Chuyện dọc đường

Nhiều người vi phạm hả hê khi "cãi thắng" CSGT

11/03/2019, 08:37

Có không ít vụ vi phạm giao thông mà việc đôi co giữa lực lượng thực thi công vụ và người vi phạm đã để lại những hình ảnh rất không hay.

img
Đội CSGT số 15 xử phạt vi phạm trên đường Võ Nguyên Giáp - Nội Bài

Lâu nay, đã có không ít vụ vi phạm giao thông mà việc đôi co giữa lực lượng thực thi công vụ và người vi phạm đã để lại những hình ảnh rất không hay, thể hiện việc thiếu tinh thần thượng tôn pháp luật.

Chẳng hạn người vi phạm cố tình dí camera vào mặt lực lượng chức năng và có những lời lẽ không hay thì bản thân người vi phạm cũng chưa hiểu luật. Trong khi đó, ở nước ngoài hầu như không có chuyện này. Ở nước ngoài ít khi lái xe đôi co, cãi vã với CSGT như ở Việt Nam. Khi phương tiện giao thông vi phạm, CSGT dán trát phạt, lái xe phải có trách nhiệm thực thi án phạt đó. Khi lái xe không đồng tình, họ có quyền làm đơn khởi kiện hành chính ra tòa.

Còn ở Việt Nam, có lẽ do tâm lý e ngại “con kiến kiện củ khoai” nên rất ít người sử dụng đến quyền khởi kiện các quyết định hành chính khi họ thấy rằng các quyết định đó sai.

Có một điều nữa là nếu không đồng ý với quyết định xử phạt thì người vi phạm vẫn có thể ghi vào biên bản với nội dung “không đồng ý với quyết định xử phạt” nhưng ít khi thấy mọi người thực hiện điều này.
Ở đây cần phải nói rằng, khi ra quyết định xử phạt thì người ra quyết định chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Nếu ra quyết định sai, họ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vì họ đang là đại diện cho Nhà nước thực thi công vụ. Còn người dân cảm thấy quyết định sai thì có thể ghi vào biên bản hoặc kiện ra tòa.

Cũng đã có ý kiến đề xuất sửa quy định hiện tại theo hướng người thực thi công vụ không phải chứng minh hành vi vi phạm. Cơ sở của đề xuất này là mong muốn việc xử phạt nghiêm với các hành vi vi phạm về trật tự ATGT sẽ là động lực để thay đổi hành vi của người tham gia giao thông.

Tất nhiên, việc này là không đơn giản, bởi hiện nay trong chính sách pháp luật về hành chính cũng như hình sự, trách nhiệm chứng minh thuộc về người xử phạt, còn về dân sự thì trách nhiệm này thuộc về người khởi kiện. Nếu muốn sửa nội dung đó trong luật, chắc chắn các cơ quan hữu quan phải báo cáo ra Quốc hội.

Tuy nhiên, dù gì đi nữa thì tất cả mọi vấn đề trong xã hội đều phải tuân thủ theo quy định pháp luật. Khi vi phạm đã rõ ràng, nhất là những vi phạm quả tang thì người vi phạm không thể cãi cùn, đôi co với lực lượng thực thi nhiệm vụ. Đó sẽ là hình ảnh rất xấu thể hiện sự thiếu ý thức tự giác tuân thủ pháp luật. Ngược lại, cũng cần có công cụ giám sát hiệu quả để lực lượng thực thi công vụ làm đúng pháp luật, hạn chế tiêu cực.

Việc tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm của cơ quan chức năng đó là việc công khai và thông qua việc xử phạt để tuyên truyền cho mọi người dân, người tham gia giao thông hiểu luật và người dân được quyền giám sát các hoạt động này. Còn những hành vi dí camera vào mặt cảnh sát là hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Có cảm giác, không ít người tham gia giao thông hiện nay vẫn có tâm lý đặt mình ở phía đối lập với luật pháp chứ không coi luật pháp là phương tiện để bảo vệ bản thân. Và khi họ “cãi thắng” CSGT nếu bị dừng xe kiểm tra, họ cảm thấy hả hê, dù bản thân có vi phạm, dù hành vi ấy nguy hiểm có thể tước đi mạng sống của họ. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến vi phạm giao thông diễn ra tràn lan. Mặc dù số lượng các vi phạm được phát hiện qua công tác tuần tra kiểm soát khá lớn nhưng vẫn chưa phản ánh đúng thực trạng hiện nay.

Đại tá Trần Sơn - Nguyên Phó phòng hướng dẫn luật, điều tra và giải quyết TNGT, Cục CSGT, Bộ Công an

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.