Thị trường

Cảng quốc tế Long An - động lực mới cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

30/06/2020, 14:55

Hơn 50.000 tấn tôn mạ & ống thép các loại đã được vận chuyển từ Cảng Quốc tế Long An trong cuối tháng 6.

img
Cảng quốc tế Long An xuất khẩu hàng

Giới doanh nhân hay lưu truyền câu thành ngữ: “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” (nhất gần chợ, nhì gần sông, ba gần đường). Câu này không chỉ rất có ý nghĩa trong kinh doanh bất động sản mà còn có thể áp dụng cho rất nhiều lĩnh vực làm ăn mua bán khác. Chỉ cần có chợ, có sông, có đường là dân tình trụ lại, “giao-thương” sầm uất, kinh doanh tấp nập, sự phát triển chỉ là chuyện một sớm một chiều. Bao đời nay là thế!

Như để chứng minh cho điều đó, những ai nếu có đi xa 10 năm - 20 năm, nay trở về vùng đất Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An chắc chắn đều phải ngạc nhiên trước sự chuyển mình đầy mạnh mẽ. Từ một nơi hoang sơ đầm lầy nhiễm mặn, ngày nay bỗng trở thành một thị tứ ven cảng Quốc tế nhộn nhịp, tàu thuyền trong & ngoài nước ra vào tấp nập.

Nằm trên luồng sông Soài Rạp mé phải thượng nguồn sông Đồng Nai, cách cửa biển 19km, cách phao số 0 khoảng 40km, cảng Quốc tế Long An là 1 dự án nằm trong quần thể gồm 04 khu dự án với tổng quy mô 1.935 ha, bao gồm: Cảng Quốc tế Long An; KCN Đông Nam Á Long An; Khu dịch vụ Công nghiệp Đông Nam Á Long An; Khu đô thị Đông Nam Á Long An;

Trong đó, Cảng Long An là 147 ha, được đầu tư xây dựng thành 3 giai đoạn với tổng số vốn gần 10.000 tỷ đồng bao gồm: 7 cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 70.000 DWT với tổng chiều dài từ đầu Cầu cảng số 1 đến cuối Cầu cảng số 7 là: 1.670m; Gồm 07 bến sà lan; Hệ thống nhà kho, kho ngoại quan; Hệ thống Bãi container và các công trình phụ trợ khác. Tất cả hạng mục cũng như hệ thống các trung tâm điều hành đang được khẩn trương triển khai xây dựng đúng theo tiến độ hoàn thành vào năm 2023. Riêng diện tích kho phục vụ lưu trữ tại Cảng là 400.000m2, phục vụ nhu cầu vận chuyển, lưu kho hàng nông thủy sản của khu vực ĐBSCL và là cửa ngõ để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong khu vực Đông Nam Bộ, tập kết đóng hàng và phân phối bằng đường bộ, đường biển hoặc thủy nội địa.

Tỉnh Long An cũng đã đầu tư xây dựng trục Tỉnh lộ 830 kết nối QL50 và QL1 từ Cảng Quốc tế Long An đến các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức, Đức Hòa, Đức Huệ và hầu hết các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Thêm vào đó là dự án cao tốc Bến Lức Long Thành (thuộc cao tốc Bắc - Nam) thông xe vào cuối năm 2020, nối 4,89 km đường cao tốc đi qua tỉnh Long An ở hai huyện Bến Lức và Cần Giuộc giúp giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ không cần quá cảnh qua TP HCM. Tuyến đường sẽ nối trực tiếp với mạng lưới cao tốc - quốc lộ, hệ thống cảng biển với sân bay quốc tế Long Thành, đồng thời, góp phần làm giảm áp lực giao thông trên QL1, QL51, rút ngắn thời gian đi từ tỉnh Long An đến TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thế mạnh về công nghiệp

Với thế mạnh cả đường thủy lẫn đường bộ, cả “giang” lẫn “lộ” nên đương nhiên “thị” - buôn bán kinh doanh cũng sẽ trỗi dậy. Long An ngày nay không còn là một tỉnh dựa hoàn toàn vào nông nghiệp mà đã có thế mạnh nổi bật về công nghiệp. Một trong những công ty có thể kể đến là Công ty Cổ phần Thép TVP.

