Giao thông

Cần tới 300 nghìn tỷ đồng bảo trì hệ thống quốc lộ

19/10/2018, 06:00

Đây là con số được Tổng cục Đường bộ VN đưa ra tại cuộc họp về đề án xác định nhu cầu vốn...

1

Sửa chữa quốc lộ 1A cũ đoạn qua Ninh Bình bằng vốn bảo trì đường bộ - Ảnh: Tạ Tôn

Theo đó, trong 10 năm tới (2019 - 2030), nhu cầu vốn dành cho công tác này lên tới gần 300 nghìn tỷ đồng.

Mới đáp ứng trên 30% nhu cầu

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, sau 6 năm thành lập Quỹ Bảo trì đường bộ, nguồn vốn từ Quỹ dành cho công tác bảo trì đường bộ dù được cải thiện, năm 2018 nguồn thu cho Quỹ thu trên 10 nghìn tỷ đồng, nhưng cũng mới đáp ứng được trên 30% nhu cầu. Tính đến năm 2018, còn tới hơn 16 nghìn km, bằng 66% tổng chiều dài mạng lưới quốc lộ đã quá thời gian sửa chữa định kỳ. Trong đó có trên 10.500 km đã quá thời hạn trung tu và trên 5.500 km quá thời kỳ đại tu do thiếu nguồn vốn.

Liên quan đến việc xác định nhu cầu vốn quản lý, bảo trì quốc lộ đến năm 2030, ông Huyện cho biết, căn cứ vào khối lượng, đơn giá và trượt giá, nhu cầu vốn dành cho công tác bảo trì đường bộ giai đoạn 2019 - 2030 theo phương án cơ sở là gần 300.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2019, nhu cầu cần đến trên 49.000 tỷ đồng.

"Ngoài việc đề án phải nhấn mạnh tầm quan trọng, đánh giá sát thực tiễn, phải đưa ra nhiều giải pháp để cải tiến công tác bảo trì đường bộ từ hiện đại hóa máy móc thiết bị, tổ chức đấu thầu, thi công và có giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật để huy động thêm nguồn vốn cho bảo trì đường bộ."

Bộ trưởng Bộ GTVT
Nguyễn Văn Thể

“Việc xác định nhu cầu vốn được tính toán khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế và các quy định pháp luật; đảm bảo tính đúng, đơn giá vật liệu, nhân công, máy được tính toán cho từng loại địa hình đồng bằng, trung du, miền núi, tổng hợp từ giá vật liệu, nhân công, máy trung bình các tỉnh trong vùng”, ông Huyện nói và đề xuất: “Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, để đảm bảo tính khả thi trong bố trí vốn, cần xem xét phương án điều hoà nhu cầu vốn, đảm bảo vừa đáp ứng việc bảo trì quốc lộ theo chu kỳ, vừa khả thi trong bố trí ngân sách hàng năm”.

Ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) cũng cho rằng, riêng năm 2019 theo tính toán của Tổng cục Đường bộ nhu cầu cần 49 nghìn tỷ đồng. Ngân sách sẽ không thể đáp ứng được con số này vì ngân sách năm 2019 đã trình Quốc hội và được phê duyệt.

“Cần có kịch bản cụ thể, tính toán được số tiền thiệt hại, nếu không được cấp tiền kịp thời. Khi không được cấp kinh phí với con số như đề nghị thì lãng phí Nhà nước phải bỏ ra sẽ như thế nào và các năm sau sẽ tăng thêm bao nhiêu tiền so với phương án 49 nghìn tỷ đưa ra”, ông Quốc đề xuất.

Về nguồn vốn, ông Quốc cho rằng, đề án chỉ xác định là lấy từ nguồn ngân sách, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp sẽ rất khó thực hiện. “Trước đây, Bộ GTVT đã giao Văn phòng Quỹ xây dựng đề án tăng thu cho quỹ bảo trì đường bộ từ việc cho thuê kết cấu hạ tầng, có thể bổ sung vào đề án”, ông Quốc nói thêm.

Đồng tình quan điểm này, ông Lê Hoàng Minh, Chánh văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương đề xuất, cần điều chỉnh lại thời gian thực hiện đề án theo nhiệm kỳ Quốc hội là 2021 - 2030 để thuận tiện trong bố trí vốn. Về giải pháp vốn, ông Minh cho biết, đề án chỉ dừng lại kiến nghị Nhà nước cấp thêm tiền.

