Thị trường

Cảnh báo thiếu lao động khu vực phía Nam: Cách nào giữ chân người lao động?

Việc thiếu hụt lao động đang khiến các doanh nghiệp đau đầu trong bối cảnh vừa trở lại sản xuất theo trạng thái “bình thường mới”.

Kỳ cuối: Cách nào giữ chân người lao động?

Không trụ nổi tại các tỉnh, thành phía Nam sau đợt dịch kéo dài, đã có hàng chục vạn người lao động buộc phải về quê, tìm cách khác mưu sinh.

Việc thiếu hụt lao động đang khiến các doanh nghiệp đau đầu trong bối cảnh vừa trở lại sản xuất theo trạng thái “bình thường mới”.

Làm thế nào để giải bài toán trước mắt và đâu là giải pháp căn cơ, lâu dài để sản xuất phát triển bền vững? Báo Giao thông có cuộc trao đổi với PGS.TS. Xã hội học Nguyễn Minh Hòa xung quanh vấn đề này.

img

PGS.TS. Xã hội học Nguyễn Minh Hòa

“Có thể 30% lao động sẽ không quay trở lại”

Ở góc độ nguồn nhân lực, theo ông, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai sẽ chịu hệ lụy gì khi hàng trăm ngàn lao động nhập cư rời bỏ khu vực này trong thời gian qua?

Lao động nhập cư vào các đô thị có thể phân thành 3 loại: Lao động trong công nghiệp, lao động trong các ngành dịch vụ và lao động tự do khác.

Nhóm đầu tiên là lao động công nghiệp. Hiện, TP.HCM có 22 khu chế xuất, khu công nghiệp, 2 khu công nghệ cao và phần mềm.

Công nhân nhập cư làm việc ở đây khoảng 420.000 người. Nhóm thứ hai là người lao động trong các công ty, nhà máy, công xưởng sản xuất vừa và nhỏ.

Nhóm thứ ba là lao động tự do làm thuê mướn, tham gia các dịch vụ tư và các công việc không tên. Nhóm thứ hai và thứ ba khoảng 600.000 người.

LTS: Hiện chưa có con số thống kê chính xác nhưng theo ước tính đã có trên dưới 50.000 công nhân, lao động tự do khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương ồ ạt về quê những ngày qua.

Cộng với số lao động đã rời các địa phương này trước đó, dự báo sắp tới khi các doanh nghiệp hoạt động trở lại, sẽ xuất hiện tình trạng khan hiếm lao động, đặc biệt là dịp cuối năm. Đây là bài toán đang khiến các doanh nghiệp khu vực phía Nam đau đầu.

Báo Giao thông khởi đăng loạt bài "Cảnh báo thiếu lao động khu vực phía Nam" giúp độc giả có góc nhìn rõ nét hơn về vấn đề này.

Có thể nói, hơn 1 triệu lao động nhập cư đã đóng góp rất lớn vào việc đảm bảo cho TP.HCM hoạt động bình thường và tăng trưởng.

Bức tranh lao động tương tự cũng hiện diện ở Đồng Nai, Bình Dương, thậm chí Bình Dương có một số lượng công nhân công nghiệp tại 48 khu công nghiệp tập trung cực lớn, lên đến 1,2 triệu người, gấp 3 lần TP.HCM.

Sau 4 đợt dịch, hàng trăm ngàn lao động rời bỏ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và việc này chắc chắn ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất.

Có thể hình dung ra một nhà máy mà chỉ có 40% nhân công, nhiều nhất là 60% thì chắc chắn dây chuyền sản xuất sẽ sụt giảm, năng suất sẽ thấp, nhiều khâu sẽ không chu toàn, không chỉ hàng tiêu dùng thiết yếu trong nội địa mà cả cho xuất khẩu cũng nghiêm trọng; nhiều cửa hàng bán lẻ, nhà hàng ăn uống và các dịch vụ khác không tái hoạt động được vì thiếu nhân công.

img

Hàng ngàn lao động miền Tây về quê trong đêm 1/10 từ TP.HCM. Ảnh: Đặng Đại

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến những dòng người ồ ạt rời các tỉnh phía Nam về quê, ông nghĩ khi nào thì họ sẽ quay trở lại và tỷ lệ sẽ là bao nhiêu?

Chắc chắn là họ sẽ quay lại, ít nhất là 70%, bởi lẽ cơ hội sống tốt của họ ở nơi xuất cư tại miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh nông thôn miền Bắc không có nhiều. Cơ hội sống bao gồm cơ hội học hành, cơ hội tìm kiếm việc làm, cơ hội hôn nhân, cơ hội thăng tiến…

Thời gian gần đây, các tỉnh đã xuất hiện các khu công nghiệp nhưng quy mô còn nhỏ nên hấp thụ lượng nhân lực địa phương còn ít.

Nói gì thì nói, TP.HCM vẫn là mảnh đất dễ kiếm sống nhất trong cả nước, người dân Sài gòn cởi mở, nhân hậu, thời tiết không quá cực đoan, “thóc đâu bồ câu đấy”.

Còn khi nào ư? Nên biết có được lực lượng lao động to lớn như trước dịch thì TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai phải mất thời gian tích lũy hơn 20 năm, nhưng 50% (giả định như thế) trong số họ ra đi trong thời gian vài tháng, nay hy vọng họ quay lại ngay là không thể.

Một số sẽ quay lại vào cuối năm nay, nhưng phần đông sẽ là sau Tết. Sẽ có một số lượng lớn, có thể 30% trong số họ sẽ tìm cách mưu sinh nơi quê nhà.

Tính đến nhà ở cho công nhân

img

Bà mẹ trẻ này quê ở Cần Thơ, hai vợ chồng làm công nhân ở TP.HCM đã 4 năm, thất nghiệp do dịch bệnh, không đủ tiền đóng nhà trọ nên bồng con về quê hôm 1/10. Ảnh: Đặng Đại

Ông nhận định như thế nào về thu nhập, điều kiện sống của lao động nhập cư là công nhân? Chính sách về nhà ở, trường học cho trẻ... ảnh hưởng như thế nào đến quyết định chọn nơi làm việc, sinh sống của người lao động?

Quả thật so với các nước, chính sách với người lao động nhập cư ở ta có quá nhiều điều không ổn.

Để người công nhân nhập cư có thể tích lũy được thì các nơi tiếp nhận nhiều lao động như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An phải thực hiện cho được ba chính sách lớn: Thứ nhất là nhà ở. Hơn 90% công nhân vẫn phải thuê nhà trọ với chất lượng sống rất thấp. Nếu công nhân được ở nhà lưu trú của doanh nghiệp như ở Bắc Ninh, Bắc Giang thì họ không phải mất tiền thuê nhà chiếm gần 25% thu nhập hàng tháng.
Thứ hai là đảm bảo họ được tiếp cận các dịch vụ xã hội khác như giáo dục, y tế ngang bằng với những người dân có hộ khẩu thường trú.
Thứ ba là phải cải tiến chế độ tiền lương, thu nhập. So với công nhân công nghiệp ở các nước khác trong khu vực thì mặt bằng đời sống công nhân của ta thấp hơn về lương bổng, nhà ở và hưởng thụ các loại dịch vụ xã hội, kể cả thụ hưởng về đời sống tinh thần. Có tích lũy tốt thì người lao động mới có khả năng chống chịu được dài ngày những rủi ro xảy ra, kiểu như Covid-19.
PGS.TS. Xã hội học Nguyễn Ngọc Hòa


TP.HCM bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa từ năm 1990 đến nay, thành phố đã đầu tư khá nhiều vào các khu công nghiệp, chế xuất như đất đai, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các dịch vụ xã hội, cải tiến thủ tục hành chính, hải quan, logistics… nhưng hình như quên mất người lao động nhập cư, hoặc bị coi là “công dân hạng 2”, không nằm trong diện mà các chính sách phải phủ kín.

“Ai lo cho người lao động?”. Câu trả lời dường như đã có sẵn: Chủ doanh nghiệp trả lương tháng, còn lại người lao động tự xoay xở. Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH thì lương bình quân của công nhân là 6,5 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca và làm thêm có thể được tổng thu nhập 10 triệu đồng (mức cao nhất của lao động phổ thông ở TP.HCM).

Trong khi đó, lương bình quân của công nhân ở Jakarta (Indonesia) là 23,5 triệu đồng (quy đổi), ở Kuala Lumpur (Malaysia) là 19 triệu đồng (quy đổi).

Ở TP.HCM, cơ cấu chi tiêu của một công nhân là mỗi tháng gửi về quê 2 triệu, ăn uống 3 triệu; xăng dầu, điện thoại, tiêu vặt 500.000, nhà ở, điện nước 2.500.000 (mức thấp nhất).

Như vậy nếu không đau ốm, không chi đám ma, đám cưới, sinh nhật thì khéo lắm họ tích lũy được 1 - 1,5 triệu đồng.

Vì là người ngụ cư cho nên họ không được tiếp cận dịch công như những người địa phương, nếu ai có con nhỏ thì họ phải gửi con vào nhóm trẻ tư nhân, các trường tiểu học, trung học dân lập, tư thục, tức là phải đóng tiền cao hơn gia đình có con em hộ khẩu tại thành phố…

Giá như cách đây 30 năm, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai nhận ra giá trị của người lao động nhập cư và có những chính sách hợp lý, đúng mức thì có lẽ giờ không có quá nhiều người lao động rời đi đến vậy.

Ngày ấy, nếu các tỉnh, thành cùng chủ doanh nghiệp xây dựng nhà lưu trú cho công nhân như ở Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc thì hay biết bao nhiêu.

Ở các nước đó, công ty giàu có thì bao cấp cho công nhân, công ty không bao cấp thì cho thuê nhà giá rẻ, vậy là họ có điều kiện sống tốt, tiết kiệm được một phần tiền đáng kể, trong trường hợp như dịch bệnh như hiện nay nếu nhà thuê là của Nhà nước hay của chủ doanh nghiệp thì việc miễn, giảm hay giãn nợ tiền thuê nhà là quá dễ dàng.

Một khi người công nhân được chăm lo tốt cho đời sống, sức khỏe, học hành cho con cái, đảm bảo được chế độ an sinh, có tích lũy thì họ sẽ làm ra sản phẩm nhiều hơn, tốt hơn và cố nhiên họ sẽ gắn bó hơn chứ không cần phải kêu gọi họ ở lại, ngăn cản không cho về quê…

Trước dịch, mỗi ngày TP.HCM thu ngân sách được 1.200 - 1.500 tỷ đồng. Chưa có số liệu nào công bố nhưng chắc chắn hơn 1 triệu lao động nhập cư đóng góp trong ấy nhiều lắm.

Họ đóng góp cho thành phố chứ không phải ăn theo thành phố như nhiều người nghĩ. Sau dịch, hy vọng các nhà hoạch định chính sách đối với công nhân và lao động nhập cư sẽ thay đổi quan điểm và cách hành xử sao cho hợp tình, hợp lý hơn.

Ngay cả khi thiếu lao động, liệu đó có là cơ hội để TP.HCM định hướng lại trong thu hút đầu tư, điều chỉnh lĩnh vực, ngành nghề và thiết kế môi trường sống, làm việc chất lượng cao, an toàn hơn, thưa ông?

Cần phải nghiêm túc nhìn nhận rằng, lực lượng lao động bỏ đi là một thất bại của chiến lược “phát triển công nghiệp - dịch vụ bền vững”.

Tuy nhiên, ở một phía khác khi một bộ phận lực lượng lao động không quay trở lại, nhất là lao động tự do thì đó không hẳn là thảm họa mà cũng có thể coi là cơ hội để đô thị lớn như TP.HCM cấu trúc lại nền kinh tế và cơ cấu lại lực lượng lao động của mình.

TP.HCM cần đặt ra câu hỏi là cần nhân lực loại nào? Thành phố phát triển công nghiệp công nghệ cao, dựa trên nền tảng của cách mạng công nghệ 4.0, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, không chủ trương phát triển các khu công nghiệp sử dụng quỹ đất lớn, thâm dụng lao động, sử dụng công nghệ, kỹ thuật cũ nữa thì rõ ràng không cần lực lượng lao động phổ thông lớn như trước dịch.

Tương tự như thế, nếu phát triển nền dịch vụ tiên tiến trong giáo dục - y tế, giao thông vận tải, vệ sinh môi trường, phân phối hàng hóa, bán lẻ, phục vụ tiêu dùng thì không cần đến một lực lượng lao động tự do khổng lồ mà trước dịch nơi đâu cũng thấy sự hiện diện của họ.

Bà con sẽ ở lại quê nhà mưu sinh, có thể thu nhập không cao nhưng chắc chắn an toàn hơn, yên tâm hơn và một số người không gây ra cản ngại cho sự phát triển ở đô thị (ăn xin, người lang thang…).

Cảm ơn ông!

Kỳ 1: Hơn 9 vạn việc làm đang chờ người lao động

Kỳ 2: Phải về quê vì trụ không nổi

Ông Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam):
Vấn đề cốt tử: Nhà ở, an sinh

Kết quả khảo sát nhanh của Viện Công nhân và Công đoàn đối với các đoàn di cư từ phía Nam cho thấy người lao động không chỉ vì mất việc làm mà còn bởi tâm lý căng thẳng, sợ hãi bởi dịch bệnh. Vấn đề đặt ra tại sao khi dịch bệnh đã dần qua, kinh tế đang hồi phục, nhu cầu lao động rất nhiều thì người lao động không ở lại?

Câu trả lời được cho là điều kiện mở cửa lại sản xuất chưa hoàn toàn thông thoáng nên chưa có đủ việc ngay. Điều kiện việc làm trước mắt chưa đảm bảo để ổn định tại chỗ nên người lao động quyết định ra về.

Nhìn lại, người lao động sẽ có thể chống chọi, thích ứng với tình hình dịch bệnh tốt hơn nếu điều kiện ở được cải thiện. Rất nhiều trường hợp lao động nhập cư ít khi hoặc không nhận được hỗ trợ do liên quan tới vấn đề tạm trú tạm vắng. Do đó, chính sách hỗ trợ an sinh có khi không đến được người cần hỗ trợ.

Xét về khả năng phục hồi thị trường lao động tại các tỉnh phía Nam, hiện chia làm 2 nhóm lao động. Nhóm thứ nhất quả quyết không quay trở lại ít nhất trong vòng từ 3 - 7 năm, vì những năm qua họ đã phải sống trong tình cảnh bấp bênh. Nhóm thứ 2 dù cho biết có thể, nhưng sau Tết mới xem xét quay trở lại hay không. Nhưng nếu có chắc chắn sẽ không đi cùng gia đình.

Mới đây, Tổng Liên đoàn đã đưa ra 5 giải pháp cấp bách giữ chân người lao động. Trong đó, điều quan trọng nhất phải tăng lương, thưởng, phúc lợi để người lao động có niềm tin, thấy được tương lai quay trở lại gắn bó.

Cảnh báo sẽ còn thêm một đợt di cư lao động nữa lớn hơn ngay trước Tết nếu mọi thứ chưa được cải thiện.

An cư mới lạc nghiệp. Về lâu dài, Tổng Liên đoàn vẫn kiến nghị cơ chế, nguồn lực giải quyết nhà ở cho công nhân, đẩy mạnh chính sách an sinh xã hội, chăm sóc giáo dục cho con em người lao động.

Đó mới là vấn đề mấu chốt. Mọi chính sách trở nên kém hiệu quả nếu người lao động cảm thấy không yên tâm và thấy quyết định quay trở lại các trung tâm công nghiệp của mình không được đền đáp tương xứng.

Hoàng Ngân (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.