Hạ tầng

Cảng biển Cần Thơ chưa khai thác hết công suất thiết kế

08/01/2019, 17:31

Cơ sở hạ tầng cảng biển đáp ứng nhu cầu vận chuyển công suất lớn nhưng chưa khai thác hết công suất thiết kế.

IMG_2654

Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chủ trì buổi tọa đàm

Ngày 8/1, UBND TP Cần Thơ tổ chức Tọa đàm “Đối thoại giữa Chính quyền và Doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ”, qua đó giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Theo ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, các doanh nghiệp có những khó khăn của riêng mình. Thông qua buổi tọa đàm, TP mong muốn nắm thêm được nhiều thông tin, tập trung vào một số vấn đề như: các doanh nghiệp hiện nay đang có những khó khăn gì? Cần chính quyền giải quyết những vấn đề gì? Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn TP trên 11.000 doanh nghiệp, nhưng thực tế hoạt động là 7.856 doanh nghiệp và trong báo cáo năm 2018 có đến 2.234 doanh nghiệp báo lỗ, vậy nguyên nhân do đâu và TP cần làm gì để doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả?

Tại buổi tòa đàm, nhiều doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Trà Nóc (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cho biết, trong lĩnh vực GTVT, hiện giao thông thủy chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển công suất lớn đi nước ngoài và nhập nguyên liệu. Tại khu vực khu công nghiệp, đề nghị hỗ trợ phát triển Bến phà lớn hơn, bến đỗ thuận lợi cho công nhân đi lại làm việc từ phía Vĩnh Long, Đồng Tháp. 

img_2829-1158

Hàng hóa đang được vận chuyển từ tàu lên xe contenner tại khu cảng Cái Cui

Trả lời các doanh nghiệp, Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết, hệ thống cảng biển Cần Thơ đã được Chính phủ, Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch là cảng biển chính, quan trọng (loại I) của khu vực ĐBSCL, đến nay đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cảng biển đáp ứng nhu cầu vận chuyển công suất lớn đi nước ngoài và nhập nguyên liệu.

Điển hình như khu bến Hoàng Diệu đáp ứng tàu tải trọng đến 15.000 tấn với sản lượng hàng hóa thông qua các năm từ 2016-2018, trung bình khoảng 1,4 triệu tấn/năm (chỉ đạt khoảng 60% công suất thiết kế); Khu bến Cái Cui đáp ứng tàu tải trọng đến 20.000 tấn, sản lượng hàng hóa thông qua các năm từ 2016-2018 trung bình khoảng 0,8 triệu tấn/năm (chỉ đạt khoảng 43% công suất thiết kế),…

Cùng với hệ thống cảng biển, tuyến luồng hàng hải sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố cho tàu tải trọng đến 20.000 tấn giảm tải và tuyến luồng hàng hải qua cửa Định An cho cỡ tàu tải trọng đến 5.000 tấn. Tuyến này đang được khai thác, phát huy hiệu quả vai trò phục vụ vận tải hàng hóa khu vực, góp phần nâng cao khả năng khai thác các bến cảng biển tại khu vực Cần Thơ nói riêng và trong nhóm cảng biển số 6 khu vực ĐBSCL nói chung, đáp ứng các hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, Sở GTVT cũng nhìn nhận, theo thực tiễn hoạt động, các bến cảng thuộc cảng biển Cần Thơ hiện chưa khai thác hết công suất thiết kế. Để giải quyết tình trạng này, UBND TP đang phối hợp với Bộ GTVT chỉ đạo các doanh nghiệp khai thác cảng triển khai các biện pháp thu hút nguồn hàng, cải thiện năng lực quản trị doanh nghiệp, đồng thời sớm ban hành giá tối thiểu xếp dỡ nhóm cảng biển số 6 theo hướng quy định thấp hơn so với cảng biển TP Hồ Chí Minh nhằm thu hút các hãng tàu mở tuyến vận tải đi/đến cảng biển nhóm 6.

120345-img_5547

Tàu có tải trọng lớn lưu thông trên sông Hậu

Về đường thủy nội địa, với các tuyến do Bộ GTVT quản lý đã đạt cấp kỹ thuật cấp III đường thủy nội địa theo quy hoạch, được lắp đặt hệ thống báo hiệu theo quy định; đảm bảo cho phương tiện đi lại 24/24 giờ, tải trọng > 50 tấn, cơ bản đáp ứng yêu cầu khai thác vận tải thủy quốc gia và liên vùng.

Các tuyến do TP quản lý như sông Ba Láng, rạch Phong Điền, rạch Cầu Nhiếm, sông Trà Nóc, kênh Thốt Nốt, kênh xáng Ô Môn, kênh KH8, kênh Bốn Tổng, kênh Đứng,…cũng đã đạt cấp kỹ thuật đường thủy nội địa từ cấp V đến cấp IV, được kết nối với các tuyến đường thủy nội địa quốc gia, hình thành mạng lưới đường thủy nội địa từ trung tâm TP đến các quận, huyện, đảm bảo phương tiện tải trọng >50 tấn lưu thông.

UBND TP cũng đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường thủy nội địa và Quy hoạch hệ thống cảng, bến thủy nội địa do TP quản lý, để làm cơ sở quản lý, khai thác và triển khai đầu tư xã hội hóa. Trong thời gian tới, sẽ huy động kinh phí để đầu tư xây dựng, nạo vét, bảo trì thường xuyên kết cấu hạ tầng các tuyến đường thủy nội địa, lắp đặt hệ thống phao tiêu báo hiệu đường thủy nội địa, tổ chức quản lý khai thác phù hợp cấp kỹ thuật đường thủy nội địa theo quy hoạch và các quy định chuyên ngành.

Đối với đề nghị xây dựng bến phà lớn hơn tại khu công nghiệp, theo Sở GTVT phản hồi, hiện nay trên tại KCN Trà Nóc, Ô Môn và Thốt Nốt dọc sông Hậu có các bến khách ngang sông (KNS) như: bến KNS Khu công nghiệp Trà Nóc - Tân Bình (thuộc phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), bến KNS Cái Chôm - Xẻo Lá ( phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ), bến KNS Vàm Thới An - Phong Hòa (Đồng Tháp),... được Sở GTVT cấp giấy phép hoạt động. Các Bến KNS nêu trên cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của công nhân và bà con có nhu cầu đi lại hàng ngày từ phía Cần Thơ sang Vĩnh Long, Đồng Tháp và ngược lại. Hơn nữa, theo quy hoạch đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 có định hướng quy hoạch các bến hành khách, bến tàu và bến hàng hóa tập trung dọc theo sông Hậu và các tuyến sông, kênh khác trên địa bàn TP để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách trên địa bàn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.