Với tầm nhìn trở thành công ty thép đứng Top 3 trong nước, vươn lên Top 10 khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực sản xuất - cung cấp các sản phẩm tôn mạ và ống thép các loại, những năm vừa qua TVP đã liên tục đầu tư máy móc thiết bị và công nghệ hiện đại nhất trong ngành thép hiện nay với quy mô đầu tư trên 2.500 tỷ. Công nghệ được đầu tư từ các nước Ý, Áo, Nhật Bản thông qua những tập đoàn nổi tiếng như Tenova, Danieli, Hitachi... và sử dụng nguyên liệu từ NIPPON Steel, JFE Steel....

Nhờ sự mạnh dạn trong đầu tư, đột phá trong công nghệ, TVP luôn khẳng định vị trí dẫn đầu của mình, liên tục mở rộng thị phần trong ngành sản xuất thép; Vinh dự đón nhận Huân chương Lao động Hạng 3, lọt vào bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Thị trường của TVP đã mở rộng ra tầm khu vực và chuyến hàng 50.000 tấn tôn mạ & ống thép các loại rời Cảng Quốc tế Long An trong cuối tháng 6 cũng như rất nhiều đơn hàng Quốc tế từ trước đến nay của TVP chính là minh chứng cho đẳng cấp của một doanh nghiệp địa phương nỗ lực mạnh mẽ vươn đến tầm quốc tế. Lựa chọn Cảng Quốc tế Long An đối với TVP là sự lựa chọn vừa thuận tiện (gần nhà máy) vừa mang lại lợi ích kinh tế to lớn.

Theo bà Ninh Thị Bích Thùy - Tổng Giám Đốc TVP, không phải vận chuyển nhiều lượt để đến những cảng xa hơn, doanh nghiệp đã tiết giảm được gần 30% chi phí logistics vùng nội địa, giảm ách tắc giao thông lưu thông qua TP.HCM, thực hiện đúng theo chủ trương của Chính phủ và ngành Giao thông & Vận tải nhằm hạn chế phương tiện giao thông trên đường bộ.

Để tăng cường khả năng đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng, đối tác; Cảng quốc tế Long An còn mở rộng các khu liên hợp bao gồm đô thị, dịch vụ cảng biển, nhà hàng, lưu trú,... Đến nay, đã xây dựng hoàn thành 3 cầu cảng với chiều dài 630m. Năm 2020, cảng QTLA tiếp tục xây dựng cầu cảng thứ 4, thứ 5 và số 6 đón được tàu có trọng tải lên đến 70,000 DWT sớm đưa vào khai thác vào năm 2021. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đang xúc tiến hoàn tất các thủ tục pháp lý nhằm mở rộng quy mô, để các cầu cảng số 8 & 9 có công suất thiết kế xây dựng đón được tàu có trọng tải lên đến 100.000 DWT; nâng tổng chiều dài liên tục của hệ thống cầu cảng lên đến 2.368m, trở thành một trong những cầu cảng Quốc tế có chiều dài bờ cảng lớn nhất VN hiện nay.

Đón gần 1.000 chuyến tàu

Cho đến cuối năm 2019, trong quá trình vừa xây dựng vừa khai thác Cảng Quốc tế Long An đã đón gần 1.000 chuyến tàu trong và ngoài nước ra vào Cảng, đạt gần 1 triệu tấn hàng hóa xuất nhập thông qua cảng, đáng chú ý nhất là Cảng đã tiếp nhận và bốc dỡ hàng hóa thành công nhiều tàu tải trọng trên 50.000 DWT.

Có thể nói, sự phát triển của Cảng Quốc tế Long An chính là tiền đề thúc đẩy phát triển các Khu/Cụm công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời giảm ách tắc giao thông đường bộ, giảm chi phí vận tải, logistics cho các Doanh nghiệp đầu tư, được các Doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Long An nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đánh giá rất cao. Ngoài ra, Cảng cũng là nút giao – thương quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hướng đến tầm nhìn hợp tác phát triển đến năm 2030 với các quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Me-kong đầy tiềm lực mà Chính phủ - đại diện là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh.

img
Bốc dỡ hàng hoá lên tàu tại Cảng Quốc tế Long An
img
Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Thép TVP
img
Tập kết hàng chuẩn bị xuất khẩu

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.