Tài chính

“Canh bạc” giữa mùa dịch và bài học “sống chung với lũ”

25/09/2021, 06:26

Nhà thuốc Long Châu do là ngành hàng thiết yếu nên được mở cửa kinh doanh, song lại đối mặt với nguy cơ cao tiếp xúc F0 dẫn đến tổn thất...

Năm 2019, ngay sau khi quyết định mở rộng chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu vốn được coi là “canh bạc”, Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số (FPT Retail) lại lấn sân sang thị trường mỹ phẩm.

Dịch Covid-19 ập đến đã khiến hoạt động kinh doanh của nhà bán lẻ công nghệ này xoay chuyển bất ngờ…

img

Chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu đặt mục tiêu tăng trưởng 150 cửa hàng mỗi năm sau đại dịch

Cú chơi “tay ngang”

Một ngày giữa tháng 9, tại nhà thuốc Long Châu trên phố Trần Đăng Ninh, 4 dược sĩ vẫn tấp nập phục vụ khách, người tư vấn qua điện thoại, người lấy thuốc, người vừa thanh toán vừa hướng dẫn quét mã QR tải App nhận ưu đãi…

Cách đó chỉ vài bước chân, một hiệu thuốc tư nhân khác khung cảnh ngược lại, 2 nhân viên khá nhàn rỗi, mở thêm cả quầy rau xanh “bán cho vui”.

Muốn thành công trong thị trường bán lẻ buộc phải có 3 yếu tố tiên quyết: Thứ nhất, phải có định vị tốt hay nói cách khác là xây dựng cấu trúc thương hiệu tốt để thu hút khách; Thứ hai, phải tận dụng được dữ liệu khách hàng, thâu tóm nền tảng cung ứng để đảm bảo “mua gốc bán ngọn”, thậm chí tiến dần tới làm chủ trong chế biến, sản xuất; Thứ ba, có hệ thống vận hành bán lẻ tốt thông qua vị trí mặt bằng và giải pháp logistics để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Khi đã hội tụ đủ 3 yếu tố này, mới xứng đáng bước chân vào cuộc chiến cạnh tranh giữa các “ông lớn” đại gia ngành bán lẻ. Còn muốn không bị đánh bật thì cần phải tập trung nguồn lực đầu tư phát triển, chứ không thể “đẻ ra rồi cho nó tự lớn”. Hiệu quả đầu tư ban đầu trong lĩnh vực bán lẻ không phải được đánh giá qua lợi nhuận, mà chính là thị phần, sự vươn rộng của các điểm phân phối.
Chuyên gia Hà Anh Tuấn


“Lần sau anh có thể ở nhà đăng ký đặt thuốc qua đường link, nhân viên sẽ chuyển tới tận nơi. Nếu gấp, anh có thể cho em mượn điện thoại kết bạn nhóm Zalo với nhà thuốc, khi nào có nhu cầu mời anh liên lệ, chúng em sẽ cho người chuyển tới nhà ngay”, một dược sĩ chia sẻ với khách hàng tại quầy thanh toán của nhà thuốc Long Châu.

Tại quầy bên cạnh, một khách hàng nữ cho hay, con gái 5 tuổi của chị đang sốt, bị nôn trớ nhiều, cần mua thuốc điều trị viêm họng…

Nghe vậy, một dược sĩ khác tư vấn: “Chị nên cho cháu đi khám càng sớm càng tốt để biết nguyên nhân chính xác. Hiện, em chỉ có thể cung cấp cho chị thuốc hạ sốt, nước bù điện giải... Chúng em chỉ là dược sĩ bán thuốc, chứ không phải là bác sĩ để bắt bệnh được. Con còn nhỏ, uống thuốc tùy tiện sẽ gây hậu quả khôn lường đấy ạ!”.

Trước đó, tại TP.HCM, chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu được Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) đầu tư thử nghiệm 8 cửa hàng từ năm 2017.

Riêng với người dân Hà Nội, vào cuối năm 2019, nhà thuốc đầu tiên trong chuỗi được mở, do vậy cái tên Long Châu vẫn còn rất xa lạ.

Năm 2019 cũng là năm lợi nhuận trước thuế của FPT Retail chỉ đạt 278 tỷ đồng, giảm 36% so với năm 2018.

Một trong những nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sụt giảm chưa từng có này là bởi lãnh đạo nhà bán lẻ kỹ thuật số đã quyết định xuống tiền đầu tư chuyển đổi số, mở rộng “canh bạc Long Châu”.

Chia sẻ với Báo Giao thông về thời điểm khó khăn này, bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc FPT Retail cho hay: “Đó là khi chúng tôi vừa mới hoàn thiện hệ thống cửa hàng máy tính, điện thoại FPTshop thì thị trường rơi vào thời điểm bão hòa, chuỗi cửa hàng thuốc Long Châu lại chưa kịp lớn để bù vào mức tăng trưởng chung...”.

Khó khăn là vậy song với tham vọng trở thành nhà bán lẻ đa ngành vẫn khiến FPT Retail sục sôi lập kế hoạch tấn công sang thị trường “tay ngang” là mỹ phẩm.

Tuy nhiên, không may mắn như 2 “người anh em” là FPTshop và FPT Long Châu, hệ thống mỹ phẩm FBeauty sau khi đưa vào thử nghiệm năm 2020, tới nay chỉ còn 1 cửa hàng tại Hà Nội; lĩnh vực này cũng không còn được nhắc tới trong chiến lược phát triển của FPT Retail.

Cơ hội mở ra trong đại dịch

Suốt gần 2 năm dịch Covid-19 nổi lên, “đối thủ” của FPT Retail là Công ty CP Thế Giới Di Động đã kịp có 2 giá đỡ chống lưng là Điện Máy Xanh và Bách Hóa Xanh với tỷ trọng doanh thu hiện ở mức tương ứng 21,4% và 53,3% (tính trong 6 tháng 2021).

Đáng nói, trong nửa đầu năm nay, 1.888 cửa hàng thực phẩm Bách Hóa Xanh đã mang về doanh số hơn 13.360 tỷ đồng cho Thế Giới Di Động, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, với hệ thống gần 890 cửa hàng, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của FPT Retail đạt doanh thu hơn 9 nghìn tỷ đồng, tăng 24% cùng kỳ; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 76 tỷ đồng, tăng 189%, hoàn thành 63% kế hoạch năm. Riêng chuỗi nhà thuốc Long Châu tiếp tục có sự tăng trưởng với doanh thu từ 268 cửa hàng đạt 1.336 tỷ đồng trong nửa đầu năm, gấp gần 3 lần cùng kỳ. Dự kiến tới hết quý 3, với số lượng nhà thuốc lên khoảng 300 cửa hàng, Long Châu sẽ đóng góp 15 - 20% tổng doanh thu hợp nhất.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng trên cũng được nhận định chỉ mang tính thời điểm. Theo bà Nguyễn Đỗ Quyên, Giám đốc Điều hành FPT Retail, Long Châu đang có thuận lợi ngắn hạn từ nhu cầu tăng cao đột biến về thuốc trong mùa dịch.

“Khi Covid-19 xảy ra thì chúng tôi nhìn thấy nhiều cơ hội hơn nữa trong lĩnh vực dược phẩm và chăm sóc sức khỏe, vậy nên Ban điều hành FPT chủ trương sẽ đầu tư nhanh và mạnh hơn nữa cho chuỗi nhà thuốc Long Châu, bám sát mục tiêu mở thêm 150 cửa hàng mỗi năm”, bà Quyên cho biết.

Dù chưa tiết lộ số vốn bỏ ra cho Long Châu, song lãnh đạo FPT Retail vẫn khẳng định chuỗi nhà thuốc này vẫn đang trong thời điểm đầu tư.

Một mảng kinh doanh có bức tranh tươi sáng giữa mùa dịch ảm đạm của FPT Retail chính là sản phẩm laptop. Trong khi doanh thu mảng điện thoại, phụ kiện đang giảm mạnh, doanh thu từ laptop của FPTshop tăng trưởng 60% so với cùng kỳ năm ngoái khi nhu cầu học tập làm việc online tăng cao.

Đặc biệt, chỉ trong 5 ngày từ 1 - 5/9, hệ thống FPT Shop ghi nhận doanh thu kỷ lục với 2 nhóm hàng có nhu cầu đột biến là laptop và tablet, nhu cầu khách hàng cho 2 nhóm sản phẩm này đều tăng trên 300% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu từ GfK, nhà cung cấp dữ liệu và ngành hàng tiêu dùng, FPTshop là chuỗi cửa hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, vươn lên đứng đầu thị trường bán lẻ laptop với 31% thị phần tại Việt Nam.

Tận dụng sức mạnh công nghệ, ngay giữa mùa dịch, tính chung lại, mảng kinh doanh online của FPT Retail tăng trưởng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2020, tỷ trọng doanh thu những ngày cao điểm có thể đạt tới 60 - 70% toàn hệ thống.

Theo chuyên gia marketing Hà Anh Tuấn, trong khoảng 5 năm trở lại đây, thị trường bán lẻ sản phẩm công nghệ đã bão hòa, chuyển dần sang thoái trào khi nhà sản xuất áp dụng chính sách bình đẳng cho các nhà phân phối, người dân chuyển sang xu hướng đặt mua trực tiếp từ nhãn hàng…

Chính vì vậy, muốn phát triển, các đại gia trong ngành hàng sản phẩm công nghệ phải chuyển sang mặt hàng thiết yếu như thuốc, thực phẩm… và đây mới chính là dư địa của thị trường bán lẻ.

Bài học “sống chung với lũ”

img

Nhân viên Long Châu giao hàng tận nhà cho khách hàng trong mùa dịch Covid-19

Nói về “sức khỏe” các mảng kinh doanh của FPT Retail trong 4 đợt dịch, bà Quyên cho hay, bán lẻ là một trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Cụ thể, FPTshop đã buộc phải đóng cửa hơn 50% cửa hàng dẫn đến doanh thu sụt giảm khá mạnh. Đặc biệt là trong tháng 8 vừa qua, lực lượng bán hàng ở các khu vực áp dụng Chỉ thị 16 đến 16+ chỉ còn 50% quân số.

“Nhà thuốc Long Châu do là ngành hàng thiết yếu nên được mở cửa kinh doanh, song lại đối mặt với nguy cơ cao tiếp xúc F0 dẫn đến tổn thất lực lượng bán hàng khá lớn. Ngoài ra, tổng kho của Long Châu phải thực hiện “3 tại chỗ” nên cũng dẫn đến việc nguồn lực bị hạn chế. Trong hoàn cảnh đó, Long Châu kiên định chủ trương bình ổn giá thuốc để đỡ đần gánh nặng tài chính cho khách hàng trong đại dịch, vậy nên tháng 7 và tháng 8 doanh thu đang tăng trưởng tốt hơn lợi nhuận”, bà Quyên cho hay.

Nhớ lại những lúc khó khăn, nữ Giám đốc điều hành chia sẻ: “Con người FPT Retail từ lãnh đạo đến nhân viên bán hàng đều chung nhau một ý chí và quyết tâm “sống chung với lũ, chắt chiu từng cơ hội được phục vụ khách hàng” trong đại dịch này. Dù khó khăn, vất vả chất chồng nhưng ai cũng ý thức cần phải vượt qua vì sứ mệnh phục vụ. Sau gần 2 năm trải qua mọi biển đổi do dịch Covid-19 gây ra, chúng tôi không có bài học gì to tát ngoài việc kiên trì, sáng tạo, tuân thủ kỷ luật và luôn vì khách hàng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.