Đường bộ

Cần Thơ: Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy 2 dự án giao thông trọng điểm

07/06/2023, 16:29

Ngày 7/6, tân Bí thư Thành ủy Cần Thơ có buổi làm việc nghe báo cáo những công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố.

Hiện có nhiều dự án giao thông trọng điểm đang triển khai trên địa bàn TP Cần Thơ như: đường Vành đai phía Tây, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, các dự án đường tỉnh...

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Hiếu khẳng định, nếu thực hiện tốt các công trình, dự án trọng điểm sẽ mở ra không gian phát triển mới cho thành phố. Vì vậy, cần phải tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các dự án.

img

Tân Bí thư Thành ủy Cần Thơ - Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại buổi làm việc

Bí thư Thành ủy Cần Thơ đặc biệt quan tâm công tác GPMB và tái định cư. Theo ông, các khu tái định cư phải làm tốt mới thuyết phục khi thực hiện công tác bồi thường GPMB.

"Phải xem các khu tái định cư này là cơ hội để chúng ta chỉnh trang đô thị. Chúng ta nâng cao chất lượng, hiện đại hóa các đô thị phát triển của Cần Thơ, mở ra không gian phát triển mới, khu tái định cư phải đồng bộ, hiện đại, phải hấp dẫn để người dân vào thay đổi cuộc sống", ông Hiếu nói.

Công tác chuẩn bị khởi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang làm tốt

Ông Lê Minh Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ - chủ đầu tư dự án thành phần 2 của dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cho biết, các địa phương đang làm rất tốt công tác GPMB, đảm bảo khởi công dự án thành phần vào ngày 17/6 (hoặc 18/6) tới đây.

img

Cột mốc GPMB cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nằm trong mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 và là một trong những dự án được Bộ GTVT xác định ưu tiên đầu tư.

Dự án cao tốc này có chiều dài hơn 188km, đi qua địa phận tỉnh An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Dự án được chia thành 4 dự án thành phần vận hành độc lập. Tổng mức đầu tư hơn 44.690 tỷ đồng.

Theo ông Cường, công tác GPMB hiện gặp khó khi vướng 3 đường dây điện cao thế 220kv bởi các bên chưa thống nhất phương án di dời.

"Chúng tôi đề nghị các địa phương khi GPMB thì ưu tiên người dân ở sát kênh rạch. Phải có mặt bằng sạch ở những khu vực này để phương tiện, thiết bị có thể vào thi công theo đường thủy", ông Cường nói.

Dự án thành phần 2 của cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có 4 gói thầu xây lắp. Chủ đầu tư đã trình thẩm định 2 gói thầu, 2 gói thầu còn lại cũng đã hoàn thành thiết kế thẩm tra.

Ông Nguyễn Trường Thọ, Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ cho biết, đến thời điểm này huyện đã đảm bảo tiến độ GPMB.

Trong tổng số 332 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án hiện đã hoàn thiện hồ sơ, thông qua hội đồng 257 trường hợp.

"Dự kiến ngày 15/6 tỷ lệ mặt bằng sẽ giao là 59,5%, đạt tiến độ trên 50%. Chúng tôi có kế hoạch cụ thể và đang thực hiện khá tốt mới đảm bảo tiến độ này", ông Thọ nói.

img

Khu vực cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ đi qua

Theo ông Thọ, đến ngày 30/6, tỷ lệ giao mặt bằng sẽ tương đương 75% và hết tháng 10 sẽ giao hết mặt bằng.

Hiện, UBND huyện Cờ Đỏ đang phối hợp với chủ đầu tư chuẩn bị tốt cho lễ khởi công dự án, tiến độ đang đảm bảo.

Các trường hợp nhà cửa, hạ tầng chưa đến thời điểm chi tiền nhưng huyện đã vận động để có mặt bằng làm lễ khởi công dự án. Công tác di dời nhà cửa đảm bảo trước ngày 12/6 và có thể sớm hơn để chuẩn bị cho điểm khởi công. Đây cũng là cách để huyện tuyên truyền vận động các hộ tiếp theo giao mặt bằng.

