Hạ tầng

Cảng Cửa Lò: Bao giờ hết cảnh tàu "chờ" nước lên?

10/06/2014, 10:08

Được kỳ vọng sẽ trở thành "cửa khẩu quốc tế đường biển" lớn nhất KV Bắc Trung bộ, nhưng do mực nước luồng vào chỉ đạt mức -5m nên cảng Cửa Lò đành chấp nhận nói không với tàu lớn...

Với năng lực 2,3 triệu tấn hàng thông qua trong năm 2013, Cảng Cửa Lò được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những “cửa khẩu quốc tế đường biển” lớn nhất ở khu vực Bắc Trung bộ. Tuy nhiên, do mực nước luồng chỉ ở mức - 5m nên hiện cảng Cửa Lò đành chấp nhận... nói không với việc tiếp nhận tàu lớn...

Tàu lớn phải chờ nước thủy triều

Ngày 20/5, phóng viên đã chứng kiến cảnh từng đoàn xe tải nối đuôi nhau về cảng. Còn ở phía cầu tàu, các công nhân đang khẩn trương công việc bốc xếp gỗ dăm lên tàu JINHAI  chờ sẵn.

Luồng vào cảng Cửa Lò hiện không đáp ứng được
Luồng vào cảng Cửa Lò khan cạn khiến cảng không thể tiếp nhận được tàu lớn.

Theo ông Nguyễn Xuân Trường - Phó Giám đốc Xí nghiệp xếp dỡ Cảng Cửa Lò cho biết: Tàu JINHAI mang quốc tịch Trung quốc là tàu đầu tiên có tải trọng trên 10.000 tấn cập Cảng Cửa Lò. Tàu vào cảng ngày 15/5, sau 3 ngày bốc xếp, đến thời điểm này việc bốc xếp đã hoàn thành. Tuy nhiên, do mực nước luồng chỉ  ở mức 5,4m (trong khi để tàu vận hành rời cảng được phải cần độ sâu 7,5m),  vì thế chỉ còn cách chờ thủy triều lên, tàu mới có thể rời cảng.

Ông Trường cho biết, theo tính toán hiện tại, với mực nước sâu 5,4m, công suất hàng hóa thông qua chỉ ở mức 1,4 triệu tấn/năm Nhưng trong 3 năm trở lại đây, khối lượng hàng hóa thông qua Cảng Cửa Lò không ngừng tăng, thậm chí vượt 1,5 lần thiết kế dự tính. Cụ thể: Năm 2011 tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 1,82 triệu tấn; năm 2012 đạt 1,95 triệu tấn; năm 2013 đạt 2,3 triệu tấn. Chúng tôi kỳ vọng năm 2014 lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 3 triệu tấn, tuy nhiên với luồng biển hiện nay, mục tiêu trên rất khó đạt được.

Trên thực tế, với độ sâu của luồng như hiện nay, chỉ đáp ứng các loại tàu tải trọng 5.000 – 7.000 tấn lưu thông nên các chủ hàng không có nhiều lựa chọn khi thuê tàu. Theo ông Trường, nếu Cảng Cửa Lò được nạo vét, độ sâu của luồng đạt 8m thì chắc chắn số lượng tàu hàng cỡ lớn cập cảng nhiều hơn. Đồng thời, góp phần mở rộng phạm vi xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của tỉnh như: đá trắng, gỗ dăm… sang thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Luồng cạn, mỗi ngày chủ tàu mất 100 triệu

Không chỉ hạn chế tàu lớn mà độ sâu hiện tại của luồng vào cảng Cửa Lò còn khiến chủ tàu lớn đội thêm chi phí nêu không xong hàng đúng thời điểm thủy triều lên. Đơn cử như ngày 20/5 trong quá trình tàu JINHAI đang neo đậu chờ nước thủy triều để rời cảng thì ở ngoài phao số 0, hai tàu có tải trọng trên 10.000 tấn khác, là tàu Vạn Hưng và Cam Ranh cũng phải nằm chờ vì... tắc luồng.Theo thống kê, bình quân mỗi tháng ở Cảng Cửa Lò có khoảng 16 chuyến tàu phải chịu cảnh chờ nước thủy triều.

