Y tế

Cảnh báo việc tự ý “nhồi” thuốc cho trẻ mắc Covid-19

25/02/2022, 10:00

Không ít cha mẹ lo lắng thái quá khi trẻ mắc Covid-19, dẫn đến việc bắt con uống đủ loại thuốc, thực phẩm chức năng không cần thiết.

Theo cảnh báo của bác sĩ nhi khoa, việc này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ về sau.

Sai lầm nguy hiểm

Chị Nguyễn Minh An (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, gia đình chị có 4 người lần lượt nhiễm Covid-19, bắt đầu từ chồng chị. Hai vợ chồng đều đã tiêm đủ 3 mũi vaccine nên triệu chứng đều rất nhẹ.

img

Các loại thuốc đã được một bà mẹ dùng cho con khi điều trị Covid-19

Tuy nhiên, 2 cậu con trai dưới 10 tuổi đều chưa tiêm khiến vợ chồng chị rất lo lắng, nhất là cậu con út mới lên 3, sốt và liên tục ho, dẫn đến nôn trớ.

Trong lúc chờ đợi y tế phường, chị An liên lạc với hiệu thuốc đầu phố và được họ tư vấn, chuyển tới túi thuốc, trong đó có thuốc Daleston-D, Rinofil, Maomy, vitamin C, Otrivil, nước muối sinh lý, thuốc hạ sốt…

Tiếp đó, chị được một người bạn thân sốt sắng gửi thêm cho 2 lọ Multi Vitamin, Kẽm, kèm lời dặn dò “cho con uống đều để tăng sức đề kháng”.

Chưa hết lo lắng, chị An lên mạng tìm đến nhóm hỗ trợ điều trị online của các bác sĩ nhi khoa. Chị An cho biết: “Sau khi trao đổi với bác sĩ, tôi được biết tình trạng của hai con đều không đáng ngại. Bác sĩ chỉ dặn dò dùng thuốc cơ bản như hạ sốt, xúc họng và bổ phế cho con thôi. Đồng thời, tiếp tục theo dõi diễn biến để tham vấn chỉ định dùng thêm các loại thuốc khác khi cần thiết”.

Tương tự như chị An, nhiều phụ huynh lo lắng thái quá nên dự trữ rất nhiều loại thuốc trong nhà phòng khi không may trở thành F0.

Đáng nói, hầu hết đều mua theo các đơn thuốc được lan truyền trên mạng hoặc theo đơn của nhà thuốc.

Hiện đang tham gia tư vấn online cho các gia đình có con nhỏ mắc Covid-19, BS. Đào Trường Giang (Bệnh viện SaintPaul, Hà Nội) chia sẻ: “Có nhiều bậc phụ huynh nhắn tin hỏi tôi, hiện có tới 6 - 7 loại thuốc nhưng không biết uống ra sao. Thậm chí, có nhiều loại thuốc xách tay của nước ngoài không rõ thành phần là gì, chỉ nghe giới thiệu phòng, điều trị Covid-19 thì mua. Đây là một sai lầm nguy hiểm. Đáng ngại, có gia đình vội vàng cho con sử dụng thuốc kháng sinh”.

BS. Giang cho biết thêm, hiện việc mua dự trữ, sử dụng thuốc cho trẻ rất tràn lan, nhất là khi tình hình dịch diễn biến phức tạp, ca mắc tăng cao mỗi ngày ở Hà Nội. Thậm chí, nhiều người “nghe ai mách gì, uống nấy”.

“Một trong những sai lầm nguy hiểm nhất là có khá nhiều bệnh nhi khi mắc Covid-19, cha mẹ tự ý sử dụng sớm kháng sinh, các loại thuốc chống viêm có chứa Corticoid. Có thể việc này giúp trẻ giảm nhanh phản ứng viêm, giảm ho nhưng ngược lại có nhiều tác dụng phụ, có thể dẫn tới những hậu quả lâu dài cho trẻ như: Loãng xương, giảm sức đề kháng, yếu cơ, tim mạch…”, BS. Giang chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ còn “nhồi” cho con cùng lúc nhiều loại thực phẩm chức năng để tăng sức đề kháng khi đang nhiễm Covid-19.

Đã có những trường hợp trẻ mắc Covid-19 bị dị ứng nặng mà nguyên nhân nghi ngờ nhiều do uống thuốc tăng cường sức đề kháng xách tay được bán trên mạng.

Lợi bất cập hại từ xông hơi mũi, miệng cho trẻ

Liên quan tới việc “người người, nhà nhà” đang tìm mua các loại xông mũi, xông họng, cả xông toàn thân với mong muốn sớm khỏi Covid-19, BS. Giang khuyến cáo: “Tôi đã từng gặp một trường hợp bệnh nhân uống nhầm viên xông thảo dược thay vì bỏ vào xông như hướng dẫn.

Đặc biệt, khi sử dụng cho trẻ em, phải thận trọng để không gây bỏng, xảy ra các tai nạn đáng tiếc. Ngoài ra, trong điều trị Covid-19, chúng ta lo ngại nhất là thiếu oxy do phổi không trao đổi được.

Việc xông mũi, họng quá nhiều lần trong ngày khiến phổi sẽ hít phải toàn hơi nước, sẽ làm tăng nguy cơ này, đồng thời tăng sự khó chịu cho trẻ”.

Lời cảnh báo của BS. Giang không thừa, khi cách đây ít lâu, bé T.L.N.P (14 tuổi, ngụ Đồng Nai) bị bỏng nặng vì xông lá thuốc ngừa Covid-19. Trong lúc xông, em P. đột ngột lên cơn co giật và ngã úp mặt vào nồi nước xông đang sôi, bất tỉnh.

Bé P. được gia đình chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) trong trạng bỏng nước sôi nặng vùng đầu, mặt, cổ.

Ngay sau khi nhập viện, bé được bác sĩ trợ thở bằng máy, truyền dịch nuôi ăn, khống chế nhiễm trùng từ các vết bỏng bằng kháng sinh mạnh. Các bác sĩ xác định, có thể ảnh hưởng đến ngoại hình và sinh hoạt từ các sẹo dính về sau.

Bác sĩ Nhi khoa Nguyễn Mạnh Cường, tình nguyện viên hỗ trợ điều trị mẹ và bé F0 tại nhà cũng chia sẻ, cách đây ít ngày, anh vừa cấp cứu một bệnh nhi bị bỏng do cha mẹ sơ suất để con nhúng cánh tay vào nồi xông khi xông người điều trị Covid-19.

BS. Cường khuyến cáo, các F0 chỉ nên xông phòng, tuyệt đối không trùm chăn xông, dễ gây bỏng toàn thân trẻ em. Các bé nhỏ hơn 30 tháng tuyệt đối không được xông trực tiếp, còn người lớn có thể xông mặt.

Theo khuyến cáo của BS. Đào Trường Giang, khi theo dõi, điều trị Covid-19 tại nhà, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ, vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ, không được kiêng nước. Đặc biệt, cần theo dõi sát nhiệt độ, SpO2 ít nhất 2 lần/ngày. Cho trẻ uống hạ sốt nếu trẻ sốt. Thường dùng Paracetamol (Hapacol, Efferalgan, Doliprane, Tylenol…) với liều 10 - 15mg/kg cân nặng/lần, 2 lần cách nhau ít nhất 4 tiếng...

Nếu trẻ ho, có thể dùng thuốc ho nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Không nên tự ý sử dụng 2 loại thuốc ho cùng lúc hoặc các loại thuốc ho có thành phần chống dị ứng, giảm ho. Không nên lạm dụng các vitamin, kể cả vitamin C hay Multivitamin. Tuyệt đối không dùng các đơn thuốc trên mạng...

Đặc biệt lưu ý, nếu bất kỳ khi nào trẻ có các biểu hiện như thở nhanh, khó thở, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống; tím tái môi, đầu ngón tay, chân, SpO2 < 95%, cần phải báo với phường hoặc liên hệ 115 để đưa trẻ nhập viện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.