Xã hội

Cảnh báo 230 điểm, 158 km đê kè xung yếu có nguy cơ mất an toàn

26/06/2020, 15:12

Thống kê cho thấy trên hệ thống đê tồn tại 230 trọng điểm xung yếu; 399km đê thiếu cao trình; 683km đê mặt cắt nhỏ hẹp... có nguy cơ mất an toàn

img
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại hội nghị

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tại Hội nghị trực tuyến tổ chức sáng nay (26/6), trên hệ thống đê từ cấp III đến cấp đặc biệt còn tồn tại 230 trọng điểm xung yếu; 399km đê còn thiếu cao trình; 683km đê mặt cắt nhỏ hẹp; 459 cống cũ, hư hỏng; 158km kè hư hỏng, xung yếu. Tình hình vi phạm pháp luật về đê điều vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Việc ngăn chặn, xử lý còn hạn chế do nhận thức của một bộ phận người dân và chính quyền địa phương một số nơi đối với công tác quản lý, bảo vệ đê điều còn hạn chế.

Ghi nhận năm 2019, bão lũ cũng làm ảnh hưởng, gây ra nhiều thiệt hại đến công trình đê điều: Triều cường vượt lịch sử kết hợp với gió mùa Đông Nam mạnh vào đầu tháng 8/2019 gây nước dâng và sóng cao trên 3m làm tràn đỉnh đê biển Tây, tỉnh Cà Mau; Mưa lớn trên 300mm tại Tây Nguyên, gây lũ, ngập lụt trên diện rộng, làm vỡ đê bao Quảng Điền (tỉnh Đắk Lắk); lũ lớn (trên BĐIII 1m) trong tháng 9/2019 trên diện rộng từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị,…

Từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường,đã xảy ra 186 trận dông, lốc, mưa lớn trên 40 tỉnh/TP; 02 trận lũ quét, sạt lở đất; Hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long,…

Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020 xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung nhiều trong những tháng nửa cuối năm 2020; Dễ gây mất an toàn đê điều.

Để chủ động ứng phó diễn biến mưa lũ phức tạp, an toàn đê điều, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu, UBND cấp huyện có nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác phòng chống thiên tai, quản lý, bảo vệ, tu bổ, nâng cấp, kiên cố hóa đê điều và hộ đê.

Thứ trưởng nhấn mạnh, vai trò của Chủ tịch UBND cấp huyện là yếu tố quan trọng, cả trong phòng, chống thiên tai (phòng ngừa và ứng phó thiên tai, khắc phục hậu quả) và trong công tác đê điều. Do đó, Chủ tịch UBND cấp huyện cần kiện toàn tốt Ban chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện; Đầu tư, xử lý cấp bách các công trình PCTT do huyện quản lý; Thực hiện phòng ngừa thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”…

Bên cạnh đó, phải hoàn thiện phương án bảo vệ trọng điểm, hộ đê và tổ chức triển khai trên thực tế; Chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương án bảo vệ trọng điểm và hộ đê được phê duyệt; Tổ chức tuần tra canh gác trong mùa lũ, kiểm tra, báo cáo và xử lý sự cố đê điều, hộ đê.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.