không thể mua được nhà ở xã hội…

Nhà ở xã hội giá… “trên trời”

Trong năm 2020, khi nghe tin dự án chung cư nhà ở xã hội Nam Long - Hồng Phát (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) mở bán, vợ chồng anh Nguyễn Tấn Vũ (công nhân ở khu công nghiệp Trà Nóc) hớn hở đi coi nhà. Anh hy vọng tìm được “mái ấm” để an cư, sau nhiều năm chật vật đi thuê trọ.

img

Khu chung cư nhà ở xã hội Nam Long - Hồng Phát ở quận Cái Răng, Cần Thơ.

Tuy nhiên, mọi thứ nhanh chóng vụt tắt. Bởi dù là nhà ở xã hội, nhưng giá bán đưa ra khiến anh Vũ không thể mua nổi.

“Căn hộ có diện tích 40m2, nhưng giá bán tới 900 triệu đồng, tương đương với 22,5 triệu đồng/m2. Mức giá này còn cao hơn cả giá đất ở các tuyến đường trong nội ô Cần Thơ.

Những công nhân lao động nghèo như tui làm sao mua nổi?”, anh Vũ thở dài.

Tương tự là trường hợp của vợ chồng anh Nguyễn Tấn Lực (công nhân tại một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở Cần Thơ).

Khi dự án chung cư này được mở bán, vợ chồng anh cũng đến tìm mua và nhận được mức giá lên tới 990 triệu đồng/40m2, tức là gần 25 triệu đồng cho 1m2 nhà ở.

“Nhà ở xã hội là dành cho người có thu nhập thấp, gặp khó khăn về nhà ở, nhưng không hiểu sao giá bán lại cao ngất ngưởng như vậy.

Đành rằng có thể vay ngân hàng để mua, nhưng mỗi tháng sẽ phải gồng gánh chi phí trả ngân hàng trong hàng chục năm; trong khi thu nhập của cả 2 vợ chồng chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng.

Đó là chưa kể, nếu mua chung cư này mỗi tháng phải đóng thêm khoảng 400.000 đồng cho tiền quản lý và gửi xe”, anh Lực ngao ngán.

Tình cảnh của anh Lực hay anh Vũ là câu chuyện chung của tất cả những người thu nhập thấp ở Cần Thơ, đang có nhu cầu về nhà ở xã hội, nhưng lại không tiếp cận được.

img

Không gian nhỏ hẹp bên trong một chung cư nhà ở xã hội được rao bán với giá cao ngất ngưởng trên mạng xã hội.

Theo ghi nhận của PV, đến thời điểm này, Cần Thơ đã ít nhất 3 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Đó là khu nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp với 300 căn hộ của Công ty Hồng Loan; chung cư nhà ở xã hội 187 căn hộ của Công ty Nam Long - Hồng Phát và chung cư nhà ở xã hội 100 căn hộ của Công ty An Phú.

Gọi là nhà ở xã hội dành cho người thu nhập, nhưng giá bán lại quá cao so với khả năng chi trả của các đối tượng được hưởng chính sách theo quy định của Luật Nhà ở 2014.

Giá bán nhà ở xã hội trung bình hiện nay đang ở mức từ hơn 15 triệu đồng/m2, có khu vực lên tới 21 - 25 triệu đồng/m2 hoặc cao hơn.

Mức giá này quá cao so với thu nhập của các đối tượng nằm trong diện ưu đãi, chỉ có thể phù hợp với những đối tượng có thu nhập từ mức trung bình trở lên.

Nhà ở xã hội dành cho ai?

Qua thống kê, tại Cần Thơ, trong giai đoạn 2010-2019 có trên 82.000 người thu nhập thấp ở khu vực đô thị khó khăn về nhà ở (đã loại trừ nhóm đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ về nhà ở).

Dự báo nhu cầu giai đoạn 2020-2030 có thêm 32.000 người thu nhập thấp ở khu vực đô thị có nhu cầu nhà ở, tương đương 900.000m2 sàn xây dựng nhà ở.

img

Người có thu nhập thấp chật vật tiếp cận nhà ở xã hội.

Theo quy định hiện nay, những người được mua nhà ở xã hội gồm nhiều đối tượng khác nhau, như: người có công với Cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức…

Và tất cả đều có điểm chung là gặp khó khăn về nhà ở.

Khi một dự án nhà ở xã hội được triển khai xây dựng và mở bán, người dân sẽ làm hồ sơ đăng ký mua nhà cho chủ đầu tư.

Hồ sơ này sau đó được Sở Xây dựng sẽ kiểm tra lại xem có đúng quy định và đối tượng hay không, trước khi xét duyệt.

Một cán bộ chuyên ngành Xây dựng tiết lộ với PV: “Với nhu cầu về nhà ở xã hội lên tới hàng chục ngàn người, trong khi chỉ có vài trăm căn hộ được mở bán, nên không thể đáp ứng nổi.

Từ đây đã dẫn đến chuyện phải tranh nhau để xí phần. Những người là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại trung tâm TP có điều kiện tìm hiểu, nắm bắt thông tin về dự án, đã tranh thủ nộp hồ sơ từ lúc dự án còn chưa đóng cọc.

