Chuyện dọc đường

Cần tinh thần Đoàn Ngọc Hải trong hạn chế xe cá nhân

20/04/2017, 07:00

Chỉ riêng quyết tâm của từng địa phương liệu có thể thực hiện được chủ trương này?

9

Việc phát triển vận tải hành khách công cộng gắn với lộ trình hạn chế xe cá nhân

Hạn chế xe cá nhân, phát triển vận tải hành khách công cộng là việc mà các nước tiên tiến trên thế giới đã làm để có những đô thị văn minh. Ở các đô thị lớn của Việt Nam, việc hạn chế xe cá nhân là điều tất yếu và đã được đặt ra.

Tuy nhiên, lâu nay mỗi lần đưa ra vấn đề này, dư luận lại sôi sục vì đụng chạm nhiều vấn đề, nhiều đối tượng.

Bất cứ ai sống ở hai thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM cũng đều cảm thấy “oải” mỗi khi ra đường vì nạn ùn tắc, kẹt xe. Những người đi xe máy càng mệt mỏi hơn vì phải hứng chịu khói bụi, nắng mưa. Thế nhưng, khi nói đến chuyện hạn chế xe cá nhân, cấm xe máy, vẫn còn nhiều người phản đối. Với họ xe máy như đã ăn vào máu, bởi quá thuận tiện trong cuộc sống.

Một lãnh đạo ngành GTVT TP.HCM từng nêu ý tưởng cho phép ô tô lưu thông theo ngày chẵn, lẻ để giảm ùn tắc. Mặc dù, chỉ mới là ý kiến cá nhân nhưng khi đưa ra đã hứng không ít “gạch, đá” của dư luận, từ đó không ai dám nêu ý tưởng này nữa. Rồi đề án thu phí ô tô vào trung tâm cũng đưa đến nhiều luồng ý kiến trái chiều. Mới đây, có ý tưởng đề xuất cấm ô tô biển số trắng lưu thông giờ cao điểm cũng tiếp tục hứng “đá”.

Dẫn lời của nguyên Thủ tướng Anh Tony Blair khi nói: “Cải cách mà không có chống đối là cải cách kém”, TS. Lương Hoài Nam cho rằng, việc nhiều luồng ý kiến trái chiều với chủ trương hạn chế xe cá nhân, cấm xe máy là điều dễ hiểu. Nhưng quan trọng mục tiêu của cải cách phải đi đến một điều tốt đẹp hơn.

Dẫn chứng về việc lập đường riêng cho xe buýt BRT tại Hà Nội, ban đầu nhiều người cho rằng rất khó khả thi nhưng với sự quyết liệt của lãnh đạo TP Hà Nội, đến nay tuyến BRT đầu tiên đã phần nào phát huy tác dụng. Hay như chuyện giành lại vỉa hè ở quận 1, TP.HCM lúc đầu nhiều người cũng nghĩ khó thực hiện bởi chuyện chiếm vỉa hè buôn bán đã ăn sâu trong người dân. Thế nhưng, với quyết tâm của lãnh đạo quận 1, cụ thể là ông Đoàn Ngọc Hải cuộc chiến giành lại vỉa hè không chỉ hiệu quả ở quận 1 mà còn lan ra cả nước.

Rất nhiều cuộc hội thảo được tổ chức, các giải pháp hạn chế xe cá nhân cũng được bàn. Nhưng theo TS. Lương Hoài Nam, nếu cứ bàn hoài sẽ không đi đến ngày kết. Chẳng hạn, việc cấm xe máy, không thể đặt ra lập luận phải phát triển vận tải công cộng rồi mới cấm xe máy hay cấm xe máy rồi mới phát triển vận tải công cộng. Phải đặt ra một mốc thời gian cụ thể, 10 năm, 15 năm đến ngày nào sẽ cấm xe máy. Khoảng thời gian đó, người dân đã có sự chuẩn bị, hạ tầng cũng đã được đầu tư, lúc đó lãnh đạo thành phố phải quyết đoán thực hiện.

Phải chăng, chúng ta cần thêm một Đoàn Ngọc Hải khác trong “cuộc chiến” hạn chế xe cá nhân để chống ùn tắc và bảo đảm trật tự ATGT. Tất nhiên, vấn đề này phải thuộc tầm quyết định của các cấp chính quyền Nhà nước từ TP đến T.Ư, chứ chỉ riêng ngành Giao thông thành phố sẽ không quyết nổi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.