Bất động sản

Cảnh báo rủi ro đầu tư tại Nhật Nam: Mô hình Ponzi hoạt động thế nào?

12/09/2022, 09:15

Ponzi là một mô hình huy động tiền từ người này để trả lợi nhuận cho người khác, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Không còn tiền "bơm" Ponzi sụp đổ

Trao đổi với PV Báo Giao thông về mô hình hoạt động Ponzi đề cập trong cảnh báo của Văn phòng tỉnh Hoà Bình về hoạt động của Công ty CPĐTTM Bất động sản Nhật Nam (Nhật Nam), luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó trưởng Phòng tranh tụng, Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết, Ponzi là một mô hình huy động tiền từ người này để trả lợi nhuận cho người khác.

img

Lễ công bố dự án của Công ty BĐS Nhật Nam

Người đi vay sẽ vẽ ra một kế hoạch đầu tư lý tưởng, cam kết một mức lãi suất cao chót vót. Người cho vay sẽ bơm tiền vào hệ thống với mong muốn kiếm được lợi nhuận. Để kiếm được nhiều hơn thì bản thân người cho vay cũng phải giới thiệu thêm người mới tham gia vào mạng lưới.

Đến khi mô hình Ponzi phình to và không thể tiếp tục kêu gọi người mới vào mạng lưới được nữa. Đồng nghĩa rằng không còn tiền mới bơm vào hệ thống để trả lãi cho người đầu tư đi trước được nữa thì mô hình Ponzi sẽ sụp đổ. Lúc đó nó sẽ gây ra rủi ro đó với các nhà đầu tư.

Theo luật sư Hùng, hiện nay nhiều người đánh đồng Ponzi với bán hàng đa cấp chân chính. Nhưng tìm hiểu kỹ sẽ thấy 2 mô hình kinh doanh này hoàn toàn khác nhau.

Đa cấp chân chính có sản phẩm thật, hữu hình thì sản phẩm của mô hình Ponzi lại không có hoặc có chất lượng sản phẩm thấp.

Tương tự, giá bán hàng hoá đa cấp tương ứng với giá trị sản phẩm. Giá bán hàng hoá của Ponzi lại rất cao, cao hơn nhiều so với giá trị thật của sản phẩm.

Lợi nhuận thu được từ mô hình đa cấp từ kinh doanh sản phẩm thực tế, trong khi đó lợi nhuận Ponzi được lấy từ người trước để trả người sau...

Từ những phân tích trên, luật sư nhận định, cảnh báo của các cơ quan chức năng là những thông tin rất quan trọng. Các nhà đầu tư cần tỉnh táo, xem xét lại các cơ hội hợp tác để đảm bảo không bị "tiền mất, tật mang".

Nhật Nam trả lợi nhuận đến 68% sau 24 tháng

Trước đó, Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình ra văn bản về việc xử lý nội dung liên quan đến Công ty cổ phần đầu tư thương mại Bất động sản Nhật Nam (Công ty Nhật Nam) có dấu hiệu, hành vi, hoạt động huy động vốn có nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế (ANKT), an ninh trật tự (ANTT).

Theo đó, Công ty Nhật Nam đã thành lập nhiều chi nhánh và các văn phòng tại các tỉnh trên cả nước, lôi kéo nhiều nhà đầu với lợi nhuận khủng lên đến 60 - 84%/năm, kèm theo nhiều ưu đãi.

Tuy nhiên Công ty Nhật Nam chi trả lợi nhuận bằng tài khoản cá nhân (hành vi có dấu hiệu vi phạm Luật Quản lý thuế). Cách thức hoạt động của công ty này tương tự mô hình "Ponzi” (lấy tiền của người trước trả cho người sau), đến khi Công ty Nhật Nam hết khả năng chi trả cho nhà đầu tư.

Căn cứ vào nội dung trên, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức rà soát các chi nhánh, văn phòng của Công ty Nhật Nam, cũng như các doanh nghiệp có dấu hiệu hoạt động huy động vốn tương tự để có biện pháp ngăn chặn, xử lý; thực hiện rà soát các cổ đông góp vốn có tài khoản hoặc giao dịch chuyển tiền tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Theo tìm hiểu của PV, Công ty CPĐTTM Bất động sản Nhật Nam (Nhật Nam) được giới thiệu là một doanh nghiệp đầu tư bất động sản. Các lĩnh vực đầu tư kể đến như: Khách sạn, nhà hàng, karaoke, cafe...

Do đó Nhật Nam huy động vốn của các nhà đầu tư nhằm đầu tư bất động sản. Sau đó trả lại cả gốc cả lãi cho khách hàng trong 24 tháng.

PV trong vai một nhà đầu tư, một nhân viên tên A.T., tư vấn cho PV, Nhật Nam là đơn vị đầu tư, sẽ chịu trách nhiệm đi đầu tư và trả lại lợi nhuận cho khách hàng.

Theo đó, với số vốn giả dụ 100 triệu, sau khi khách hàng chuyển khoản cho công ty, 2 ngày sau khách hàng sẽ nhận được tiền hoàn lại cả gốc cả lãi là 350 nghìn/ngày. Mỗi tháng tính 20 ngày đi làm, khách hàng sẽ được hoàn lại khoảng 7 triệu bao gồm cả gốc cả lãi. Sau 24 tháng, khách hàng nhận cả gốc cả lãi là 168 triệu (lãi 68 triệu/2 năm). Nhân viên này cho biết, khách hàng không phải làm gì ngoài việc ký hợp đồng hợp tác và nhận lợi nhuận.

Tìm hiểu quy định tại một hợp đồng hợp tác khoảng 400 triệu, cho thấy, nếu khách hàng muốn rút toàn bộ vốn trước thời hạn phải thông báo bằng văn bản, bị phạt 30% giá trị hợp đồng, trả lại toàn bộ chi phí đã nhận trước đó và bồi thường thiệt hại nếu có.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.