Quản lý

Cảng vụ đưa thiết bị xếp dỡ tại cảng, bến thủy vào quản lý

31/10/2017, 08:41

Từ năm 2016, Cảng vụ Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) khu vực II lên danh sách toàn bộ thiết bị xếp dỡ hàng hóa...

14

Thiết bị xếp dỡ tại các cảng, bến thủy gồm nhiều loại, thuộc đối tượng quản lý an toàn của một số bộ, ngành

Lập hồ sơ, vận động từng cảng, bến

Những ngày cuối tháng 10/2017, PV Báo Giao thông khảo sát ngẫu nhiên tại một số cảng, bến thủy thuộc phạm vi quản lý của Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II như: Đáp Cầu, Kính Nổi, bến Bắc Lạng (sông Cầu), cảng phân đạm hóa chất Hà Bắc, bến Lục Liễu (sông Thương)... Ghi nhận tại đây, các thiết bị xếp dỡ hàng hóa (cần trục có gầu ngoạm, băng chuyền pa-lăng, máy xúc) đều có chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật. Có thiết bị do đơn vị kiểm định chuyên ngành xây dựng thực hiện, có loại do đơn vị kiểm định về an toàn lao động cấp. Những người trực tiếp vận hành cũng có các chứng chỉ đào tạo vận hành các thiết bị xếp dỡ hàng hóa.

Ông Nguyễn Văn Luận, Trưởng đại diện Cảng vụ Bắc Ninh (Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II) cho biết, từ tháng 3/2016, đơn vị đến các cảng, bến thủy thuộc phạm vi quản lý để tuyên truyền, vận động thực hiện kiểm định, đăng ký thiết bị xếp dỡ, cũng như lập hồ sơ quản lý từng thiết bị. “Khi chúng tôi tuyên truyền, vận động, nhiều chủ bến than phiền không biết kiểm định ở đâu. Vì thế, chúng tôi tìm hiểu, liên lạc với các đơn vị có chức năng kiểm định các loại thiết bị xếp dỡ đặc thù và “chắp nối” giữa đơn vị và kiểm định với chủ bến. Trường hợp thiết bị không có chứng nhận kiểm định, cảng vụ kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động, thậm chí xử phạt. Đến nay, 100% thiết bị xếp dỡ tại cảng, bến do đơn vị quản lý đã có chứng nhận kiểm định”, ông Luận nói và cho biết, đơn vị từng xử phạt 3 trường hợp vi phạm.

Mong tháo gỡ vướng mắc cho cảng, bến

Ông Lê Đức Cường, Phó giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II cho biết, từ tháng 3/2016, đơn vị đã chỉ đạo các đại diện tổng rà soát và lập hồ sơ quản lý từng thiết bị đối với tất cả các cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn 16 tỉnh, thành phố được giao quản lý. Ngoài lập biên bản hiện trạng, yêu cầu các chủ cảng, bến không được sử dụng các thiết bị xếp dỡ đã quá hạn đăng kiểm hoặc không có đăng ký, đăng kiểm. Cảng vụ yêu cầu các đại diện tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các chủ cảng, bến thủy liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành đăng ký, đăng kiểm theo quy định.

Thông tư 36 của Bộ GTVT quy định về huấn luyện, bồi dưỡng và sát hạch nghiệp vụ kiểm định thiết bị xếp dỡ, thiết bị áp lực trong lĩnh vực GTVT (có hiệu lực từ ngày 1/12/2017) quy định, đăng kiểm viên tàu biển, phương tiện thủy nội địa, xe cơ giới và phương tiện giao thông đường sắt có ít nhất hai năm thực tế kiểm định thiết bị nâng, thiết bị áp lực và đã qua huấn luyện, bồi dưỡng lý thuyết, được cấp chứng chỉ kiểm định viên thiết bị xếp dỡ, thiết bị áp lực.

“Năm 2016-2017, cảng vụ đã hai lần ban hành kế hoạch tổng kiểm tra, hướng dẫn các cảng, bến về việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn thiết bị xếp dỡ. Có 315 thiết bị xếp dỡ và gần 50% đã được cấp chứng nhận kiểm định định kỳ, hơn 40 thiết bị có đăng ký hành chính”, ông Cường nói.

Đề cập những trường hợp chưa được chứng nhận kiểm định, đăng ký, ông Cường cho biết, thực tế nhiều trường hợp thiết bị xếp dỡ ở các bến nhỏ, lẻ đã được đưa vào vận hành từ vài chục năm trước, đến nay không còn hồ sơ thiết kế, giấy tờ thiết bị nên chủ bến khó khăn trong việc thực hiện được các thủ tục liên quan đến đăng ký, đăng kiểm. “Chúng tôi mong các ngành có chức năng quản lý các thiết bị xếp dỡ (xây dựng, an toàn lao động...) tổ chức khảo sát, đưa ra giải pháp tháo gỡ cho chủ cảng, bến, để đưa các thiết bị vào quản lý, bảo đảm an toàn trong vận hành”, ông Cường nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.