Nhiều tàu lớn sau khi vào cảng
Nhiều tàu lớn sau khi vào cảng "ăn hàng" phải chờ thủy triều lên mới có thể rời cảng

Hệ quả của việc luồng cạn không chỉ làm khó tàu lớn ra vào mà còn phát sinh chi phí cho các chủ tàu. Anh Phạm Văn Sỹ, đại diện Công ty TNHH dịch vụ và thương mại Hàng hải Cửa Lò cho biết: Thời gian tàu chờ nước ra vào mỗi chuyến thường kéo dài từ 12– 36 giờ đã  “đốt” mất cả trăm triệu cho chủ tàu.

Cụ thể theo tính toán hiện nay, mỗi tàu phát sinh bình quân 3.000 – 5.000 USD mỗi ngày tiền thuê tàu cùng các khoản phí khác. Đơn cử như tàu JINHAI, mỗi ngày chờ nước, chủ hàng tốn thêm gần 5.000 USD, trong đó 4.000 USD tiền thuê tàu, 892 USD tiền phí neo đậu, phí cảng.

Ông Lê Doãn Long – Giám đốc Công ty TNHH MTV cảng Nghệ Tĩnh cho biết: Để khắc phục tình trạng trên, Công ty đã khởi động dự án nâng cấp luồng cho tàu trọng tải lớn, để đầu tư nối dài đê kè 2 đầu Bắc Nam để ngăn sa bồi. Đồng thời, Cục Hàng hải Việt Nam đang tích cực hoàn thiện các thủ tục để thúc đẩy dự án vét luồng tàu biển với độ sâu – 7,5 đến 8m để đón tàu có trọng tải từ 10.000 – 15.000 tấn. Đơn vị quản lý cũng mong việc thực hiện dự án được triển khai sớm để nâng cao năng lực khai thác của cảng.

Tàu cá neo đậu trái phép trong khu vực cầu cảng đe dọa an toàn hằng hải
Tàu cá neo đậu trái phép trong khu vực cầu cảng đe dọa an toàn hằng hải

Nguy cơ mất ATGT bởi tàu cá lấn cảng

Ngoài vấn đề về luồng lạch, ở Cảng Cửa Lò hiện nay đang tồn tại hiện tượng tàu cá ngư dân neo đậu trái phép, chiếm dụng cầu cảng. Theo thống kê mỗi ngày có khoảng 50 tàu thuyền của ngư dân lấn chiếm cầu cảng số 4 làm nơi neo đậu, trao đổi sản phẩm đánh bắt, sửa chữa ngư cụ... Các tàu cá không chỉ làm giảm hiệu suất hoạt động của cảng mà còn gây nguy cơ mất an toàn hàng hải khi tàu hàng lưu thông.

Theo đại diện cảng Cửa Lò, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ va chạm giữa tàu hàng và tàu cá làm thiệt hại kinh tế, có vụ chủ tàu hàng bị tàu cá ăn vạ đã phải chấp nhận bồi thường cả chục triệu đồng.

Trong khi đó, phía cơ quan chủ quản đã nhiều lần báo cáo các cơ quan chức năng đề có biện pháp xử lý, xong mọi chuyện vẫn như ... "ném đá ao bèo".

Cảng Cửa lò được đầu tư xây dựng năm 1979, đến năm 1985 đưa vào khai thác sử dụng với vị trí thuận lợi cho giao dịch thông thương hàng hoá quốc tế, đặc biệt là trung chuyển hàng cho nước bạn Lào và đông bắc Thái Lan. Cảng có tổng diện tích 32 ha, có 4 cầu cảng với tổng chiều dài 780m, độ sâu vùng đậu tàu là 7,5m. Luồng vào cảng Cửa Lò dài 4km, độ sâu -5,5m hiện có thể tiếp nhận được là 5.000 - 10.000 DWT.

Tuấn Anh - Văn Thanh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.