Còn đối với những công nhân lao động, người nghèo… họ rất khó tiếp cận. Bởi đơn giản, khi họ hay tin và đến nộp hồ sơ thì dự án đã… bán sạch".

Về điều kiện, thì đối tượng nào cũng đạt, nhưng quan trọng là ai được xét duyệt?

img

Chung cư nhà ở xã hội An Phú ở phường Ba Láng, quận Cái Răng.

"Có người mua nhà vì nhu cầu bức xúc về nhà ở, nhưng phần lớn là mua để kinh doanh, bán lại nhằm hưởng lợi.

Bây giờ cứ vào khảo sát sẽ thấy, tại các khu nhà ở xã hội, có bao nhiêu người thu nhập thấp sinh sống?”, cán bộ này nói thêm.

PV đã khảo sát tại chung cư nhà ở xã hội An Phú (phường Ba Láng, quận Cái Răng) vừa hoàn thành đưa vào sử dụng. Thời điểm chung cư này còn đang xây dựng trong năm 2021, giá bán mỗi căn hộ chưa tới 1 tỷ đồng, nhưng giờ đã tăng cao.

Một nhân viên tư vấn cho biết: "Toàn bộ 100 căn hộ tại đây đã bán hết từ khi dự án còn chưa hoàn thiện. Người mua đa phần là cán bộ, công chức, ngân hàng… còn công nhân lao động thì… không nắm được.

Bây giờ muốn mua, chỉ có thể mua sang tay, với giá thấp nhất là 1,27 tỷ đồng/căn hộ 60m2, tương đương với hơn 21 triệu đồng/m2.

Người bán là đối tượng được xét duyệt mua nhà ở xã hội trước đây, giờ không có nhu cầu sử dụng nên họ chuyển nhượng lại”, nhân viên này cho hay.

Còn tại chung cư nhà ở xã hội Nam Long - Hồng Phát (cũng ở quận Cái Răng), một môi giới bất động sản cũng cho biết: “Chung cư đã bán sạch 187 căn hộ. Đây là nhà ở xã hội, nhưng chủ trước đã mua và ra giấy rồi bây giờ mình mua lại thì ra phòng công chứng sang tên bảo lưu, vẫn được giữ giấy đỏ.

Các căn hộ ở đây có thời hạn bàn giao là 5 năm, được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2020, như vậy, độ chừng khoảng 3 năm nữa là có thể sang tên giấy tờ nhà qua chính chủ”.

Khi được hỏi về giá, các “cò” cho biết: Một căn hộ 38m2 có giá 880 triệu đồng, tức là hơn 23 triệu đồng/m3.

Theo giải thích từ các chuyên gia, một doanh nghiệp sẽ phải mất khoảng 5 năm để hoàn thiện một dự án nhà ở xã hội, nên mức lợi nhuận tối đa hàng năm đối với dự án nhà ở xã hội chỉ khoảng 2%.

Mức lợi nhuận này đối với một dự án kinh doanh bất động sản là rất thấp.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp đã không mặn mà với các dự án nhà ở xã hội, dẫn đến nguồn cung khan hiếm, nên giá nhà trên thị trường không ngừng tăng…

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế ĐBSCL, cho rằng: "Cần phải khẳng định, chương trình nhà ở xã hội là một chính sách nhân văn và là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Qua đó, giúp người nghèo, công nhân lao động, những người nhập cư tại các đô thị lớn có chỗ ở…

Tuy nhiên, nói là nhà ở xã hội, có những hỗ trợ dành cho người thu nhập thấp, nhưng lại bán giá thị trường, ai có tiền thì mua. Vấn đề đặt ra là cần làm rõ như thế nào là người có thu nhập thấp?

Và điều này phải rõ ràng minh bạch, nếu không sẽ trở thành cơ hội bị lợi dụng để trục lợi.

Các địa phương cần rà soát lại các dự án để xem việc triển khai có đúng quy định hay không, đặc biệt là đến nay, đã có bao nhiêu người nghèo được giải quyết nhà ở?".

Trong giai đoạn 2020-2030, TP Cần Thơ có gần 130.000 công nhân, 20.000 cán bộ, công chức, viên chức, các chiến sĩ thuộc đơn vị lực lượng vũ trang có nhu cầu nhà ở.

Đó là chưa kể gần 70.000 sinh viên từ các địa phương đến sinh sống, học tập tại TP Cần Thơ và hàng ngàn hộ dân do bị giải tỏa bởi các dự án nhưng không đủ điều kiện để được hưởng chính sách tái định cư.

Theo chương trình phát triển nhà ở TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025 được UBND TP phê duyệt, ước tính đến năm 2030, tổng nhu cầu nhà ở của đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội trên địa bàn là 8,7 triệu m2 sàn.

Trong đó, nhu cầu nhà ở xã hội tính đến hết năm 2019 khoảng 3,9 triệu m2 sàn, giai đoạn 2021-2025 phát sinh thêm 2 triệu m2 sàn. Giai đoạn 2026-2030 dự kiến phát sinh thêm 2,7m2 sàn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.