Dự án thành phần 2 thuộc địa bàn TP Cần Thơ có chiều dài hơn 37km, tổng mức đầu tư khoảng 9.800 tỷ đồng.

"Công tác giải phóng mặt bằng cũng có một số khó khăn. Huyện cố gắng làm hết trách nhiệm, khó lắm thì báo cáo thành phố, việc nào giải quyết được phải quyết đoán làm triệt để. Khi huyện bàn giao mặt bằng phải đảm bảo nhà thầu thi công được", Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ trình bày.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ hoan nghênh tinh thần làm việc của huyện Cờ Đỏ. Qua đó, đề nghị chủ đầu tư khen thưởng và cho biết cá nhân ông cũng sẽ có khen thưởng nếu đúng tinh thần đến ngày 30/6 đơn vị nào giao vượt 70% mặt bằng.

Đường Vành đai phía Tây cần thêm 200 tỷ đồng để GPMB

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ cho biết, dự án đường Vành đai phía Tây do Sở làm chủ đầu tư đang tập trung GPMB cho 4 gói thầu thi công, trong đó có ưu tiên một số đoạn. Ông Dũng đề nghị các địa phương nơi dự án đi qua hỗ trợ để sớm có mặt bằng.

img

Công trường dự án đường Vành đai phía Tây ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ

Theo tính toán của Sở GTVT, từ đây đến cuối năm dự án cần thêm khoảng 200 tỷ đồng nữa để tập trung GPMB các đoạn ưu tiên cho 4 gói thầu. Sở GTVT mong rằng Sở KH&ĐT xem xét cân đối trình UBND TP, HĐND bố trí thêm số vốn này. Như vậy sẽ cơ bản giải quyết 80% mặt bằng các đoạn tuyến 4 gói thầu.

Về tổng mức đầu tư, theo chỉ đạo của TP, Sở đang tính toán lại chi phí GPMB, khi có chi phí cụ thể sẽ báo cáo để xem xét bổ sung thêm vốn”.

Đường Vành đai phía Tây có tổng mức đầu tư 3.837 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư khoảng 829 tỷ đồng. Trên chiều dài toàn tuyến hơn 19km, hiện đang triển khai 4/7 gói thầu xây lắp.

Về công tác GPMB, đo đạc, kiểm đếm nhà, vật kiến trúc đạt 98,3%, đã phê duyệt chi phí bồi thường cho 504 trường hợp, đạt 40% với số tiền 779 tỷ đồng. Địa phương đã chi trả cho 455 trường hợp, đạt tỷ lệ 35,86%.

Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, hiện đã lập hồ sơ đường dây điện trung áp, hạ áp. Các hệ thống cấp thoát nước đã hoàn tất công tác thiết kế, khảo sát lập phương án di dời. Còn đường dây điện 220kv ở các địa phương hiện chưa có nhà thầu để lập hồ sơ, đang chờ thành phố họp với ngành điện lực để chốt phương án.

Về công tác giải ngân, trong năm 2023, địa phương đã bố trí được 575 tỷ đồng, hiện đã giải ngân 299 tỷ đồng, đạt 52,11%.

Dự án đường Vành đai phía Tây khởi công ngày 17/11/2022. Thời điểm đó đã bàn giao được 30% mặt bằng cho đơn vị thi công.

Dự án có chiều dài hơn 19km với 24 cây cầu. Sở GTVT TP Cần Thơ làm chủ đầu tư với tổng mức vốn hơn 3.837 tỷ đồng. Trung ương hỗ trợ 2.000 tỷ đồng, còn lại địa phương cân đối. Thời gian thi công hoàn thành trong năm 2026.

Dự án đi qua 5 quận huyện gồm: Ô Môn, Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng và Phong Điền, khi hoàn thành sẽ kết nối QL91 và QL61C.

Mặt cắt ngang đầu tư 2 đơn nguyên, mỗi bên 16,5m (trong đó phần mặt đường 11m), vận tốc thiết kế từ 50-60 km/giờ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.