Nguy cơ trở thành cảng "chết"
Dù có chủ trương quy hoạch cảng của cấp có thẩm quyền từ lâu, nhưng hiện nay, cảng cá làng chài Hà Phong (người dân địa phương thường gọi là Cái Sờ Cong – PV) ở khu 8, phường Hà Phong, TP Hạ Long (Quảng Ninh) vẫn chỉ là luồng lạch nhỏ hẹp, đất, cát ùn ứ hàng triệu mét khối khiến tàu, thuyền khó vào, ra trong những ngày nước cạn.
Những ngày triều kiệt, cảng Cái Sờ Cong cạn trơ đáy, luồng vào bị bịt kín
Nếu nhìn một cách tổng thể, thì hạ tầng mặt cảng cá làng chài Hà Phong được đầu tư khá tươm tất so với nhiều cảng có công năng tương tự ở một số địa phương khác của Quảng Ninh.
Khu vực mặt cảng rộng chừng vài ngàn mét vuông được kè, đổ bê tông chắc chắn; lối lên xuống tàu, thuyền được thiết kế rất phù hợp, đảm bảo an toàn.
Thế nhưng, ngày ngày tại đây cũng chỉ có vài chiếc xe tải nhỏ, mấy chục chiếc xe máy của thương lái, ngư dân ra vào chở những đồ lặt vặt. Còn lại sân cảng chỉ để cho một số người dân… đi bộ tập thể dụng.
Phía mặt nước cảng chỉ có vài chiếc tàu cá công suất nhỏ và vài chục cái thuyền câu bé đang mắc cạn trên các đụn cát do thủy triều xuống.
Dù mặt bằng cảng được đầu tư khá lớn, nhưng do tàu, thuyền khó vào, không có hoạt động thương mại, nên cũng chủ yếu để người dân... đi bộ tập thể dục
Cụ Cao Văn Nhật, ngư dân làng chài trên vịnh Hạ Long mới chuyển vào khu tái định cư ở phường Hà Phong khó nhọc chèo chiếc thuyền nan lách qua các đụn cát, than thở: "Gọi là cảng nhưng tàu thuyền có ra vào được đâu.
Cả khu vực cảng bị bồi lắng không được nạo vét nhiều năm nay, nên tàu loại nhỏ cũng phải lựa ngày triều cường mới vào được, vào rồi phải ra ngay bởi nếu nước cạn mà đậu đúng chỏm cát bồi thì mắc cạn ngay…"
Không những thế, theo cụ Nhật, luồng vào ở đây rất hẹp, ở nơi cửa ra lại có đá ngầm, ai không nắm được địa hình là phương tiện bị đâm va ngay. Thực tế nhiều tàu, thuyền đã gãy chân vịt, mái chèo do đâm phải đá ngầm ở khu vực cảng này.
"Cảng làng chài Hà Phong có vị trí kín gió, lại có diện tích rộng hàng chục ha, rất thuận lợi cho việc tránh, trú bão của tàu, thuyền làm ăn quanh vịnh Hạ Long. Nhưng luồng vào bị bồi lắng như hiện nay, chẳng phương tiện nào vào được thì cảng bỏ phí thôi", cụ Nhật tiếc rẻ.
Những đụn cát khổng lồ bồi lắng đang "nuốt" dần khu vực mặt nước cảng
Ngồi trên con tàu nhỏ cưỡi lên đụn cát, mắc cạn cách cảng chừng hơn 100m vào phía trong, anh Nguyễn Văn Bằng (ở khu 8, phường Hà Phong) ngán ngẩm: "Tàu em vào bảo dưỡng máy gần chục hôm nay, nhưng do con nước đứng, tàu em bị mắc cạn luôn không ra được. Theo tính toán, thì phải 3-4 hôm nữa mới có nước lớn để cho tàu ra".
Thiếu kinh phí nạo vét, mở rộng?
Luồng lạch vào cảng làng chài Hà Phong không chỉ bị ùn, ứ do dòng suối Sẹch Lồ cuốn đất, đá từ khu vực bãi thải của một số doanh nghiệp khai thác than từ phường Hà Tu và khu dân cư đưa ra, mà qua quan sát của PV, khu vực dòng chảy ra cảng cũng đã và đang trở thành nơi chứa đủ các loại vật liệu thải từ công trình xây dựng, rác sinh hoạt...
Đáng lo hơn, ở khu vực bờ kè tiếp giáp với đất nông nghiệp của một số hộ dân khu 8, phường Hà Phong, do lâu không được nâng cấp, sửa chữa đã bị lún, nứt, sạt lở một số đoạn.
Trao đổi qua điện thoại với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo phường Hà Phong, TP Hạ Long khẳng định những khó khăn của tàu, thuyền vào cảng làng chài và những lo lắng, kiến nghị của bà con ngư dân là đúng.
Vị lãnh đạo phường Hà Phong cho biết, nếu cảng này được đầu tư nạo vét, mở rộng sẽ không chỉ là địa điểm tránh, trú bão an toàn cho hàng trăm tàu, thuyền mà còn là cơ hội phát triển kinh tế cho các cư dân trên mặt vịnh Hạ Long chuyển về khu tái định cư trên địa bàn phường.
"Tuy nhiên, dù chính quyền và nhân dân địa phương đã bao năm kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét nạo vét cảng, nhưng chưa được giải quyết", vị lãnh đạo phường Hà Phong chia sẻ.
Những ngày nước cạn, tàu, thuyền không ra được biển, một số ngư dân phải đào, bới mưu sinh ở những cồn cát trong khu vực cảng
Ông Phạm Đức Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư, xây dựng TP Hạ Long cũng cho biết: Cảng làng chài là khu vực rất thuận lợi cho việc tránh, trú bão và thực tế cách đây nhiều năm, UBND tỉnh cũng đã có chủ trương quy hoạch cảng này.
"Tuy nhiên, đến nay, có thể do nguồn kinh phí hạn hẹp, nên việc đầu tư chưa thực hiện được", ông Tuấn lý giải.
Qua tìm hiểu của PV Báo Giao thông, từ giữa năm 2020, UBND TP Hạ Long đã cấm các phương tiện neo, đậu trên luồng thủy nội địa từ núi Bài Thơ đến khu vực Cột 8, phường Hồng Hà. Và như vậy, Cái Sờ Cong là 1 trong 2 cảng để tàu, thuyền vào neo đậu, bán buôn hải sản.
Thế như với thực trạng cảng cạn trơ đáy như hiện nay, không ít ngư dân phải đưa phương tiện vào cảng cá Sa Tô tại phường Cao Xanh, TP Hạ Long neo đậu xa tới hàng chục hải lý gây tốn kém nhiên liệu, thời gian.
Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi nhận tại cảng Cái Sờ Cong những ngày cuối năm:
Hàng chục con tàu mắc cạn chờ nước lớn mới được ra khơi
Dọc suối Sẹc Lồ đổ ra cảng cá Hà Phong bị bồi lắng cạn trơ đáy
Những đụn cát khổng lồ trên dòng suối Sẹc Lồ chảy ra cảng Làng Chài không được nạo vét
Đủ các loại chất thải, rác thải bị đổ xuống dòng suối Sẹc Lồ khiến cảng Cái Sờ Cong bị uy hiếp nhiều hơn
Một đoạn kè bị sạt, lở không được sửa chữa kịp thời
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận