Góc nhìn

Căng thẳng Nga - Ukraine leo thang tại eo biển Kerch

27/11/2018, 09:31

Việc Nga dùng biện pháp quân sự và bắt giữ 3 tàu hải quân của Ukraine ngoài khơi bờ biển của Crimea...

30

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko

Nguy cơ xung đột lớn hơn

Với mối quan hệ không được hòa hảo sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và ủng hộ cuộc nổi dậy ở miền Đông Ukraine, sự cố mới nhất này có thể sẽ đẩy hai quốc gia vào một cuộc xung đột lớn hơn.

Cùng với việc đặt căn cứ của Hạm đội Biển Đen tại Crimea, Moscow đã xây dựng cầu Kerch nối bán đảo với lục địa miền Nam nước Nga, bắc ngang qua eo biển Kerch nối Biển Đen với Biển Azov, nơi có hai cảng quan trọng nhất của Ukraine. Hay nói cách khác, Nga đã kiểm soát được tuyến đường biển đặc biệt quan trọng từ Biển Đen vào Biển Azov.

Sự việc căng thẳng ngày 25/11 diễn ra khi các tàu hải quân Ukraine đang tiến vào vùng Biển Azov thì bị chặn lại bởi một tàu chở hàng cỡ lớn nằm án ngữ dưới gầm cầu Kerch. Lực lượng tuần tra biên giới Nga cáo buộc các tàu Ukraine xâm nhập trái phép lãnh hải Nga và yêu cầu 3 tàu này dừng lại vì lý do an ninh.

Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) giải thích rằng, họ phải nổ súng để buộc các tàu này dừng lại sau khi chúng xâm nhập lãnh hải Nga bất hợp pháp, phớt lờ những cảnh báo và có các hoạt động gây nguy hiểm. Việc ngăn chặn đã khiến 3 thủy thủ người Ukraine bị thương nhưng không ai gặp nguy hiểm tới tính mạng.

Kiev đã bác bỏ việc các tàu hải quân nước này đã làm bất cứ hành động sai trái nào vì cho rằng, kế hoạch di chuyển của ba tàu hải quân Ukraine từ thành phố cảng Odessa ở Biển Đen tới cảng Mariupol ở Biển Azov đã được thông báo cho phía Nga từ trước.

Chính quyền Kiev cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế trừng phạt Nga trong khi cáo buộc Nga cố tình leo thang xung đột với Ukraine trên biển Azov và chỉ ra rằng, máy bay chiến đấu Su-25 và trực thăng vũ trang Ka-52 của quân đội Nga đã được triển khai tuần tra liên tục trên khu vực cầu Kerch ở Biển Azov.

Hãng tin Reuters cho hay, các chính trị gia Nga đã lên án Kiev và cho rằng, vụ việc giống như một kế hoạch được sắp đặt sẵn của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko để gia tăng tiếng tăm của ông trước một cuộc bầu cử vào tháng 3 năm tới.

Trong một dấu hiệu căng thẳng gia tăng khác, cơ quan thông tấn RIA của Nga báo cáo vào 25/11 rằng, các lực lượng Ukraine đã bắt đầu bắn phá các khu dân cư ở miền Đông Ukraine, nơi có những người ly khai ủng hộ Moscow.

Ukraine chuẩn bị kích hoạt thiết quân luật

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết ngày 26/11 rằng, ông đã đề xuất ban bố tình trạng thiết quân luật (hay Đạo luật biện pháp chiến tranh) sau vụ việc căng thẳng tối 25/11 ở Biển Đen.

Theo đó, một hệ thống các quy định sẽ có hiệu lực khi quân đội nắm quyền kiểm soát quyền quản lý tư pháp bình thường. Dù vậy, nhà lãnh đạo Ukraine Poroshenko đảm bảo với công chúng rằng, quyết định áp đặt thiết quân luật của Kiev sẽ không xâm phạm quyền tự do của công dân và lưu ý rằng, Ukraine sẽ chỉ thực hiện các hành động phòng thủ để bảo vệ lãnh thổ và nhân dân nước này.

Nga kêu gọi Hội đồng bảo an LHQ họp khẩn

Ngày 26/11, chính quyền Moscow đã kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp sau vụ việc quân đội Nga đã bắt giữ các tàu chiến của Ukraine khi các tàu này bị Moscow tố cáo đã cố đột nhập vào lãnh hải của Nga gần Crimea và vi phạm quy ước của LHQ.

Trong khi đó, người đứng đầu lãnh thổ Crimea (bán đảo được Nga sáp nhập từ Ukraine), ông Sergei Aksyonov tuyên bố rằng phương Tây đứng sau kịch bản khiêu khích mà Ukraine vừa tiến hành trong vùng lãnh hải của Nga ở Biển Đen.

Hội đồng An ninh Quốc phòng Ukraine (NSDC) đã ủng hộ tuyên bố thiết quân luật trong vòng 60 ngày và hiện đề xuất này đang được trình Quốc hội Ukraine thông qua.

Việc áp đặt thiết quân luật này được đưa ra ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống ở Ukraine 4 tháng, mà trong đó, ông Poroshenko đang nhận được mức ủng hộ thấp nhất từ trước tới nay.

Theo một cuộc thăm dò gần đây, chỉ có 7,8% người Ukraine sẵn sàng đi bỏ phiếu cho các nhà lãnh đạo Ukraine đương nhiệm trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 3/2019.

Cuộc đua cho vị trí tổng thống đang được dẫn đầu bởi cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko với khoảng 18,5% phiếu bầu. Ông Poroshenko thậm chí còn bị xếp sau một diễn viên hài nổi tiếng người Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, người đang nhận được 10,8% người ủng hộ, mặc dù ông này chưa xác nhận có tranh cử hay không.

Theo giới phân tích, đây là một động thái quan trọng bởi sẽ không có sự kế nhiệm tổng thống hay cuộc bầu cử nào có thể được tổ chức trong thời gian đất nước đang áp đặt thiết quân luật. Dù thời hạn thiết quân luật chỉ kéo dài trong 60 ngày, nhưng chúng có thể được gia hạn bởi Quốc hội.

Thiết quân luật cũng cho phép các nhà chức trách quyền cấm các cuộc tuần hành hòa bình, các cuộc biểu tình và các hành động quần chúng khác. Trong trường hợp Ukraine ban bố tình trạng này, các hoạt động của các đảng phái chính trị cũng có khả năng bị cấm.

Động thái này cũng cho phép chính quyền tăng kiểm soát đối với các phương tiện truyền thông. Các ấn phẩm báo chí, truyền hình và các kênh phát thanh có thể bị đóng cửa nếu được xem là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Ukraine.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.