Hạ tầng

Cần Thơ ủng hộ các dự án BOT giao thông

22/03/2017, 07:23

Đoàn giám sát của Quốc hội do ông Nguyễn Đức Kiên làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP Cần Thơ...

14

Đại diện Bộ GTVT báo cáo với Đoàn giám sát về dự án BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp

Sáng 21/3, Đoàn giám sát của Quốc hội do ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP Cần Thơ về việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.

Theo ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, địa phương đã quan tâm kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, tuy nhiên chính sách ưu đãi và nguồn vốn đối ứng các dự án hợp tác công - tư (PPP) chưa hấp dẫn các nhà đầu tư nên vẫn trông chờ nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước hàng năm. “Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung, với đặc thù nền đất yếu, hệ thống sông ngòi chằng chịt nên chi phí đầu tư cho hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường bộ rất tốn kém, gây khó khăn trong việc mời gọi đầu tư”, ông Đào Anh Dũng nói và cho biết, lãnh đạo và người dân địa phương rất ủng hộ hai dự án BOT trên địa bàn là Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL91 và Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, sau 5 năm thực hiện các dự án BOT, Bộ GTVT chỉ ra những cái làm được và chưa được để tổng kết báo cáo Thủ tướng và Quốc hội. “Một năm nay Bộ GTVT không cấp mới dự án BOT nào mà dừng lại để xem xét, rà soát các luật và thủ tục nhằm đảm bảo thực hiện đúng chính sách, pháp luật, để phục vụ xã hội, người dân tốt hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật phát biểu.

Thứ trưởng Nhật thông tin thêm, hiện Bộ đang quản lý 74 trạm thu phí BOT. Đối với một số trạm gây bức xúc, như trạm T1, T2, khoảng cách ngắn trên QL91, Bộ GTVT sẽ có hướng xử lý hợp lý. Riêng bất hợp lý tại trạm T2 mà Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang phản ánh, tháng 10/2017 sẽ khởi công dự án tuyến tránh TP Long Xuyên. Khi hoàn thành (năm 2019), các xe không sử dụng đoạn đường đó nữa. “Rất cảm ơn báo chí đã góp ý cho Bộ GTVT. Sau cuộc giám sát, kiểm tra này, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ, Quốc hội sửa, điều chỉnh một số chính sách để thu hút nhà đầu tư”, Thứ trưởng Nhật nói.

Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết, khi đoàn giám sát tiếp xúc trực tiếp với người dân, đa số người dân đều ủng hộ và khẳng định sự cần thiết thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL91 và Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1 đoạn Cần Thơ – Phụng Hiệp, giúp đời sống người dân được cải thiện.

“Cuộc sống người dân sau chính sách GPMB được ổn định và tốt hơn. Ngoài ra, còn giúp họ đi được bằng “hai chân”, vừa làm dịch vụ, vừa làm nghề nông. Từ đó, cho thấy sự phối hợp giữa Bộ GTVT, nhà đầu tư và chính quyền địa phương trong công tác GPMB, vận động nhân dân di dời đảm bảo cho dự án rất tốt”, ông Kiên nói.

Theo ông Kiên, thành công của Cần Thơ là chọn được những công trình dự án có tác động KT-XH đối với địa phương, phù hợp với quy hoạch phát triển của thành phố cũng như các tỉnh lân cận. Cụ thể, nếu chỉ làm dự án QL91 mà không làm dự án 91B (nối trung tâm TP Cần Thơ lên quận Ô Môn qua QL91 – PV) thì toàn bộ xe sẽ đi vào thành phố, ảnh hưởng đến đời sống người dân”, ông Kiên đánh giá.

Tuy nhiên, ông Kiên cũng lưu ý, việc quản lý, khai thác dự án vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, Sở GTVT Cần Thơ còn yếu trong việc phối hợp với chính quyền các quận có dự án BOT đi qua. Khi có tình trạng xe né trạm chưa kịp thời cắm biển hạn chế tải trọng, phối hợp công an, gây thất thoát tài sản cho địa phương và bức xúc cho người dân, giảm khả năng thu hút đầu tư…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.