Hàng hải

Cảng Quy Nhơn khơi thông dòng chảy giao thương khu vực miền Trung

13/10/2020, 09:37

Sau khi Tổng công ty Hàng hải VN tiếp quản, Cảng Quy Nhơn ngày càng khẳng định vai trò trong chiến lược phát triển KT-XH địa phương và khu vực.

img
Vượt qua thách thức bởi dịch Covid-19, Cảng Quy Nhơn vẫn đạt mức tăng trưởng hai con số trong 9 tháng đầu năm

Tăng trưởng ấn tượng giữa “bão” Covid-19

Ông Phan Tuấn Linh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn cho biết, 9 tháng đầu năm 2019, dịch Covid-19 kéo dài ảnh hưởng lớn đến cơ cấu mặt hàng, nguồn hàng và thời điểm xuất nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, nhờ thực hiện mạnh mẽ các giải pháp ngay từ khi dịch bệnh chưa diễn biến phức tạp, kết quả sản xuất kinh doanh của Cảng Quy Nhơn vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng với hai con số.

“Cụ thể, trong 9 tháng năm 2020, sản lượng hàng thông qua cảng đạt 8,4 triệu tấn, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, hàng container đạt hơn 132.200 TEUs, tăng 32%. Lợi nhuận trước thuế đạt 115 tỷ đồng tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, sản lượng hàng thông qua cảng năm 2020 vượt 10 triệu tấn/năm, đánh dấu mốc son mới lần đầu tiên sau 45 năm thành lập cảng”, ông Linh nói và cho biết, kết quả này đã thể hiện nỗ lực và quyết tâm lớn của Hội đồng quản trị, Ban điều hành và toàn thể hơn 800 người lao động của công ty, bước đầu thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển KT-XH mà Chính phủ đặt ra.

Cũng theo ông Linh, để đạt được kết quả trên, Cảng Quy Nhơn đã chủ động thực hiện công tác tiếp thị phát triển khách hàng theo hình thức mới. Thay vì tổ chức hội nghị khách hàng để tiếp nhận phản ánh về chất lượng dịch vụ, đơn vị đã đến tận cơ sở sản xuất kinh doanh để tìm hiểu về hoạt động và nguyện vọng của từng khách hàng trong quá trình triển khai xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua cảng. Trên cơ sở đó cùng bàn bạc với khách hàng để đưa ra các giải pháp, phương thức làm hàng phù hợp nhất đảm bảo tính hiệu quả, an toàn và năng suất.

“Với phương châm thực hiện “lấy khách hàng là trọng tâm”, cộng với vị trí địa lý “đắc địa”, là cửa ngõ giao thương không chỉ của Duyên hải Nam Trung Bộ mà còn là cửa ngõ ra biển của cả khu vực Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia,.. thời gian qua, Cảng Quy Nhơn thu hút các khách hàng mới như: đường Quảng Ngãi, đường KCP, hàng nông sản của Hoàng Anh Gia Lai, Thilogi, hàng gia súc của Diên Hồng Gia Lai, THADI, hàng viên nén TTCL Hà Tiên, tôn cuộn Fomosa, Thép Hòa Phát, Đạm Phú Mỹ,… về làm tại cảng, thúc đẩy khơi thông dòng chảy giao thương trên địa bàn tỉnh và khu vực.

Đặc biệt, ngày 3/6/2020, công tác thu hút phát triển khách hàng của cảng được đánh dấu một mốc son mới khi một tuyến dịch vụ từ Cảng Quy Nhơn đi trực tiếp Đông Bắc Á được mở, thu hút hàng nông lâm sản từ khu vực Tây Nguyên, các tỉnh lân cận về làm hàng tại cảng với tần suất khai thác trung bình 1 tuần/1 tàu”, ông Linh thông tin.

img
Sau khi Tổng công ty Hàng hải VN tiếp quản, Cảng Quy Nhơn ngày càng khẳng định vai trò là "mắt xích" quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh Bình Định và khu vực miền Trung, Tây Nguyên

“Mắt xích” quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế địa phương

Hơn một năm Tổng công ty Hàng hải VN tiếp quản, bên cạnh việc mở rộng thị trường, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ của tỉnh Bình Định cũng được Cảng Quy Nhơn chú trọng.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Cảng Quy Nhơn cho biết, nếu như 6 tháng năm 2019 kể từ khi VIMC tiếp nhận, số lượng lớp đào tạo cho người lao động tại cảng còn hạn chế (12 lớp) thì trong 9 tháng năm 2020, Cảng Quy Nhơn đã cử được 100 nhân viên tham gia các khóa đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ với hình thức đào tạo linh hoạt, từ đào tại chỗ đến đào tạo trực tuyến; Đồng thời, bản thân cảng cũng tổ chức đào tạo nghiệp vụ chuyên môn cho toàn bộ lực lượng sản xuất trực tiếp với khoảng hơn 500 người.

“Nhờ các hoạt động trên, năng suất lao động bình quân tại Cảng Quy Nhơn đã tăng đáng kể với 82 tấn/người/ca trong 9 tháng đầu năm, tăng 21% so với cùng kỳ 2019. Thu nhập bình quân của người lao động cũng đã tăng bình quân 1 triệu đồng/người/tháng, đạt mức 15,2 triệu đồng/người/tháng”, ông Tuấn nói và cho rằng, ngoài việc người lao động được tăng thu nhập, công tác đào tạo tay nghề của cảng cũng giúp chất lượng nguồn lao động tại chỗ trên địa bàn tỉnh Bình Định được tăng lên, người lao động có thể sẵn sàng tham gia quy trình sản xuất tại các đơn vị trực tiếp khai thác cảng.

Không chỉ tập trung công tác phát triển nhân lực địa phương, Cảng Quy Nhơn cũng là một trong những đơn vị tiên phong hưởng ứng và thực hiện lời kêu gọi của UBND tỉnh Bình Định hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn, có hàng hóa thông qua cảng bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, trong thời gian lệnh giãn cách xã hội được áp dụng trên nhiều quốc gia, hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại tỉnh Bình Định bị gián đoạn, Cảng Quy Nhơn đã áp dụng các biện pháp giảm giá linh hoạt, giãn thời gian thanh toán cước phí để hỗ trợ doanh nghiệp, giúp khách hàng yên tâm, tin tưởng tuyệt đối vào các cam kết của cảng, duy trì và thúc đẩy hoạt động giao thương, góp phần vào tăng trưởng KT-XH trên địa bàn tỉnh.

Với vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH của địa phương, mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 mở rộng Cảng Quy Nhơn đến năm 2030. Tổng diện tích quy hoạch là gần 88ha, trong đó phạm vi quy hoạch xây dựng trên bờ gần 70ha. Phạm vi quy hoạch khu nước, vũng quay tàu hơn 18ha.

Mục tiêu quy hoạch phát triển mở rộng Cảng Quy Nhơn thành một trong những cảng biển hiện đại mang tầm khu vực đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh Bình Định, khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Đồng thời, khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế khu đất, khu nước, tăng nguồn thu cho ngân sách, làm động lực thúc đẩy quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế địa phương, giải quyết việc làm cho người lao động.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.