Doanh nghiệp

Cần yêu cầu người Việt có tên trong “Tài liệu Panama” giải trình

16/05/2016, 08:23

Cơ quan chức năng Việt Nam vào cuộc vụ “Tài liệu Panama”, song cần yêu cầu tổ chức, cá nhân có tên giải trình.

12
Ông Nguyễn Duy Hưng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo và bà Đàm Bích Thủy (từ trái qua phải) là những người có tên trong "Tài liệu Panama" đều khẳng định là do liên quan đến các hoạt động đầu tư hợp pháp của doanh nghiệp đã hoặc đang quản lý

Mặc dù các cơ quan chức năng của Việt Nam đã vào cuộc vụ “Tài liệu Panama”, song theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty luật Basico, sẽ không dễ phát hiện vi phạm bởi các công cụ, kỹ thuật quản lý giao dịch của chúng ta hiện nay còn rất thô sơ, thủ công và yếu kém.

Đời thuở nào giao dịch cả nghìn tỷ tiền mặt vẫn hợp pháp

Ông nhận xét thế nào về phản ứng của một số cá nhân, doanh nghiệp khi có tên trong “Tài liệu Panama”?

Ngay sau khi “Tài liệu Panama” xuất hiện thông tin liên quan đến Việt Nam, một số doanh nhân đã ngay lập tức lên tiếng với thông điệp, việc họ xuất hiện trong tài liệu này không đồng nghĩa có vi phạm. Tôi cho rằng, kết luận đúng, sai thuộc thẩm quyền của các cơ quan có trách nhiệm, song phản ứng của các cá nhân này là chủ động, tích cực.

Vậy với những trường hợp “im hơi lặng tiếng” thì sao, thưa ông?

Những người lên tiếng đều làm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán - có tính đại chúng cao nên ít nhiều đã có kinh nghiệm trong công bố thông tin liên quan. Bản thân các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng có trách nhiệm phải giám sát, báo cáo các giao dịch đáng ngờ theo quy định nên việc xử lý thông tin như vậy cũng là dễ hiểu.

"Tài liệu Panama” có thể coi là lần đầu được phát hiện ở khía cạnh quy mô quá lớn, phạm vi toàn cầu. Còn thực tế, chọn “thiên đường” né thuế không hiếm. Bản thân một số nước cũng coi Việt Nam là một “thiên đường” đầu tư trên nhiều khía cạnh. Ngoài vấn đề được ưu đãi nhiều sắc thuế, phí, nhân công rẻ… thì việc kiểm soát giao dịch lỏng lẻo cũng giúp các nhà đầu tư vào Việt Nam dễ dàng lách, né thuế. Đơn cử như Luật Phòng, chống rửa tiền đã ra đời hàng chục năm, nhưng đến nay, chúng ta chưa phát hiện, xử lý công khai bất cứ tổ chức, cá nhân nào vi phạm". 

Song cũng không nên vì vậy mà suy đoán, những người có tên trong "Tài liệu Panama" mà không chủ động lên tiếng là “có vấn đề”, bởi họ có quyền phản ứng hay không phản ứng. Nhưng cơ quan chức năng nên yêu cầu những người này giải trình vì sao xuất hiện trong hồ sơ trên, thông tin đó có thật không, xuất hiện với tư cách gì, có vi phạm pháp luật không... và phải rà soát xem đúng sai thế nào.

Chúng ta vẫn còn tồn tại tâm lý “buôn gian bán lận” nên khi DN nào có tên trong những “Tài liệu Panama” như thế này càng dễ suy đoán kiểu gì cũng vi phạm. Vậy làm thế nào thay đổi định kiến này?

Muốn thay đổi định kiến, trước hết, pháp luật phải công khai minh bạch. Không nên để tình trạng, đất nước không biết ai nộp nhiều thuế, ai giàu, ai có nhà, ai có xe, ai có tài sản... Hiện nhiều thông tin kiểu như vậy đang là bí mật. Bản thân những tài liệu như thế này cũng là bí mật, ngay cả thông tin của khách hàng đi siêu thị cũng là bí mật, chỉ khi có dấu hiệu phạm pháp, nghi ngờ mới phanh phui thôi.

Mặt khác, có nhiều vấn đề, pháp luật rõ ràng quy định đã có nhưng gần như vẫn bị buông lỏng. Đời thuở nào, ở nước ta hiện nay, những giao dịch nghìn tỷ đồng, như đi mua xe 50 tỷ đồng, mua sim điện thoại 10 tỷ đồng, hay biệt thự nghìn tỷ đồng dùng tiền mặt vẫn hợp pháp. Thế thì làm sao quản lý được. Trong khi, nếu giao dịch qua tài khoản thì cả trăm năm sau vẫn có thể lôi ra được. Như vậy, cái cần công khai như thuế, tài sản… chúng ta coi là bí mật, trong khi cái cần quản là giao dịch qua tài khoản chúng ta vẫn buông.

