Xã hội

Cảnh báo bệnh viêm não bùng phát như dịch sởi

03/07/2014, 07:04

Trước tình trạng số lượng trẻ mắc bệnh viêm não Nhật Bản tăng vọt, Bộ Y tế yêu cầu rà soát công tác tiêm phòng, đẩy mạnh khuyến cáo người dân cách phòng chống bệnh.

Nhiều bệnh nhân viêm não phải thở máy
Nhiều bệnh nhân viêm não phải thở máy


Số bệnh nhân tăng đột biến


Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi T.Ư, chị Lương Thị Hân (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) có con mới 7 tháng tuổi đã nhập viện 1 tuần cho biết, ngày đầu khi bé có biểu hiện sốt cao, gia đình nghĩ là do mọc răng. Sau khi bé sốt một ngày không hạ nhiệt, chị Hân đưa con đi trạm xá thì được chẩn đoán sốt virus. Ngày thứ ba, bé sốt cao rồi lên cơn co giật, gia đình đưa bé tới Bệnh viện Nhi T.Ư thì được chẩn đoán bé bị viêm não Nhật Bản. Do chưa đến tuổi nên bé chưa tiêm phòng bệnh này.


Ở giường bệnh bên cạnh, chị Vũ Thị Thủy (huyện Ân Thi, Hưng Yên) chia sẻ, con trai chị được 13 tháng, chưa tiêm phòng viêm não Nhật Bản. Hôm kia, cháu bỗng dưng sốt 38 độ, chỉ sau 10 phút nhiệt tăng lên 39 độ rồi có biểu hiện co giật, sùi bọt mép. Gia đình nhanh chóng đưa cháu tới Bệnh viện Nhi T.Ư và được chẩn đoán viêm não Nhật Bản.
 

"Hiện bệnh viêm não Nhật Bản B vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng ngừa tốt nhất là tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch: Mũi 1 lúc trẻ 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1 -2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm; sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Ngoài ra, người dân nên ngủ màn, mặc quần áo dài, dùng các chất xua đuổi côn trùng đề phòng muỗi đốt”.

 

Ông Trần Minh Điển
Phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư

Còn cháu Lò Văn Tương (7 tuổi, xã Ta Ma, huyện Tuần Giáo, Điện Biên) được chẩn đoán mắc viêm não Nhật Bản nhưng đã có biến chứng. Anh Lò Văn Hòa (bố cháu Tương) cho hay, khi Tương có biểu hiện sốt cao, đau đầu, gia đình đã mua thuốc giảm đau về cho Tương uống nhưng bệnh tình càng nặng, buộc phải vào bệnh viện tuyến tỉnh và chuyển tới Bệnh viện Nhi T.Ư vì biến chứng nặng.

Th.s BS Nguyễn Văn Lâm - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm đơn nguyên 1, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã thu dung và điều trị 137 bệnh nhân viêm não, trong đó hơn 50 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản (chiếm khoảng 38%). Hiện Khoa Truyền nhiễm  đang điều trị cho 14 ca viêm não Nhật Bản/tổng số 40 ca viêm não, trong đó có 6 bệnh nhân bị di chứng nặng đang phải thở máy. Đa phần bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản đang điều trị tại đây đều chưa tiêm phòng bệnh; và không ít trường hợp bị biến chứng nặng do người nhà tự ý mua thuốc về điều trị, điều trị không đúng cách và đưa đến cơ sở y tế muộn. 


Còn theo TS. Trần Minh Điển - Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư, nếu những tháng đầu năm chỉ có vài ca viêm não Nhật Bản nhập viện thì từ đầu tháng 6 đến nay, số bệnh nhân mắc bệnh này tăng vọt, đã có 1 ca tử vong. “Hiện đang là đỉnh dịch viêm não, đặc biệt là viêm não Nhật Bản. Dự kiến số bệnh nhân mắc viêm não sẽ tiếp tục gia tăng đến hết tháng 7/2014” - ông Điển lo lắng. 

Cảnh giác sau bài học dịch sởi


Trước sự gia tăng bất thường của bệnh viêm não Nhật Bản, mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có buổi thị sát tại Bệnh viện Nhi T.Ư; đồng thời, yêu cầu Cục Y tế dự phòng nhanh chóng rà soát lại công tác tiêm chủng vaccine viêm não Nhật Bản B để có điều chỉnh cần thiết; tổng hợp, thống kê tình hình dịch bệnh viêm não Nhật Bản B trên cả nước để kịp thời cảnh báo và có biện pháp khống chế kịp thời.


Bệnh viện Nhi T.Ư cũng đã nhanh chóng có kế hoạch phân luồng bệnh nhân, tránh quá tải dẫn tới tình trạng lây nhiễm chéo như đã từng xảy ra trong dịch sởi. Theo TS Trần Minh Điển, quy trình tiếp nhận người bệnh cũng được triển khai từ phòng khám trở vào và tiếp tục tiến hành phân loại tại khoa cấp cứu, sau đó ca nào xác định viêm não thì chuyển khoa Truyền nhiễm. Đồng thời, bố trí đủ nhân lực, vật lực và giường bệnh, đảm bảo điều trị hiệu quả cho bệnh nhân. 


Tuy nhiên, bác sĩ Trần Minh Điển cho hay, viêm não Nhật Bản là bệnh có tỷ lệ để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Bệnh lây truyền qua muỗi đốt với biểu hiện chính là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương như: Nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cứng cổ,  lú lẫn, co giật, đờ đẫn, hôn mê... Với trẻ nhỏ, có thêm biểu hiện thóp phồng (nếu còn thóp), khóc tăng lên khi trẻ thay đổi tư thế hoặc gồng cứng người. 

Vũ Anh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.