Chất lượng sống

Cảnh báo rượu giả gây ngộ độc tăng cao

03/02/2017, 16:13

Ghi nhận tại Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai (Hà Nội), so với năm trước, ngộ độc rượu methanol tăng...

14

Bệnh nhân ngộ độc rượu điều trị tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: Thúy Anh

Tăng ngộ độc rượu giả

Trao đổi với Báo Giao thông, BS. Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai cho biết, so với trước Tết, số bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc rượu giảm nhưng đáng báo động vì tăng bệnh nhân ngộ độc rượu chứa methanol. Các bệnh nhân này đều chịu hậu quả nặng nề, trong đó 2 người xin về với tiên lượng chắc chắn tử vong và 1 người may mắn thoát chết nhưng để lại di chứng giảm thị lực, mờ mắt.

Cụ thể, ngay trong ngày mùng 1 Tết, bệnh nhân Trần Ngọc V. (sinh năm 1970, Hưng Yên) chuyển cấp cứu khi đã hôn mê, co giật. Bệnh nhân được các bác sĩ test máu và kết luận ngộ độc methanol. Theo người nhà, trước đó, bệnh nhân đã uống rượu ở nhiều nơi. Khi vào viện dù nhanh chóng được xử lý thải độc, nhưng huyết áp vẫn tụt, bệnh nhân bị tổn thương não. Sau điều trị 2 ngày tại trung tâm, bệnh nhân được gia đình xin về vì tiên lượng xấu.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 7 ngày, các cơ sở y tế khám, cấp cứu cho gần 180.000 trường hợp (giảm 32,83% so với năm 2016), thực hiện 13.705 ca phẫu thuật, trong đó 310 trường hợp phẫu thuật chấn thương sọ não, đón khoảng 18.500 cháu bé chào đời. Cụ thể, khám, cấp cứu cho 35.725 trường hợp TNGT; 4.500 trường hợp đánh nhau, trong đó 550 trường hợp xác định nguyên nhân do rượu, bia; 2.500 ca rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn và rượu; 150 người vào viện do bị thương bởi pháo nổ (chưa loại trừ số trùng lặp do chuyển viện), không có người tử vong…

Tương tự, ngày mùng 3 Tết, các bác sĩ tại trung tâm đã tiếp nhận ca bệnh Vũ Văn H. (sinh năm 1949, Thanh Trì, Hà Nội) cũng ngộ độc methanol do uống quá nhiều rượu mà gia đình không xác định được rõ địa chỉ uống. Khi nhập viện, bệnh nhân hôn mê, không đo được huyết áp, rối loạn trong máu buộc phải lọc máu, chạy thận nhân tạo nhưng bệnh tình không cải thiện, bệnh nhân hôn mê sâu và được gia đình xin về.

May mắn hơn, anh Phùng Văn Tr. (sinh năm 1966, Vĩnh Phúc) nhập viện trong tình trạng mắt mờ, nôn nhiều, huyết áp tụt, rối loạn trong máu và phải dùng thuốc trợ tim. Trước đó, bệnh nhân đã được cấp cứu và chuyển lên từ BV Đa khoa Vĩnh Phúc. Khi đến viện, bệnh nhân được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu, dùng thuốc giải độc, lọc máu. May mắn, giữ được tính mạng nhưng bệnh nhân bị mờ mắt do phải hứng chịu di chứng ngộ độc methanol.

“Hầu hết bệnh nhân bị ngộ độc methanol thường đến viện muộn nên cơ hội sống vô cùng mong manh. Khi ngộ độc methanol, các bệnh nhân đều không nhận biết được trong rượu có trộn cồn công nghiệp methanol, nên việc cấp cứu thường trễ”, BS. Trung Nguyên cho biết.

Cũng theo BS. Nguyên, năm trước, dù có nhiều trường hợp ngộ độc rượu (ngộ độc ethanol) nhập viện nhưng không có trường hợp nào ngộ độc methanol. Điều này cho thấy, tình trạng rượu giả lại nổi lên. “Mặc dù, so với thời điểm trước Tết, số ca ngộ độc rượu có giảm nhưng điều đáng lo chính là thời điểm sau Tết, số ca ngộ độc thường tăng hơn nhiều bởi các trận ép rượu Tân niên”, BS. Nguyên cảnh báo.

Cẩn trọng nuốt mật cá trắm, cá chép

Ngày mùng 4 Tết, bệnh nhân Lê Đình Đ. (sinh năm 1959, Thanh Liêm, Hà Nam) được chuyển cấp cứu tại Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai vì ngộ độc mật cá trắm. Vừa trở về giường sau khi chạy thận nhân tạo để lọc độc, ông Đ. yếu ớt cho hay: “Nhà thịt con cá trắm 4 cân để đổi bữa, nghe mọi người nói uống mật cả trắm giúp khỏe người, nên đã pha mật cá trắm vào chén rượu uống”. Khỏe đâu chưa thấy, sau 7 giờ đồng hồ, ông Đ. có biểu hiện đau bụng, nôn nhiều, tiểu ít. Cố chịu đựng gần 4 ngày ở nhà vì nghĩ “kiêng kỵ” đầu năm đến viện, ông Đ. buộc phải nhập viện chạy thận cấp cứu vì suy thận. “Nếu bệnh nhân đến muộn thêm chút nữa, không được chạy thận lọc độc thì có thể tử vong”, BS. Nguyên cho biết.

Còn theo người nhà, bệnh nhân vốn có “vấn đề” về gan, thận, do vậy may mắn là mới chỉ dùng “3 giọt mật cá trắm hòa vào chén rượu” nên còn kịp cứu chữa.

Theo các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, nếu không tuyên truyền mạnh, số bệnh nhân ngộ độc vì nuốt mật cá trắm, cá chép sẽ còn có nguy cơ tăng vì sau Tết, mọi nhà thường có tâm lý đổi món thực phẩm, từ thịt gia súc, gia cầm sang cá. Điều đáng nói là nhiều người thường nghe đồn thổi về công dụng của các loại mật mà tự ý sử dụng. “Xin lưu ý, mật của các loại cá nói chung và cá trắm, cá chép nói riêng luôn chứa độc, không có lợi cho sức khỏe con người. Quan niệm dùng mật để tăng cường sức khỏe là sai lầm và cần được loại bỏ”, BS. Nguyên khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.