13

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty luật Basico

Khó điều tra vì công cụ, kỹ thuật quản lý thủ công, yếu kém

Để kết luận phải có chứng cứ pháp lý, có kết quả điều tra. Dư luận hiện vẫn cho rằng, lách thuế là trốn thuế có đúng không, thưa ông?

Mọi người có xu hướng cho rằng lách luật, lách thuế là trốn thuế nhưng không phải. Như Metro, Coca… họ đã tính chán rồi. Pháp luật có sơ hở họ mới làm. Tất nhiên, điều này chúng ta không khuyến khích, không khen ngợi nhưng không cấm người ta được thì chỉ có cách tìm ra cái gì họ vi phạm để xử lý.

Đứng ở góc độ pháp luật thì không vi phạm. Nhưng nếu đứng ở góc độ đạo đức kinh doanh thì có là vấn đề không?

Đạo đức có tùy loại, loại nguy hiểm như cháy nhà, chết người thì nên tránh. Còn nếu có loại lách mà tất cả có lợi, tất cả vui vẻ thì nên khuyến khích. Ví dụ như pháp luật quy định cho vay lãi suất không quá 13,5%/năm, nếu anh cứ cho vay vượt thì khi tranh chấp ra tòa không được chấp nhận, tài chính cũng không chấp nhận hoạch toán hợp pháp. Hay chuyện phạt hợp đồng cũng thế. Tòa quy định là phạt 8% giá trị hợp đồng nhưng anh bảo là cứ thỏa thuận 80% đi sẽ có lợi hơn rất nhiều nhưng nếu  ra tòa thì tòa chỉ chấp nhận 8%. Nhưng các DN của mình vẫn làm như thế vì luật quá bất cập và phải chấp nhận là sửa đi sửa lại nhưng vẫn còn nhiều lỗ hổng.

Theo ông, trong vụ “Tài liệu Panama”, sơ hở, điểm yếu của chúng ta nằm ở đâu?

Luật, Nghị định, Thông tư đều đã có rồi, yếu nhất là công cụ, biện pháp kỹ năng nghiệp vụ quản lý yếu kém. Ví dụ, nếu xuất hiện một ông Bộ trưởng nước ngoài vào Việt Nam giao dịch qua ngân hàng, thậm chí, chỉ cấp Chủ tịch phường thôi cũng phải theo dõi. Theo dõi bằng cái gì, bằng phần mềm hiện đại và phần mềm này phải đầu tư rất nhiều tiền.

Tuy nhiên, một phần mềm như thế rẻ nhất cũng mấy triệu USD. Và nhiều ngân hàng của chúng ta đang phải dùng loại rẻ nhất sau khi cân lên đặt xuống mãi. Đến năm ngoái, 2/3 ngân hàng vẫn chưa có máy móc kiểm soát các giao dịch kiểu này và vẫn làm thủ công thì làm sao đảm bảo nhanh, chính xác được.

Hay như, chúng ta có quy định giới hạn lượng ngoại tệ người dân được mang theo khi ra nước ngoài. Tuy nhiên, nếu dùng thẻ tín dụng thì có thể mua cả kim cương hay mua nhà cả triệu USD cũng được.

Có thể nói, vụ việc, tính chất như “Tài liệu Panama” trước nay chưa có tiền lệ. Song, tới đây, có thể sẽ còn nhiều vụ việc tương tự được phát hiện. Theo ông, các cơ quan chức năng của Việt Nam nên có trình tự ứng xử thế nào để vừa đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, đồng thời vẫn bảo đảm môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh?

Khi vụ việc tương tự xảy ra, cơ quan chức năng cần yêu cầu cá nhân, tổ chức liên quan báo cáo; đồng thời đối chiếu dữ liệu. Chẳng hạn cơ quan phải nắm được họ đầu tư vào những đâu, đầu tư thế nào, soi xem có dấu vết không. Hai là, phối hợp với cơ quan chức năng các nước khác. Ở đây, hạn chế là nước ta chưa có Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, hiệp định tương trợ tư pháp, ngoại giao, Interpol nên cực khó.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, khó thì phải đi mò. Với vụ việc như thế này phải thể hiện với cộng đồng thế giới (rất coi trọng minh bạch thông tin, rửa tiền, tài trợ khủng bố) sự quyết tâm trong giữ gìn một môi trường minh bạch, tin cậy. Nếu mình không làm rõ ràng thì bản thân Việt Nam sẽ luôn nằm trong “danh sách đen” về các loại vi phạm, tội phạm trốn thuế, rửa tiền.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.