Hồ sơ tài liệu

Căng thẳng Biển Đông “phủ bóng” đối thoại ASEAN-Trung Quốc

27/04/2016, 13:25

Đối thoại cấp cao thường niên ASEAN-Trung Quốc đã mở màn hôm nay (27/4) tại Singapore, theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng.

B0A6D3AA-5E11-4532-8C25-2E45A6405996_w640_r1_s_cx0

Bắc Kinh đang nỗ lực chia rẽ khối đoàn kết ASEAN, theo các chuyên gia phân tích. (Ảnh: AP)

Đối thoại cấp cao giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc lần này quy tụ các nhà ngoại giao cấp cao của các nước ASEAN và Trung Quốc. Một trong những nội dung quan trọng của đối thoại chính là căng thẳng gia tăng ở Biển Đông.

Giới quan sát nhận định, đối thoại lần này sẽ “vô cùng nóng bỏng”, trong bối cảnh Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng, cùng những diễn biến gần đây xung quanh vấn đề này.

Đối thoại ASEAN-Trung Quốc 2016 diễn ra tại "đảo quốc sư tử" từ 27-28/4. Dẫn đầu đoàn đại biểu nước chủ nhà là Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Singapore Chee Wee Kiong, trong khi ở phía Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lưu Chấn Dân làm trưởng đoàn.

Phát biểu về Đối thoại lần này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhận định: “Đối thoại nhằm chuẩn bị cho các nội dung của Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới, đồng thời thảo luận về Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC).”

Trong một diễn biến mới nhất hôm 23/4, Trung Quốc tuyên bố đã đạt được đồng thuận quan trọng với các quốc gia gồm Brunei, Lào và Campuchia về vấn đề Biển Đông và khẳng định, sự đồng thuận này không hề ảnh hưởng tới mối quan hệ Trung Quốc-ASEAN. Giới quan sát cho rằng, đây là động thái nguy hiểm của Bắc Kinh nhằm chia rẽ cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á trong vấn đề này.

Cựu Tổng thư ký ASEAN Ong Keng Yong cho rằng, động thái của Trung Quốc chính là “can thiệp vào công việc nội bộ của khu vực”,  còn cố vấn chính sách Bộ Ngoại giao Singapore – ông Bilahari Kausikan nhận định “đây không hề là diễn biến tích cực”, mặc dù Bắc Kinh luôn khăng khăng rằng, tranh chấp Biển Đông không phải là “vấn đề giữa Trung Quốc với ASEAN”.

"Nó có thể được hiểu là một phương tiện để chia rẽ ASEAN và có khả năng đi trước phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực trong khoảng một tháng nữa hoặc lâu hơn", ông Kausikan nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.