Bất động sản

Cẩn trọng khi "ôm" đất ven hồ bằng giấy viết tay

30/04/2022, 21:55

Đất ven ao, hồ nông thôn được "săn lùng" với ý tưởng xây biệt thự nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo rủi ro "tiền mất, tật mang".

Giao dịch giấy viết tay, giá vẫn tăng chóng mặt

Khảo sát của PV Báo Giao thông cho thấy, đất ven mặt hồ Đồng Đò (Sóc Sơn, Hà Nội), cách đây hơn 1 năm giá 5-7 triệu đồng/m2, nhưng nay được đẩy lên 10 - 20 triệu đồng/m2, tuỳ từng vị trí.

Tương tự, đất trên núi nhìn xuống hồ Đồng Đò trước đây có giá 2 - 5 triệu đồng/m2, hiện cũng được chào bán lên từ 7 đến hơn 10 triệu đồng/m2. Những vị bán kính 100m2 xung quanh hồ Đồng Đò cũng khoảng 1,8 - 3 triệu đồng/m2, tăng gấp đôi đầu năm ngoái.

img

Công trình xây dựng vi phạm ven hồ Đồng Đò (Sóc Sơn)

Hay như khu vực hồ Cố Đụng (Thạch Thất, Hà Nội), giá đất ven hồ cũng tăng chóng mặt. Đơn cử, 1 lô đất 1.000 m2 mặt hồ, giá hồi năm 2019 là 1,5 triệu đồng/m2. Đến cuối năm 2021, giá đã tăng lên 7 triệu đồng/m2 và đến đầu năm 2022 là 8 - 9 triệu đồng/m2.

Không chỉ riêng tại Hà Nội, những địa phương lân cận cũng diễn ra tình trạng tương tự.

Ghi nhận đất ven hồ Đồng Chanh (huyện Lương Sơn), đầu năm 2021 có giá khoảng 2 -3 triệu đồng/m2, đến cuối năm 2021, giá đã tăng lên 4 - 5 triệu đồng/m2. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, mức giá giao dịch là 8,5 - 10 triệu đồng/m2, tăng gấp ba đến bốn lần so với hơn 1 năm trước.

Đáng nói, phần lớn diện tích đất ven hồ đều là đất nông nghiệp, những hộ dân và khách hàng đến mua đất sử dụng đều thông qua hình thức viết tay.

Anh Nguyễn Trọng Minh (Đống Đa) cho biết, anh sinh ra và lớn lên trên địa bàn quận Đống Đa. Cuộc sống đô thị ngày càng ngột ngạt, hàng ngày sống trong cảnh kẹt xe, khói bụi nên anh quyết định mua thêm đất khu vực Hồ Cố Đụng để xây nhà, nghỉ ngơi và có không gian cho trẻ chơi dịp rảnh rỗi hay cuối tuần.

"Không cần nói thì ai cũng biết cuộc sống Hà Nội như thế nào. Mỗi ngày đều cuốn theo guồng công việc khiến mình cảm thấy căng thẳng. Cuộc sống ở nông thôn nhẹ nhàng, chậm rãi hơn. Ngày cuối tuần về đây nghỉ ngơi cũng là để tái tạo sức lao động, giảm căng thẳng mệt mỏi".

Anh Minh cũng thừa nhận, hơn 2.000m2 đất anh đang sử dụng đều là đất nông nghiệp. Anh nhận chuyển nhượng bằng hình thức viết tay từ các hộ dân mà không thông qua chính quyền địa phương. Bởi anh xác định cũng không sở hữu vĩnh viễn, khi nào cần tiền hoặc có lãi sẽ lại chuyển nhượng cho người khác.

Cẩn trọng "tiền mất, tật mang"

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, thời gian qua, khi xảy ra những cơn sốt đất, ở nhiều địa phương, xuất hiện hiện tượng rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như: Đất rừng, đất ruộng, vườn... Nhiều môi giới, thậm chí là người dân đã tự phát rao bán đất rừng, đất vườn có sổ đỏ hoặc không sổ đỏ.

Trước đó, thống kê cho thấy, đến đầu tháng 6/2021, trên địa bàn thành phố Hà Nội tồn tại 13.025 vụ vi phạm công trình thủy lợi. Riêng năm 2021 đã phát sinh 158 vụ vi phạm công trình thủy lợi.

4 tháng đầu năm 2021, trên hồ Đồng Đò, Sóc Sơn xảy ra 27 vụ vi phạm, một số vi phạm có thể kể đến: Trường hợp của bà Lê Thị Lan Hương (Khu biệt phủ Hoàng Lê Gia Garden) đổ đất với diện tích lên đến 600m2, ông Trần Huy Hùng xây dựng tường bao với diện tích 40m2, ông Trần Ngọc Hà đã tự ý đổ đất, san lấp hồ Đồng Quan với diện tích hơn 1.800m2...

Nhiều mảnh đất rừng ăn theo "sốt đất" cũng tăng giá để bẫy những nhà đầu tư non kinh nghiệm. Việc rao bán đất rừng tràn lan dẫn đến rất nhiều hệ lụy như sốt đất ảo, xây dựng trái phép, lừa đảo người dân khiến thị trường phát triển thiếu bền vững.

Do đó, ông Đính cũng khuyến cáo, những khách hàng mua đất ven sông, hồ cần hết sức thận trọng, cần tìm hiểu kỹ pháp lý. Bởi đất khu vực này chỉ được làm các công trình tạm, không được phép xây kiên cố. Việc mua bán cũng chủ yếu là giấy viết tay và vi bằng, vì vậy, người mua có thể sẽ phải chịu rủi ro khiến "tiền mất, tật mang".

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) làm rõ thêm, theo quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014, điều kiện để bất động sản được đưa vào kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện: Có đăng ký quyền sở hữu nhà trong giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất; không có tranh chấp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.

Còn đối với đất, có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; không có tranh chấp về quyền sử dụng đất; quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án và trong thời hạn sử dụng đất.

Do đó, mua nhà đất bằng giấy viết tay sẽ dễ xảy ra những rủi ro như: Không được tòa án công nhận hiệu lực của hợp đồng; Khó xác minh được nguồn gốc của đất, không thể thế chấp ngân hàng.Và chắc chắn, khi xây dựng trái phép, tự ý chuyển đổi mục đích trái phép sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.