Hàng hải

Cảng biển “còng lưng” trả phí cho container phế liệu vô chủ

27/11/2020, 07:32

Nhiều năm qua, các doanh nghiệp (DN) cảng biển vẫn đang tự bỏ tiền túi trả phí lưu kho, bãi cho hàng nghìn container hàng hóa phế liệu vô chủ.

img
Hàng nghìn container lốp xe cũ không có chủ đến nhận đang khiến cảng Nam Hải - Đình Vũ (Hải Phòng) phải tự bỏ 2 tỷ đồng/tháng để trả phí

Mất hàng chục tỷ đồng mỗi năm

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khai thác cảng biển phía Bắc của Công ty CP Gemadept cho biết, hiện cảng Nam Hải - Đình Vũ (Hải Phòng, đơn vị cảng thành viên thuộc Gemadept) đang là một trong những cảng có số lượng container tồn đọng lớn nhất khu vực phía Bắc với hơn 1.000 chiếc, chủ yếu là mặt hàng lốp xe cũ chưa có người đến nhận.

“Cảng Nam Hải - Đình Vũ có sức chứa 10.000 Teus, nhưng lượng container tồn chiếm gần 1/3 công suất tại cảng. Để giải phóng kho, bãi duy trì hoạt động, cảng đã di chuyển số container này đến cảng cạn gửi tạm”, ông Tuấn nói và cho biết, ước tính, hiện, cảng Nam Hải - Đình Vũ đang phải trả 2 tỷ đồng/tháng cho số container tồn đọng này. Gần 3 năm nay, chi phí lưu bãi cảng phải trả cho cảng cạn (ICD) không dưới 60 tỷ đồng, chưa kể chi phí vận chuyển từ cảng biển sang ICD.

Cũng theo ông Tuấn, thực hiện chủ trương của Cục Hàng hải VN, từ tháng 5/2019, cảng Nam Hải - Đình Vũ áp dụng chính sách giảm chi phí lưu kho, bãi cho DN xuất nhập khẩu với mức giảm phí từ 50 - 70%. Tuy nhiên, hơn một năm qua, số hàng rút ra chỉ là vài trăm container giấy phế liệu, lượng container chứa lốp xe vẫn “bất di bất dịch”.

Bà Nguyễn Thị Thương, Phó trưởng Phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN) cho biết, tính đến ngày 30/9/2020, số liệu hàng hóa tồn đọng là phế liệu trên 90 ngày tại các khu vực cảng biển Hải Phòng là 1.191 container, TP HCM 1.135 container, Bà Rịa - Vũng Tàu 265 container, Quy Nhơn 8 container và Đà Nẵng 134 container. So với cùng kỳ năm 2019, số container tồn đọng tại các cảng biển đã giảm từ 6.123 còn 2.733.

“Cục Hàng hải VN đã nỗ lực phối hợp cùng các cơ quan liên quan (Hải quan, Biên phòng…) thực hiện quy chế phối hợp liên ngành, đảm bảo thông tin kịp thời khi phát hiện hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận trong hoạt động nhập khẩu phế liệu. Các cảng vụ hàng hải cũng triển khai tốt việc hướng dẫn các hãng tàu, đại lý hãng tàu, công ty giao nhận khai báo cụ thể các thông tin. Cùng đó, các DN cảng biển đã tích cực thực hiện chính sách giảm phí lưu kho, lưu bãi, tạo thuận lợi cho chủ hàng có điều kiện rút hàng về”, bà Thương nói.

Nghiên cứu dừng cấp phép hãng tàu vận chuyển hàng hóa gây ô nhiễm

Bà Thương cho biết, Cục Hàng hải VN đã có văn bản kiến nghị các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý phế liệu nhập khẩu theo hướng đồng bộ giữa các yêu cầu bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thương mại, Luật Hải quan và Luật Hàng hải.

img
Hải quan cho biết đã gửi nhiều thông báo cho các hãng tàu phối hợp xử lý hàng phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại cảng biển nhưng không nhận được phản hồi

Việc buộc hãng tàu tái xuất vừa qua nhiều nước đã áp dụng, chẳng hạn như Malaysia. Tuy nhiên, việc này không đơn giản bởi trong quá trình trao đổi hàng hóa, hãng tàu chỉ là bên vận chuyển. Việc xử lý, tái xuất hàng phế liệu tồn đọng không nên dồn lên vai hãng tàu. Giải pháp căn cơ là cơ quan chức năng phải xác định chủ lô hàng/người nhận hàng là ai để gắn trách nhiệm.
Đối với các container đang chây ì tại cảng, cần rà soát tổng thể, container phế liệu nào quá hạn, vô chủ cần tổ chức thanh lý, vừa đảm bảo cho DN có nguyên liệu sản xuất, vừa giúp cảng biển giải phóng được hàng hóa, nâng hiệu quả khai thác.
Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội DN dịch vụ logistics VN


Đề xuất này nhằm tạo cơ chế quản lý, kiểm soát và phòng ngừa từ xa, ngoài biên giới đối với hoạt động thương mại nhập khẩu phế liệu để các cơ quan quản lý, các DN cảng biển và DN nhập khẩu phế liệu có thể quản lý phế liệu nhập khẩu theo đúng quy định; không cho phép dỡ xuống cảng đối với những hàng không đủ điều kiện nhập khẩu; ràng buộc trách nhiệm và chế tài xử phạt đối với các hãng tàu, người vận chuyển cố tình vi phạm pháp luật trong việc vận chuyển hàng phế liệu nhập khẩu.

“Cục Hàng hải cũng kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan cho phép di chuyển các container đến các ICD lân cận để giảm tải lượng hàng trong cảng, các chi phí lưu bãi do DN cảng chi trả và cho phép làm thủ tục thông quan, nhận hàng tại các ICD này nếu chủ hàng đến nhận hàng”, bà Thương thông tin.

Cũng theo đại diện Cục Hàng hải, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Hàng hải đã chỉ đạo các cảng vụ hàng hải tham gia Hội đồng xử lý hàng hóa tại Cục Hải quan các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ phân loại hàng hóa tồn đọng và xử lý hàng hóa tồn đọng sau khi phân loại.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các biện pháp cưỡng chế, xử lý hoặc dừng việc cấp phép ra vào cảng biển Việt Nam đối với các hãng tàu vận chuyển hàng hóa gây ô nhiễm môi trường.

Đối với các hãng tàu, đại lý hãng tàu, Cục Hàng hải yêu cầu kiểm soát chặt giấy phép nhập khẩu tàu biển của lô hàng phế liệu được cơ quan có thẩm quyền cấp trước khi đưa hàng lên tàu tại các cảng xuất khẩu, kiên quyết chỉ đưa xuống tàu để vận chuyển về Việt Nam những đơn hàng có Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu (còn hiệu lực).

Ông Phạm Hồng Mạnh, Trưởng hãng tàu T.S Lines tại Hải Phòng cho biết, mới đây, Tổng cục Hải quan có văn bản chỉ đạo cục hải quan các địa phương yêu cầu buộc hãng tàu phải tái xuất các lô hàng phế liệu tồn đọng có kết quả giám định xác định là phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu.

Tuy nhiên, việc hãng tàu phải tái xuất hàng hóa là rất khó và rủi ro, khi ở cảng đích không có người nhận hàng. Lúc này, tàu sẽ rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi sang cảng nước khác trả hàng cũng không được, về cảng Việt Nam dỡ hàng cũng không xong.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.