“Quỹ đã nghiên cứu có nhiều giải pháp để tăng thêm vốn như tăng thu phí cho các nhà mạng, bưu điện, điện lực thuê kết cấu hạ tầng giao thông và thu phí đấu nối vào quốc lộ. Một giải pháp không tốn nhiều nhưng giảm được tiền phải bỏ ra là làm tốt các giải pháp bảo trì như xử lý mái taluy tốt, khi xảy ra thiên tai sẽ không bị tổn thất lớn. Ngoài ra, một giải pháp là bảo trì đường bộ theo chất lượng thực hiện, gom sửa chữa thường xuyên và định kỳ chung một gói thầu và đấu thầu trong 5 năm”, ông Minh kiến nghị.

2

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể  yêu cầu đề án Xác định nhu cầu vốn bảo trì quốc lộ đến năm 2030 phải đánh giá lại đúng thực trạng, sát thực tế để báo cáo Chính phủ, Quốc hội

Đánh giá đúng thực trạng

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, đề án sẽ giúp xã hội hiểu rõ hơn về thực trạng công tác bào trì đường bộ, từ đây mới nâng được tỷ trọng vốn dành thay vì chỉ tăng được 5-10% mỗi năm như hiện nay. Tuy nhiên, Thứ trưởng Thọ cho rằng, đề án mới chỉ thống kê số lượng mà chưa đánh giá chất lượng mặt đường.

“Cần phải đánh giá chất lượng mặt đường theo khu vực và phải đưa quy trình bảo trì đường bộ vào đề án để thấy rõ nhu cầu nguồn vốn. Bên cạnh đó, phải nêu rõ hành lang pháp lý để xác định rõ nguồn vốn dành cho bảo trì. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ như ứng dụng phần mềm quản lý đường bộ để lập kế hoạch chính xác, giảm thành lập các đoàn đi lập kế hoạch bảo trì hàng năm”, Thứ trưởng yêu cầu.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu, đề án phải đánh giá lại đúng thực trạng, sát thực tế công tác bảo trì đường bộ để báo cáo Chính phủ, Quốc hội. Trên tổng số 24 nghìn km quốc lộ phải chia nhỏ các khu vực như: vùng núi Tây Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ… thống kê rõ diện tích, dân số, có bao nhiêu km quốc lộ và tình trạng hư hỏng của quốc lộ tại từng khu vực.

“Cần đánh giá sự cần thiết của bảo trì đường bộ, tổng số trên 24.000 km đường quốc lộ hiện nay giá trị bao nhiêu triệu tỷ đồng. Tài sản hàng triệu tỷ đó đang xuống cấp thế nào, trong khi mỗi năm số tiền dành cho bảo trì rất ít ỏi, chỉ chiếm 1% tổng giá trị tài sản đường bộ, để thấy được số tiền bỏ ra duy trì quá thấp so với giá trị tài sản đang quản lý và số km đường đang tăng nhanh hàng năm”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Về tiêu chí tính toán đơn giá, định mức bảo trì đường bộ, Bộ trưởng yêu cầu cần rà soát lại, trong đó phải có sự tham khảo các nước trong khu vực có điều kiện tương đồng Việt Nam để có con số tổng quan, con số rõ ràng về cách tính thời gian trung tu, đại tu đường phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng cần phải tính toán được khấu hao xe trong điều kiện đường hư hỏng để đưa vào đề án chứng minh tầm quan trọng của đề án.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu tính toán lại nhu cầu vốn bảo trì cho năm 2019 với con số 49 nghìn tỷ đồng. Con số này đưa ra chứng minh với thực trạng đường hiện nay để thực hiện đúng quy trình năm đầu tiên phải cần đến số tiền này, nếu không hậu quả sẽ cao hơn. Con số này phải tính toán hàng năm, cụ thể từng tuyến đường về thực trạng hư hỏng và tình hình sửa chữa. Để tính toán được, cần lấy chỉ số CPI làm chuẩn, tính toán hệ số trượt giá theo từng năm, để có được con số chính xác từng năm dành cho bảo trì.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.