Các cổ đông thống nhất cao thông qua 13 tờ trình trọng tâm, phát triển sản xuất kinh doanh, tăng vốn điều lệ cảng Quy Nhơn năm 2018... |
Mới đây, Đại hội Cổ đông thường niên 2018 được HĐQT Công ty CP Cảng Quy Nhơn tổ chức (ngày 26/4) trong không khí đổi mới, tập trung, dân chủ…
Các cổ đông thống nhất cao thông qua 13 tờ trình về báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017, kế hoạch 2018; Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 đã được kiểm toán; Tăng vốn điều lệ; Kế hoạch sản xuất kinh doanh trung hạn giai đoạn 2018-2023…
Theo các cổ đông, điều đáng ghi nhận cảng đang kiện toàn, ổn định công tác quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều mặt hàng truyền thông bị giảm sút (dăm gỗ, viên nén, gỗ xuất khẩu, nhựa đường… đặc biệt sự cố tàu chìm nghẽn luồng hàng hải Quy Nhơn sau bão số 12 (tháng 11/2017) ngưng trệ hoạt động vận tải biển, nhưng sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt gần 7,2 triệu tần. So với năm 2016, tăng 1,4% sản lượng, tăng 12,7% tổng doanh thu và tăng 16,6% lợi nhuận trước thuế…
Các cổ đông đồng thuận việc tăng vốn điều lệ, tăng mức đầu tư là giải pháp chiến lược để phát triển hạ tầng, chất lượng dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh, hoạt động khai thác của cảng…
Tuy nhiên, một số ý kiến nghị làm rõ chi phí thuê khoán một số thiết bị bên ngoài; lo ngại tăng vốn điều lệ, vốn đầu tư sẽ giảm cổ tức; vấn đề khấu hao đầu tư, đưa cổ phiếu của cảng Quy Nhơn lên sàn…
Chủ trì Đại hội, ông Lê Hồng Thái - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Quy Nhơn cùng đoàn Chủ tịch trực tiếp trao đổi, giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của các cổ đông…
Theo HĐQT Công ty CP Cảng Quy Nhơn, phương án tăng vốn điều lệ từ 404,09 tỷ đồng lên 538,79 tỷ đồng qua phương án phát hành gần 13,5 triệu cổ phiếu (mệnh giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ động hiện hữu- NV) phù hợp quy định, lộ trình của cảng trước yêu cầu bức thiết tập trung nguồn lực đầu tư, chủ động xây mới cầu cảng, đáp ứng nhu cầu vận tải biển ngày một gia tăng. Đồng thời, qua đó, Cảng Quy Nhơn sớm đưa cổ phiếu lên sàn trong thời gian sớm nhất dự kiến vào giữa năm nay.
Cổ đông bày tỏ sự đồng thuận về việc mở rộng đầu tư, tăng vốn điều lệ và sự nỗ lực hoạt động sản xuất kinh doanh của cảng thời gian qua. Ảnh XH |
Năm 2018, Cảng Quy Nhơn thống nhất giành gần 500 tỷ đồng tiếp tục mở rộng đầu tư nâng cấp hạ tầng, thiết bị. Đây được xem là giải pháp chiến lược đã và được cảng đẩy mạnh triển khai đặc biệt sau giai đoạn CPH, thoái hết vốn nhà nước (từ năm 2015). Tuy nhiên, một số hạng mục chưa thể triển khai do vướng mắc mặt bằng, biến động nguồn hàng, nhu cầu...
Lý giải điều này, ông Thái chỉ rõ với vai trò, vị thế "cửa ngõ", cảng Quy Nhơn trước hết phải gánh trọng trách nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu vận tải, thông thương hàng hoá, phát triển kinh tế địa phương, khu vực; tiếp đến mới là mục tiêu kinh tế, kinh doanh cho cảng. Do đó, cảng cần có chiến lược đầu tư lâu dài, bài bản theo đúng định hướng, quy hoạch để trở thành cảng hiện đại, chuyên nghiệp, trung tâm vận tải biển của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
"Đặc thù cảng Quy Nhơn là cảng kín, không phải cảng mở (về đa dạng nguồn hàng) như các cảng Sài Gòn, Hải Phòng... nên bài toán đầu tư không thể đem lại ngay mức gia tăng sản lượng tương ứng. 3 năm qua, cảng tăng gấp đôi số tiền đầu tư, CPH, nhưng thực tế sản lượng tăng ở mức ổn định. Như năm qua cảng đạt 7 triệu tấn, năm nay sẽ tăng 7,5-8 triệu tấn... Do đó, cảng không có chỗ cho đầu tư "lướt sóng", mà phải đầu tư chiến lược", ông Thái phân tích.
