Bạn cần biết

Canh cánh nỗi lo dịch vụ bệnh viện

21/08/2016, 06:55
image

Đến lúc cần tính đến thay đổi việc xây dựng mô hình quản trị bệnh viện theo hướng hội đồng quản trị...

14

Cán bộ Phòng Công tác xã hội tham gia hướng dẫn bệnh nhân khám tại BV Việt Đức

Bệnh viện đầu ngành vẫn... mổ nhầm, dịch vụ kém

Trong thời gian qua, ngành Y tế đã có bước tiến dài với nhiều đề án mang tính cải cách toàn diện vừa nâng cao chất lượng chuyên môn vừa đảm bảo quyền lợi người bệnh nhằm hướng đến mục tiêu “hài lòng người bệnh”. Tuy nhiên, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng nhìn nhận, vẫn còn nhiều hạn chế với nhiều sự cố tại các cơ sở y tế trong thời gian gần đây. Tinh thần, thái độ giao tiếp ứng xử của một bộ phận cán bộ trong bệnh viện còn chưa tốt, việc theo dõi, chăm sóc người bệnh chưa chặt chẽ... “Việc mổ nhầm, trả kết quả nhầm và các sai sót y khoa đã xảy ra, thậm chí ngay tại những bệnh viện đầu ngành cả nước. Hay các sự cố phát sinh từ lực lượng bảo vệ, cơ sở vật chất xuống cấp hay đơn giản là thiếu nhà vệ sinh… Điều này cho thấy, chất lượng khám chữa bệnh, dịch vụ y tế chưa đảm bảo”, ông Khuê nhấn mạnh và kiến nghị: “Các bệnh viện phải quản lý toàn diện chất lượng các dịch vụ để hạn chế tối đa các sự cố y tế.”

Bộ Y tế dự định công bố phân loại chất lượng 200 bệnh viện tuyến T.Ư, hạng I và tương đương. Phấn đấu đến năm 2025 có tối thiểu 30% số bệnh viện tham gia chương trình đánh giá của Tổ chức Chứng nhận chất lượng độc lập; Trên 50% bệnh viện từ tuyến tỉnh trở lên và 30% bệnh viện tuyến huyện áp dụng tối thiểu một phương pháp quản lý chất lượng, phù hợp với đặc điểm của bệnh viện vào năm 2018; Trên 70% bệnh viện từ tuyến tỉnh trở lên và 50% bệnh viện tuyến huyện có kế hoạch và đề án cải tiến chất lượng vào năm 2018.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, ngoài việc đầu tư vào cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và trách nhiệm của mỗi cán bộ, cần tăng cường nguồn nhân lực và tài chính tại các cơ sở y tế, cải thiện an toàn người bệnh và sự hài lòng người bệnh”. Song hành với phát triển hoạt động chuyên môn, phải chú trọng đến hệ thống dịch vụ y tế khác mà trong đó quyền lợi người bệnh phải được đặt lên trên hết. Điển hình với đề án “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, đến nay, tại các cơ sở khám chữa bệnh đã có sự chuyển đổi rõ rệt trong tư duy tiếp cận “bệnh nhân là khách hàng”. Tuy nhiên, các dịch vụ ngoài viện cần thuê khoán như bảo vệ, trông xe; ăn uống, dinh dưỡng; vận chuyển, cứu thương; siêu thị mini, quầy tiện ích; hỗ trợ chăm sóc… vẫn gây phiền hà cho bệnh nhân. Để giải quyết tồn tại này, tới đây, Bộ sẽ ban hành quy định cụ thể với các dịch vụ thuê khoán ngoài viện nhằm đảm bảo quyền lợi người bệnh cũng như các cơ sở y tế.

Bà Tiến cũng cho rằng, nếu chỉ bàn riêng về chuyên môn là chưa đủ mà cần phải đổi mới toàn diện về tư duy tài chính, tư duy quản trị mới tạo bước chuyển mình trong chất lượng quản lý bệnh viện. “Thực tế, không thể đòi hỏi một giám đốc bệnh viện vừa giỏi chuyên môn, vừa quản trị bệnh viện lại đảm đương tốt cả tá công việc đối nội, đối ngoại, duyệt tài chính, chăm lo đời sống cán bộ… Đến lúc cần tính đến thay đổi việc xây dựng mô hình quản trị bệnh viện theo hướng hội đồng quản trị hay giữ lại giám đốc bệnh viện”, bà Tiến cho biết.

Sẽ kiểm định độc lập xếp hạng bệnh viện

Với quan điểm chủ đạo “Lấy người bệnh làm trung tâm của hoạt động chăm sóc và điều trị”, từ năm 2013, Bộ Y tế đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện. Theo đó, mỗi bệnh viện cần đạt 83 tiêu chí, trong đó có 19 tiêu chí hướng đến người bệnh, 14 tiêu chí phát triển nguồn nhân lực, 38 tiêu chí về hoạt động chuyên môn, 8 tiêu chí cải tiến chất lượng và 4 tiêu chí đặc thù chuyên khoa.

Sau ba năm áp dụng thí điểm, nhiều bệnh viện đã tích cực áp dụng Bộ tiêu chí và có những chuyển biến rõ rệt, từ cải tiến quy trình khám bệnh, trả kết quả xét nghiệm đến môi trường, cảnh quan, xây dựng phác đồ, chất lượng chuyên môn, chủ động báo cáo sự cố y khoa… Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, hiện đa số các bệnh viện đã thành lập phòng hoặc tổ quản lý chất lượng nhằm bao quát, giám sát chất lượng các hoạt động trong bệnh viện, qua đó từng bước nâng cao chất lượng bệnh viện.

“Việc chấm điểm xếp hạng bệnh viện cũng giúp người bệnh lựa chọn cơ sở y tế một cách phù hợp hơn. Đơn cử, có bệnh viện quảng cáo thì rất nhiều, rất hoành tráng, tuy nhiên, theo thang tiêu chí thì chỉ đạt mức độ thấp”, ông Khuê cho hay.

Tuy nhiên, với việc chấm điểm theo Bộ tiêu chí này để xếp hạng bệnh viện, Bộ trưởng Tiến cho rằng, cần phải rà soát lại xem đến thời điểm này có còn phù hợp, cách chấm theo các tiêu chí có được hiệu quả khách quan... Bởi hiện nay, việc chấm điểm được thực hiện theo hướng cơ sở tự chấm và so sánh với Sở Y tế quản lý chấm.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ thành lập Tổ chức Kiểm định độc lập gồm các hiệp hội nghề nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng, báo chí, các nhà chuyên môn... có được kết quả đánh giá công tâm, chính xác. Từ đó căn cứ vào xếp hạng bệnh viện để có sự điều chỉnh tăng, giảm giá dịch vụ bệnh viện cho phù hợp”, ông Khuê cho biết thêm.  

>>>Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.