Hệ cẩu trục container chuyên dụng vừa được đầu tư tại Cảng Quy Nhơn, rút ngắn 1/2 thời gian làm hàng tại cảng |
Trao đổi với các cổ đông tại Đại hội, Đoàn chủ tịch thẳng thắn đặt vấn đề về việc cổ phần hoá, "mua" lại cảng Quy Nhơn đắt hay rẻ, trước áp lực thông tin thời gian qua?... Theo HĐQT Công ty CP Cảng Quy Nhơn, cần xét bản chất vấn đề, bởi để đầu tư, khai thác cảng không phải chỉ với số vốn CPH ban đầu (hơn 500 tỷ đồng-NV) mà thực tế cần đến 2.000 tỷ đồng mới có thể cơ bản hiện đại hóa cảng Quy Nhơn theo đúng quy hoạch, đáp ứng tầm vóc của cảng.
"Đây thực sự mới là bài toán đắt hay rẻ của CPH, thoái vốn nhà nước ở cảng Quy Nhơn", ông Thái chia sẻ.
Áp lực đầu tư, nhưng theo HĐQT cảng Quy Nhơn, cảng nỗ lực phát triển sản xuất kinh doanh đảm bảo quyền lợi cho cổ đông với cơ chế quản lý, điều hành, giám sát công khai, minh bạch. Năm 2017, cảng nỗ lực tăng cổ tức lên 16% là mức cao bậc nhất trên hệ thống doanh nghiệp cảng biển cả nước, cao gấp đôi lãi suất tiền gửi ngân hàng; và tiếp tục được cảng cam kết mức cổ tức này trong năm 2018...
Ông Thái cho biết ngay đầu tháng 5 tới sẽ mời các cổ đông, cựu cán bộ cảng "hiến kế" cho cảng, đề xuất mô hình giám sát các chương trình, nghị quyết hoạt động của cảng Quy Nhơn...
Vấn đề chi phí thuê thiết bị bên ngoài, theo lãnh đạo HĐQT cảng Quy Nhơn, ở thời điểm chưa đảm bảo nguồn lực, hạ tầng thiết bị, việc hợp tác, thuê thiết bị bên ngoài là giải pháp để đáp ứng nhu cầu khai thác, làm hàng tại cảng. Tuy nhiên, với chiến lược đầu tư của cảng đã và đang xử lý dứt điểm vấn đề này.
Điển hình, việc vận hành thiết bị 2 cầu giàn STS và 5 cẩu RTG (trị giá 200 tỷ đồng) chuyên dụng làm hàng container rút ngắn 1/2 thời gian làm hàng, đồng thời chấm dứt việc thuê thiết bị này bên ngoài từ năm 2018.
Lãnh đạo Cảng Cảng Quy Nhơn thông tin, cảng vừa được Bộ GTVT, Cục Hàng hải VN chấp thuận nâng cấp cầu tàu số 4 tiếp nhận tàu 7 vạn tấn. Ngay cuối tháng 4, đầu tháng 5/2018, cảng Quy Nhơn lần đầu đón chuyến hàng trên 6 vạn vào thử tải, làm hàng, phục vụ hàng loạt đối tác, "tàu khủng" trong năm 2018.
Năm 2018, Cảng Quy Nhơn đặt mục tiêu đạt 7,7 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng, tăng 107,34% so với năm 2017. Trong đó, hàng container đạt 140.000 Teus, tăng 121,32% so với năm 2017. Tổng doanh thu năm 2018 đạt 633 tỷ đồng, tăng 111,43% so với năm 2017 (đạt 568,070 tỷ đồng). |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận